1. Tài chính

Những điều khó nói về lạm phát ở Mỹ

Theo các nhà kinh tế học tại JPMorgan Chase, lạm phát Mỹ đang có xu hướng giảm - Ảnh: WSJ

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tại Mỹ trong tháng 9 là 8,2%, trong khi lạm phát lõi - thước đo không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng vốn là hai nhóm hàng hóa có mức độ biến động lớn - là 6,6%, mức cao nhất kể từ năm 1982. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, có những lập luận tin cậy rằng lạm phát tại Mỹ đang ở mức trên 8%, dưới 3% hoặc ở giữa hai mức này.

CÁC CHỈ SỐ KHÔNG PHẢN ÁNH HẾT THỰC TẾ

Cái khó để trả lời câu hỏi trên là mức tăng giá cả - lạm phát toàn phần (headline inflation) - có thể khác với mức tăng khi không tính tới các cú sốc, tức lạm phát lõi (core inflation).

Việc này cũng giống như sự khác nhau giữa khí hậu - là biểu hiện các đặc tính địa lý và khí quyển, và thời tiết - phản ánh một loạt các hiện tượng nhất thời. Vì vậy, văn học Mỹ có câu nói: "Khí hậu là những gì ta mong đợi, còn thời tiết là những gì ta nhận được."

Tương tự, lạm phát lõi được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, chủ yếu là sự cân bằng giữa cung và cầu. Còn lạm phát toàn phần được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế vi mô có tác động tạm thời. “Lạm phát lõi là những gì ta mong đợi; còn lạm phát toàn phần là những gì ta nhận được”.

Cũng giống như việc các nhà khoa học cố gắng tìm ra xu hướng khí hậu từ loạt dữ liệu thời tiết đầy biến động, các nhà kinh tế học và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cố gắng lọc lạm phát lõi ra khỏi các con số toàn phần có nhiều biến động. Và câu trả lời của việc này rất quan trọng: Tỷ lệ lạm phát lõi trên 8% đồng nghĩa rằng Fed phải tăng lãi suất nhiều hơn so với khi tỷ lệ này ở mức dưới 3%.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến nguồn cung và giá của cả ô tô mới lẫn ô tô cũ - Ảnh: Shutterstock

Lạm phát lõi loại bỏ thực phẩm và năng lượng - hai mặt hàng có mức độ biến động giá lớn và thường đẩy lạm phát toàn phần lên cao hoặc xuống thấp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thực tế là lạm phát lõi cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như sự thay đổi về thuế doanh thu hay cước di động…

Vì vậy, các nhà kinh tế đã nghĩ ra một loạt các chỉ số thay thế để loại bỏ các yếu tố ngẫu nhiên như vậy. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta hiện theo dõi 9 chỉ số như vậy và kết quả cho thấy thực tế khá tệ: Đó là lạm phát lõi ở Mỹ đang ở mức khoảng 4,7-7,3%, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của Fed.

Tuy nhiên, đây cũng có thể chưa phải là thực tế. Đại dịch Covid-19, các biện pháp hạn chế phòng dịch, vấn đề của chuỗi cung ứng, thời tiết cực đoan và chiến tranh có thể đã gây gián đoạn cho rất nhiều lĩnh vực. Điều này khiến cho kể cả những chỉ số được xây dựng kỹ càng này cũng không thể phản ánh hết thực tế.

Ví dụ, phí bảo hiểm y tế đã tăng bất thường khi người dân khó tiếp cận bác sĩ và bệnh viện trong giai đoạn đầu của đại dịch. Do có độ trễ, điều này giờ đây gần như hoàn toàn ngược lại. Còn trong lĩnh vực ô tô, tình trạng thiếu chất bán dẫn đã làm giảm nguồn cung ô tô mới, trong khi các công ty cho thuê tái cơ cấu đội xe của mình trong thời gian ngừng hoạt động do đại dịch đã làm giảm nguồn cung ô tô đã qua sử dụng. Do đó, giá xe cũ tại Mỹ hiện đang giảm.

Trong khi đó, chi phí nhà ở đang tăng nhanh trong khi đây lại là thành phần lớn nhất trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lại có xu hướng kéo dài. Tuy nhiên, điều này phản ánh tình trạng thiếu nhà ở do di cư liên quan đến đại dịch, tình trạng di cư do bị trục xuất và lãi suất cho vay thế chấp mua nhà thấp - những điều đều đã kết thúc ở thời điểm hiện tại.

Theo ông Jay Parsons của RealPage, giá nhà tại Mỹ trong tháng 8 đã giảm mạnh nhất trong một thập kỷ trở lại đây, còn giá cho thuê căn hộ tại 80/150 khu vực đô thị lớn ở Mỹ đã giảm trong tháng 9.

Theo hướng phân tích này, “lạm phát Mỹ đang có xu hướng giảm” như nhận định của các nhà kinh tế học tại JPMorgan Chase. Phân tích CPI, nhóm này dự báo rằng lạm phát toàn phần sẽ giảm từ 8,2% trong tháng 9 xuống còn 3,2% vào tháng 9/2023. Còn ngân hàng UBS, với các tính tương tự, dự báo lạm phát sẽ giảm xuống còn 2% vào tháng 12/2023.

MỐI TƯƠNG QUAN VỚI TIỀN LƯƠNG

Câu chuyện vĩ mô này có hai vấn đề. Thứ nhất là mọi chuyện không diễn ra như vậy trong vài tháng qua. Một số mặt hàng được dự báo sẽ giảm giá - như ô tô mới - nhưng việc này đã không xảy ra. Trong khi một số mặt hàng giảm giá lại được bù đắp bởi những mặt hàng tăng giá.

Thứ hai, khi giá cả tăng lên một ngưỡng đủ để việc này trở thành hiện tượng vĩ mô, chứ không phải vi mô: Lạm phát toàn phần cao đồng nghĩa lạm phát lõi đã tăng lên.

Nguyên nhân nào dẫn đến sự chuyển đổi này? Khi lạm phát ở mức thấp, như trong 30 năm trước khi đại dịch xảy ra, lạm phát không ảnh hưởng đến hành vi, và các cú sốc về giá kinh tế vi mô "có xu hướng biến mất mà không để lại dấu ấn đáng chú ý về lạm phát toàn phần" - theo giải thích của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có trụ sở tại Thụy Sĩ trong một báo cáo hồi tháng 6.

Khó đo lường tỷ lệ lạm phát thực tế do nhiều yếu tố - Ảnh: Getty Images

Nhưng khi lạm phát cao, mọi người đều chú ý và nó ảnh hưởng đến cách họ định giá và tiền lương. Trong những điều kiện như vậy, giá một mặt hàng tăng lên có tương quan nhiều hơn với sự tăng giá của các mặt hàng khác.

“Tuy nhiên, hiện tượng giá cả tăng lên sẽ không thể tự duy trì nếu không có phản ứng giữa giá cả và tiền lương” BIS lưu ý.

Những người chỉ trích chính sách thắt chặt tiền tệ muốn chỉ ra rằng tiền lương không phải là lý do khiến giá nhà ở, ô tô, năng lượng và bảo hiểm y tế tăng lên. Nhưng tiền lương phản ánh những gì người sử dụng lao động nghĩ rằng họ có thể thu lại được thông qua giá cả hoặc năng suất, đồng thời phản ánh những gì người lao động mong đợi với chi phí sinh hoạt. Điều này làm cho tiền lương trở thành một chỉ số tương đối rõ ràng về lạm phát lõi.

Tại Mỹ, tiền lương đã tăng nhanh, dù mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng của giá cả. Mức lương theo giờ tháng 9 đã tăng 5% so với 12 tháng trước. Còn Goldman Sachs, công ty theo dõi nhiều dữ liệu khác nhau, tính toán rằng mức lương hiện tại đã tăng 5,7%.

Theo ước tính dài hạn của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, nếu năng suất tăng 1,8%/năm, dữ liệu về tiền lương này cho thấy lạm phát lõi đang ở mức 3-4%, vẫn cao so với mục tiêu của Fed. Hơn nữa, trong bối cảnh việc làm vẫn tăng nhanh, tổng thu nhập của người lao động đang tăng với tốc độ khoảng 7%/năm, một con số tương đối lớn để thúc đẩy nhu cầu.

Tin tốt là, trong khi các biện pháp kiềm chế lạm phát bắt đầu được áp dụng quyết liệt hơn vào mùa xuân, tăng trưởng tiền lương đã chậm đôi chút và tăng trưởng cung tiền - đại diện cho nhu cầu doanh nghĩa - đã chậm lại đáng kể từ khi các biện pháp kích thích tài khóa hết hạn.

Do đó, dù vẫn còn biến động, nhiều dự báo cho thấy lạm phát lõi ở Mỹ sẽ giảm xuống chứ không tăng lên.

Hoài Thu -

Tin khác