1. Tài chính

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: 'Giữ hay không cũng không bình ổn được giá'

Theo luống ý kiến này, nếu giữ thì cần có sự thay đổi phù hợp để phát huy hiệu quả vai trò bình ổn.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập qua giá mua, đồng nghĩa do người tiêu dùng chi trả, với mức 300 đồng một lít. Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở tài khoản tại ngân hàng để hạch toán thu, chi và có trách nhiệm công khai, minh bạch thu, chi từ quỹ này.

Luật sư PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh: “Chúng ta đang theo kinh tế thị trường và giá xăng dầu chúng ta cũng điều chỉnh biến động theo giá của thị trường. Quỹ bình ổn có giữ hay không cũng không bình ổn được. Vừa rồi chúng ta cũng sử dụng rất nhiều quỹ bình ổn nhưng mà khi chúng ta bỏ bớt 1 số thuế thì chúng ta thấy rằng giá xăng dầu ổn định.”

Trong khi đó, lại có ý kiến cho rằng, quỹ bình ổn là công cụ để kìm giữ xăng dầu không tăng sốc, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và tiêu dùng khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh. Vì vậy, theo một số chuyên gia, quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn cần duy trì, tuy nhiên cần thay đổi trong cơ chế điều hành và tăng sự chủ động trong can thiệp của quỹ đối với giá xăng dầu.

TS NGUYỄN VĂN HIẾN, Chuyên gia kinh tế, Đại học Tài chính – Marketing: “Việc chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở trong nước như thế nào thì cơ chế cũng cần rà soát lại để đảm bảo tính linh hoạt, vừa đúng mục tiêu đã đề ra với Quỹ.”

Trước những biến động lớn của giá xăng dầu thế giới, yêu cầu bình ổn giá xăng dầu trong nước càng đặt ra cấp bách. Một số chuyên gia cho rằng, ngoài sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, Nhà nước cũng nên sử dụng thêm công cụ là giảm thuế, phí đối với mặt hàng này.

GS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh: “Chúng ta đang tiếp tục theo dõi tình hình chung thế giới để chúng ta có những hành động nhanh hơn, kịp thời hơn và chúng ta xem xét đến việc nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang thì chúng ta nhanh chóng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế giá trị gia tăng.”

2022 là năm giá xăng dầu có sự điều chỉnh nhiều nhất, biên độ cao nhất với 15 lần điều chỉnh tăng, 12 lần giảm, 01 lần giữ nguyên giá. Trong khi đó, vai trò “công cụ bình ổn” của quỹ bình ổn xăng dầu đang bộc lộ nhiều bất cập, để phải đăt ra vấn đề “nên hay không tiếp tục duy trì”.

Và theo nhiều ý kiến, cần thay đổi cơ chế điều hành quỹ bình ổn xăng dầu phù hợp với bối cảnh mới, hoặc nhà nước sử dụng các công cụ giảm thuế phí sẽ hiệu quả hơn, bởi bình ổn giá xăng dầu trong nước còn là kiểm soát lạm phát, ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện : Phạm Quyền

Tin khác