1. Kinh doanh

Rời phố... về quê khởi nghiệp

Anh Phạm Văn Phước, thôn Yên Tôn Thượng, xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) với mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập cao.

Chàng kỹ sư đam mê đông trùng hạ thảo

Tốt nghiệp chuyên ngành điện tử - điện lạnh, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, anh Lê Trương Trường, xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) đã tìm cho mình công việc ổn định ở Nhà máy Samsung Thái Nguyên. Tuy nhiên, sau thời gian gắn bó với công việc kỹ sư, anh Trường đã quyết định từ bỏ về quê lập nghiệp với mô hình nuôi đông trùng hạ thảo (ĐTHT). Từ một người chuyên về kỹ thuật máy móc, giờ đây anh lại chinh phục trên lĩnh vực mới, vẫn còn lạ lẫm với nhiều người dân - nuôi ĐTHT .

Anh Trường chia sẻ: “Năm 2016, mức lương của tôi khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng - là niềm mơ ước với nhiều thanh niên, nhất là với những sinh viên mới ra trường. Vì vậy, quyết định nghỉ việc của tôi đã vấp phải phản ứng kịch liệt của cha mẹ, thậm chí bạn bè, người thân cũng trực tiếp gặp hoặc điện thoại khuyên can tôi nên suy nghĩ lại. Bởi con đường tôi lựa chọn khởi nghiệp không liên quan gì đến chuyên ngành đã học. Tuy nhiên qua quá trình tìm hiểu về sản phẩm này, tôi vẫn có niềm tin sẽ làm được”.

Mô hình nuôi đông trùng hạ thảo của anh Lê Trương Trường, xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) đã và đang gặt hái được nhiều thành công.

Năm 2017, Trường quyết định viết đơn xin nghỉ việc và lên Lai Châu học nuôi ĐTHT. Năm 2018, từ số tiền bố mẹ hỗ trợ và vay mượn người thân, Trường đầu tư mua máy móc hơn 400 triệu với quy mô xưởng rộng khoảng 50m2. Cứ nghĩ đơn giản, học như thế nào thì cứ áp dụng công thức như vậy sẽ thành công. Tuy nhiên 1 lần, 2 lần, 3 lần... rồi nhiều lần trong suốt quá trình 1 năm Trường liên tiếp gặp thất bại với số tiền bỏ ra gần 200 triệu. Tuy nhiên, không nản chí, mỗi lần thất bại Trường đều tìm ra nguyên nhân và cân đối lại nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm...; từ đó hoàn chỉnh công thức nuôi ĐTHT phù hợp với điều kiện địa phương mình. Năm 2018, khi cầm sản phẩm thành công đầu tiên, Trường đã bật khóc sau bao nhiêu ngày vất vả, thất bại.

Hiện tại, Trường đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất ĐTHT khép kín với quy mô 7.000 lọ/lứa với đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, gồm 1 phòng vô trùng, 1 phòng lạnh, phòng cấy nấm. Sau thời gian 3 tháng, anh thu hoạch được 30 - 40kg ĐTHT sấy khô. Với thương hiệu ĐTHT Minh Trường, hiện có các loại tươi, sấy khô, ngâm rượu, trà và nhộng trùng thảo. Theo tính toán của anh Trường, với giá bán thị trường 20 triệu đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, mỗi năm cho doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên.

Bỏ nghề điện... làm nông dân

Có thời gian gắn bó với nghề điện ở Hà Nội với thu nhập ổn định, thế nhưng chàng trai trẻ Phạm Văn Phước, thôn Yên Tôn Thượng, xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc) nhận thấy nơi đây không phù hợp với tính cách và sở thích bản thân. Trở về quê phát triển nông nghiệp mới là cuộc sống mà anh hướng tới. “Tuổi thơ của tôi gắn liền với những cánh đồng, mảnh vườn trồng rau, quả và hàng ngày được hít hà không khí thiên nhiên trong lành. Tôi luôn mong ước sẽ đầu tư làm được một trang trại tổng hợp, ở đó không chỉ trồng đầy đủ các loại cây ăn quả mà còn chăn nuôi. Sản phẩm phục vụ gia đình và cung cấp những mặt hàng sạch cho người tiêu dùng”, anh Phước chia sẻ.

Năm 2015, anh trở về quê hương và thấy tiếc nuối trước cảnh nhiều gia đình bỏ đồng ruộng vì trồng lúa mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, cùng với chính sách của tỉnh, sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh đã dùng toàn bộ số tiền tích lũy và mạnh dạn vay mượn người thân và ngân hàng để đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Đầu tiên anh thầu 3,2ha tích tụ đất ruộng để chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuối, tuy nhiên do hiệu quả không cao, qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở một số mô hình trong tỉnh, anh đã quyết định thay đổi sang trồng ổi. Sau đó tiếp tục mở rộng diện tích sang trồng đu đủ, chuối, táo, bưởi; xây dựng trang trại nuôi thêm bò...

Anh Phước chia sẻ: “Mặc dù đã tìm hiểu và học hỏi ở một số mô hình, nhưng khi bắt tay vào thực hiện cũng không phải đơn giản. Tôi luôn xác định “thất bại là mẹ thành công”, vừa làm vừa tích lũy thêm kinh nghiệm, vì vậy, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm ở các mô hình có hiệu quả để nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi”.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ 3,2ha đến nay trang trại của anh Phước đã mở rộng quy mô lên 10ha, với 7.000 gốc ổi, 1.000 gốc táo, nuôi 15 con bò... Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình anh được thực hiện theo hướng khép kín nên tránh được các tác động xấu như nước thải, chất thải ra môi trường. Các sản phẩm luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được thị trường tiêu dùng đánh giá cao. Hiện thu nhập bình quân của gia đình sau khi trừ chi phí đạt 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lê Trương Trường (bên trái) chia sẻ với bí thư đoàn xã xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) về hiệu quả mô hình nuôi đông trùng hạ thảo.

Anh Trường, anh Phước cũng chỉ là 2 trong rất nhiều thanh niên đã dũng cảm vượt qua sự an toàn của bản thân trong việc chuyển hướng về quê khởi nghiệp thành công. Việc rời phố về quê khởi nghiệp không phải là hành động nhất thời, cũng không phải là trào lưu của những người sợ áp lực, chán nản cuộc sống nơi phố thị, chạy trốn công việc vất vả. Việc làm của các bạn trẻ được tính toán kỹ lưỡng, trước hết từ niềm đam mê với công việc lựa chọn, để từ đó tìm hiểu kỹ về phương pháp, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc tạo mọi điều kiện về vay vốn, mặt bằng... để họ tin chắc rằng việc rời phố về quê là quyết định đúng đắn. Bởi, ở môi trường nào cũng vậy, có cống hiến thì mới thành công...

Bài và ảnh: Trung Hiếu

Tin khác