1. Kinh doanh

Ratan Tata - Nhân vật tiên phong trong bức tranh tăng trưởng của Ấn Độ - Kỳ 1

Kỳ 1: Đưa tập đoàn Tata lên bản đồ thế giới

Tang lễ cấp quốc gia dành cho ông Ratan Tata. Ảnh: Business-standard

Ông Ratan Tata trút hơi thở cuối cùng tại Mumbai ngày 9/10, hưởng thọ 86 tuổi. Tang lễ cấp quốc gia dành cho ông đã diễn ra tại Mumbai vào ngày 10/10. Nhiều người Ấn Độ ngưỡng mộ tính khiêm tốn và phẩm chất của ông Tata.

Tập đoàn Tata 156 năm tuổi, do ông nội của ông sáng lập, nổi danh tại Ấn Độ sản xuất trà, xà phòng, ô tô, điều hành các khách sạn sang trọng, cung cấp các dịch vụ phần mềm hàng đầu và đưa Starbucks đến Ấn Độ.

Chuyển đổi tập đoàn Tata

Ông cố của Ratan Tata - Jamsetji Tata đã thành lập công ty thương mại Tata vào năm 1868 với số vốn 21.000 rupee. Từ khởi đầu khiêm tốn đó, tập đoàn Tata đã xây dựng nhà máy thép đầu tiên của Ấn Độ, khách sạn sang trọng đầu tiên và hãng hàng không nội địa đầu tiên tại quốc gia này.

Trong khi đó, ông Ratan Tata sinh ngày 28/12/1937 tại Mumbai, trong gia đình người Parsi - cộng đồng theo Hỏa giáo. Từ khi còn nhỏ, ông phải trải qua nhiều khó khăn cá nhân, trong đó có việc xa mẹ ly thân. Tuy nhiên, bà nội Navajbai Tata đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng ông.

Ratan Tata tốt nghiệp Đại học Cornell (Mỹ) chuyên ngành kiến trúc. Năm 1962, ông trở về Ấn Độ và bước chân vào tập đoàn Tata. Ở giai đoạn đầu, ông làm việc cùng các công nhân tại khu vực sản xuất của nhà máy thép ở Jamshedpur thuộc công ty Tata Steel của tập đoàn.

Ông Ratan Tata sau đó đến công tác tại một số công ty khác thuộc tập đoàn Tata. Ông tạo dấu ấn qua thành tựu xóa lỗ và tăng thị phần của công ty National Radio & Electronics của tập đoàn.

Ratan Tata tiếp quản chiếc ghế chủ tịch Tập đoàn Tata từ người chú J.R.D. Tata, một biểu tượng khác của giới kinh doanh Ấn Độ, vào năm 1991. Đó cũng là giai đoạn Ấn Độ đang tự do hóa, mở cửa nền kinh tế với thế giới và bước vào kỷ nguyên tăng trưởng cao.

Với triết lý kinh doanh bắt nguồn từ việc chấp nhận rủi ro, ông Ratan Tata đã chèo lái, chuyển đổi Tập đoàn Tata từ một đơn vị kinh doanh truyền thống của Ấn Độ với nhiều trung tâm quyền lực thành tập đoàn hợp nhất dẫn đầu trong các lĩnh vực tăng trưởng mới.

Một trong những bước đi đầu tiên của ông Ratan Tata là kiềm chế quyền lực của một số giám đốc điều hành công ty con thuộc tập đoàn. Những người này điều hành công ty một cách độc lập, dùng tài khoản của công ty để sưu tầm nghệ thuật, sử dụng máy bay riêng của của công ty cho các chuyến đi cá nhân...

Ratan Tata quyết định đặt ra độ tuổi nghỉ hưu là 75, khiến một số lãnh đạo nhiều tuổi phải rời đi. Ông còn thăng chức cho người trẻ tuổi lên các vị trí cấp cao và tăng cổ phần của Tata Sons trong các công ty con của tập đoàn. Trước đó, Tata Sons, công ty mẹ của tập đoàn, có cổ phần trong nhiều công ty con chỉ ở mức thấp 3% hoặc 13%.

Năm 1991, Thủ tướng khi đó Manmohan Singh bắt đầu loại bỏ hệ thống giấy phép Raj lâu đời của Ấn Độ. Giấy phép Raj vốn gây ảnh hưởng đến cạnh tranh và yêu cầu các công ty nước ngoài phải có đối tác Ấn Độ khi hoạt động tại thị trường này. Sau khi giấy phép Raj bị bãi bỏ, nhiều công ty Ấn Độ đã đề nghị được bảo vệ trước sự cạnh tranh của nước ngoài.

Nhưng ông Tata lại chia sẻ với giám đốc của các công ty con: "Chúng ta không nên giới hạn suy nghĩ của mình ở Ấn Độ. Chúng ta nên suy nghĩ toàn cầu ". Tư tưởng này giúp các công ty trong tập đoàn vượt qua suy thoái kinh tế vào đầu những năm 2000 mà không bị tổn hại.

Tập đoàn Tata tạo danh tiếng trên toàn cầu

Ông Ratan Tata tại New Delhi năm 2001. Ảnh: Getty Images

Năm 1996, ông Ratan Tata thành lập công ty viễn thông Tata Teleservices và đưa công ty IT Tata Consultancy Services trở thành “gà đẻ trứng vàng” của tập đoàn.

Nhưng để phát triển đúng cách, tập đoàn đã quyết định cần phải vươn ra ngoài phạm vi Ấn Độ. Tata Steel đã mua than trên toàn cầu thay vì chỉ khai thác than trong nước. Tata Motors cũng tham gia sản xuất thuốc nhuộm cho ô tô Jaguar, Ford và Toyota.

Năm 2000, tập đoàn Tata có bước đi táo bạo hơn khi mua công ty trà Tetley của Anh với giá 432 triệu USD và nhà sản xuất thép Anh-Hà Lan Corus vào năm 2007 với giá 13 tỷ USD. Đây là vụ thâu tóm lớn nhất công ty nước ngoài do một doanh nghiệp Ấn Độ thực hiện ở thời điểm đó.

Sau đó, Tata Motors mua lại thương hiệu ô tô hạng sang của Anh là Jaguar Land Rover từ Ford vào năm 2008 với giá 2,3 tỷ USD. Với Jaguar Land Rover (JLR), Ratan Tata và các lãnh đạo khác đã nỗ lực ra mắt các mẫu xe mới, sản xuất hiệu quả, đưa công ty trở lại trạng thái có lãi sau vài năm.

Năm 2015, ông Ratan Tata chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất mà tôi có được là cố gắng làm điều mà mọi người đều nói là không thể”.

Đón đọc Kỳ cuối: Di sản của doanh nhân được người dân Ấn Độ mến mộ

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera, CNN, Guardian)

Tin khác