Sàng lọc khốc liệt trên thị trường bất động sản
Cắt giảm nhân sự
Dù không công khai, nhưng việc cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp bất động sản đang diễn ra đồng loạt, từ doanh nghiệp có quy mô vừa hoặc nhỏ, đến các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn. Nguyên do vì hoạt động bán hàng trong thời gian gần đây đình trệ, các chủ doanh nghiệp buộc lòng phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động.
Là một trong số những người bị cắt giảm trong đợt vừa rồi, chị Trần Thị Thanh, môi giới bất động sản tại TP.HCM cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng gần đây, công ty chị đã cắt giảm nhiều nhân sự, trong đợt tháng 9 mới đây thì chị cũng thuộc số đó.
“Khoảng 30% nhân sự ở văn phòng tôi thuộc diện cắt giảm, đa phần đều là những người mới vào nghề. Những người ở lại, phần lớn đã có kinh nghiệm nhiều năm, có lượng khách hàng thân thiết nên thi thoảng vẫn có giao dịch thì được giữ lại, nhưng cũng không biết sẽ tồn tại được bao lâu”, chị Thanh nói.
Tương tự, anh Vũ Nhật Quang, nhân viên môi giới của một doanh nghiệp lớn tại tỉnh Bình Dương cho biết, mới đây, Ban lãnh đạo công ty đã thông báo về quyết định cắt giảm nhân sự vì việc kinh doanh gặp khó khăn. Theo đó, công ty đưa ra 3 “option” để cho các nhân viên tự lựa chọn.
Một là sẽ ở lại công ty làm việc, nhưng không nhận lương, công ty sẽ đóng bảo hiểm xã hội 100%.
Hai là nghỉ việc hẳn, công ty hướng dẫn nhận trợ cấp thất nghiệp. Nếu muốn thì người lao động vẫn có thể ở lại hỗ trợ công ty.
Ba là nghỉ việc hẳn, công ty hướng dẫn nhận trợ cấp thất nghiệp, khi công ty hoạt động bình thường sẽ ưu tiên mời về làm việc nếu đồng ý.
“Dù rất muốn đồng hành và hỗ trợ công ty, nhưng tôi vẫn phải lựa chọn phương án nghỉ hẳn, nhận trợ cấp thất nghiệp rồi chuyển sang làm việc khác. Không thể ở lại làm việc không nhận lương được vì còn vướng bận gia đình, con cái”, anh Quang nói.
Là một doanh nghiệp bất động sản có quy mô nhỏ tại TP.HCM, nhưng đợt vừa rồi, công ty của anh Đinh Văn Tú cũng phải cắt giảm nhân sự, chủ yếu là nhân viên kinh doanh. Theo anh Tú, ngay cả khi không có doanh thu thì doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho nhân viên, thanh toán tiền điện, nước, hợp đồng thi công, rồi chi phí đảm bảo vận hành các khu đô thị đã có người dân vào ở… “Chính vì vậy các doanh nghiệp phải tính toán đến việc cắt giảm nhân sự thì mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động”, anh Tú than thở.
Thay đổi kế hoạch kinh doanh
Việc cắt giảm nhân sự chỉ là biện pháp “cực chẳng đã” của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Biện pháp này mang tính ứng phó trong ngắn hạn, còn trong dài hạn, các doanh nghiệp đã chủ động thay đổi kế hoạch kinh doanh đã đặt ra trước đó để phù hợp với tình hình hiện tại.
Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để ngành địa ốc có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.
Đơn cử, tại Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, một doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, nhưng cũng buộc phải giảm chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra, cho thấy sự thanh lọc của thị trường bất động sản đang ở mức độ vô cùng khốc liệt. Theo đó, từ giữa năm 2022, Ban lãnh đạo Công ty đã chọn phương án đầu tư chậm, chờ các chính sách mới, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh thì mới quyết định mở rộng đầu tư.
Đồng thời, Quốc Cường Gia Lai cũng dự kiến cắt giảm chi phí để vượt khó. “Hiện tất cả dự án đều bị ‘đứng’ pháp lý, không đủ điều kiện bán hàng, viễn cảnh tắc nghẽn dòng tiền, áp lực thiếu vốn đang đè nặng thị trường khiến doanh nghiệp phải thận trọng trong kế hoạch kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai chia sẻ.
Hay như mới đây, một tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM đã ra thông báo trong nội bộ về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu của khách hàng. Cụ thể, trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tập trung tất cả nguồn lực để tiếp tục triển khai hoàn thiện các dự án có quy mô lớn, dài hạn. Tiết giảm các hạng mục xây dựng chưa cần thiết, đồng thời tái cấu trúc, bố trí lại một cách hiệu quả nguồn lực của các dự án chưa triển khai.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Tôi mong muốn toàn thể chúng ta sẽ không ngừng phát huy văn hóa đoàn kết, quyết liệt trong công việc của tập thể để tiếp tục kề vai sát cánh vì mục tiêu chung của tập đoàn”, lãnh đạo tập đoàn này kêu gọi nhân viên của mình.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, chuyên gia Savills, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để ngành địa ốc có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Trước biến cố của thị trường, chỉ những chủ đầu tư thực sự có nguồn lực về tài chính và nền tảng vững vàng mới có thể tiếp tục tồn tại, còn các chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có sự thích nghi, điều chỉnh kịp thời sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ, dừng cuộc chơi.
Việt Dũng