Rần rần trend 'xé túi mù', hệ quả gì?
Túi mù (blind box) là những chiếc hộp hoặc túi chứa các món đồ chơi, phụ kiện ngẫu nhiên mà người mua không biết trước. Sự tò mò và cảm giác hồi hộp khi mở túi khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua và trải nghiệm.
Không chỉ tìm mua, nhiều bạn trẻ sẵn sàng dành hàng giờ xem các phiên livestream, các clip mở túi mù. Trên bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào, chỉ cần gõ từ khóa "túi mù" vào thanh tìm kiếm là nhận được kết quả hàng loạt bài viết, video về sản phẩm túi mù với đủ loại mẫu mã, giá cả.
Theo nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử Metric, "cơn sốt" túi mù đã làm khuynh đảo giới trẻ Việt. Thống kê từ ngày 1-7 đến 30-9 trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến - gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop - cho thấy có 170.000 sản phẩm túi mù được bán ra với tổng doanh thu 4,6 tỉ đồng. Sức mua tăng trưởng mạnh nhất vào tháng 9-2024.
Phân khúc túi mù giá rẻ tập trung chủ yếu ở 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo, với giá 10.000 - 30.000 đồng/sản phẩm. Trên TikTok Shop, sản phẩm có giá cao hơn, khoảng 30.000 - 50.000 đồng/sản phẩm. Giá rẻ cũng là yếu tố khiến sản phẩm túi mù trở thành "cơn sốt" hiện nay.
Túi mù có nguồn gốc từ Nhật Bản, phát triển từ ý tưởng "Fukubukuro" - túi may mắn, được dùng để giải quyết hàng tồn kho. Trào lưu này lan nhanh sang các quốc gia khác nhờ sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử. Tại Trung Quốc, thương hiệu túi mù Pop Mart đã thu về hơn 10 tỉ USD.
Tuy nhiên, trào lưu tưởng chỉ mang tính giải trí này lại ẩn chứa nhiều hệ lụy. Có những phiên livestream, KOL xé đến 10.000 túi mù, thậm chí nhiều hơn. Người xem thích thú bởi tiếng xé túi mù xoẹt xoẹt và việc khám phá những món đồ ngẫu nhiên bên trong. Điều này đồng nghĩa một lượng rác thải nhựa lớn được thải ra môi trường, mất đến hàng ngàn năm để phân hủy.
Không ít người sau một thời gian "đắm chìm" cùng trào lưu xé túi mù đã nhận ra những món đồ trong túi đa phần không có giá trị sử dụng, chỉ giúp vui vẻ thoáng qua.
Theo Nguyên Thảo - Lê Thúy (NLĐO)