1. Kinh doanh

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Đa dạng các mặt hàng

Để phục vụ nhu cầu của du khách trong dịp lễ hội, Công ty TNHH một thành viên A Lúa (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu chuối mốc để sản xuất khoảng 1 tấn chuối sấy giòn.

Công ty TNHH một thành viên A Lúa (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) dự kiến sản xuất 1 tấn sản phẩm chuối sấy khô phục vụ du khách. Ảnh: Đinh Yến

Giám đốc Công ty Nguyễn Tân Khánh chia sẻ: “Chúng tôi thu mua chuối mốc từ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Chư Păh và lựa chọn chuối được trồng tự nhiên trên rẫy cà phê, tiêu, cao su... Dưới bàn tay lành nghề và công thức gia truyền hơn 20 năm của gia đình, từng miếng chuối sấy A Lúa được giữ nguyên vị ngọt thanh, giòn tan, đậm đà hương vị tự nhiên".

Với giá bán 150.000 đồng/kg, thời gian qua, sản phẩm chuối sấy A Lúa đã phân phối rộng rãi khắp cả nước. Mỗi năm, Công ty sản xuất đạt sản lượng hơn 15 tấn chuối nguyên liệu. Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm nay là dịp đặc biệt để A Lúa giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến nhiều hơn nữa với du khách xa gần.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) chuẩn bị các mặt hàng nấm linh chi để tham gia quảng bá tại lễ hội. Ảnh: Đinh Yến

Tương tự, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cũng đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để đưa các sản phẩm nấm linh chi đỏ, cao nấm linh chi, rượu nấm linh chi… tham gia giới thiệu sản vật đặc trưng địa phương tại Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024.

Ông Hồ Văn Hiếu-Phó Giám đốc HTX-cho hay: 2 năm qua, HTX đã triển khai mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai với diện tích gần 1 ha. Việc trồng nấm linh chi dưới tán rừng góp phần giảm chi phí chăm sóc, bảo vệ rừng; đặc biệt tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ, nhất là người dân sống gần rừng.

"Đến thời điểm này, HTX đã chuẩn bị đầy đủ, đa dạng các mặt hàng nấm. Hy vọng, sản phẩm nấm linh chi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh của chúng tôi sẽ làm hài lòng du khách”-ông Hiếu nói.

Ông Phan Hữu Dương-Chủ cơ sở sản xuất cà phê bột Xuân Dương (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) giới thiệu các sản phẩm sẽ trưng bày tại Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: Đinh Yến

Hòa chung không khí rộn ràng mùa lễ hội, những ngày này, Cơ sở sản xuất cà phê bột Xuân Dương (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) cũng tăng cường khâu sản xuất để cho ra khoảng 1 tấn hàng cà phê bột đóng gói và cà phê hạt nguyên chất.

Ông Phan Hữu Dương-Chủ cơ sở sản xuất cà phê bột Xuân Dương-thông tin thêm: Hiện cà phê Xuân Dương đã có mặt trên thị trường trong, ngoài nước. Với quyết tâm đưa sản phẩm vươn xa, năm 2020, Cơ sở đầu tư xây dựng nhà xưởng, sân phơi rộng gần 2000 m2, máy móc hiện đại để chế biến ra sản phẩm cà phê chất lượng cao. Hiện nay, trung bình 1 tháng, Cơ sở bán ra thị trường khoảng 1 tấn cà phê bột và cà phê hạt nguyên chất. Với giá bán trung bình từ 250-400 ngàn đồng/kg cà phê bột và hạt tùy loại, sau khi trừ chi phí, Cơ sở còn lãi khoảng gần 200 triệu đồng/tháng.

Cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương

Với các địa phương trong huyện Chư Păh, sự kiện văn hóa-du lịch diễn ra trên địa bàn sẽ là cơ hội tốt để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng.

Nhiều sản phẩm truyền thống rượu cần được xã Ia Ka chuẩn bị giới thiệu tại Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: Đinh Yến

Ông Phan Văn Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Ka-cho hay: Người dân trên địa bàn xã thường thu hái lâm sản phụ từ rừng để chế biến các sản phẩm như: măng le khô, măng nứa khô, chuối hột rừng, chuối cô đơn… bán ra thị trường. Vì vậy, tại Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm nay, xã Ia Ka sẽ giới thiệu đến du khách những sản phẩm của chính bà con trong xã làm ra. Đồng thời, xã cũng mong muốn các cấp, chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thành sản phẩm OCOP một số mặt hàng truyền thống như chuối cô đơn, măng le khô... để nâng cao nâng cao thu nhập cho người dân.

Tương tự, những ngày này, các hội, đoàn thể của xã xã Ia Mơ Nông cũng đang tất bật chuẩn bị các mặt hàng truyền thống của địa phương như: dệt thổ cẩm, gùi, gạo nếp nương… để tham gia Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya. “Những sản phẩm truyền thống luôn được người dân làm ra để dùng trong gia đình và bán ra thị trường. Hơn 1 tháng qua, xã lên kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng để trưng bày và giới thiệu sản phẩm đến du khách gần xa”-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã H’Uyên Niê thông tin.

Các hội, đoàn thể của xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang tất bật chuẩn bị các mặt hàng truyền thống của địa phương để tham gia phiên chợ tại Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024. Ảnh: H'Uyên

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Thanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho hay: Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh với nhiều chương trình hấp dẫn. Trong đó, phiên chợ nông sản an toàn là một trong số đó.

Phiên chợ được tổ chức trong khuôn viên nhà rông làng Ia Gri (dưới chân núi lửa Chư Đang Ya, xã Chư Đang Ya) từ ngày 6 đến 12-11; trọng tâm từ ngày 8 đến 10-11. Phiên chợ có hơn 30 gian hàng, gồm: 16 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của các huyện, thị xã, thành phố và 14 gian hàng của các xã, thị trấn của huyện Chư Păh. Huyện hỗ trợ 100% chi phí xây dựng gian hàng cho các xã, thị trấn và các cơ sở có sản phẩm OCOP trong, ngoài huyện.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 dự kiến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm. Vì vậy, huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm các mặt hàng truyền thống, nông nghiệp tham gia bày bán tại phiên chợ.

“Kết thúc Tuần lễ, huyện sẽ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở tiếp tục tổ chức các phiên chợ trong thời gian tới”-ông Thanh khẳng định.

ĐINH YẾN

Tin khác