Quản trị doanh nghiệp theo hướng ESG: Doanh nghiệp cần làm gì?
Trong đó, chữ G (governance - quản trị) là một trong những tiêu chuẩn đang rất được quan tâm, đóng vai trò định hướng. Quản trị doanh nghiệp tốt mới đưa ra được chiến lược và sau đó là thực hành tốt các hoạt động kinh doanh theo các tiêu chuẩn E - môi trường và S - xã hội.
Cũng có thể hiểu quản trị tốt chính là mấu chốt của việc phát triển và cam kết thực hiện ESG. Do đó, việc này đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm nhìn, đề ra những phương án và chiến lược ESG hợp lý nhất dành cho doanh nghiệp. Đây không phải là theo đuổi theo kiểu “cho có”, chỉ thực hiện những hạng mục liệt kê trong các tiêu chuẩn ESG và cần phải thực tế hóa để mang lại giá trị tốt nhất cho hoạt động kinh doanh và các giá trị môi trường cũng như xã hội.
Vai trò thứ hai của công tác quản trị trong việc thực hành ESG là duy trì và kiểm soát việc thực hiện chiến lược. Ở đây nhấn mạnh tính bền bỉ, theo sát quá trình thực hiện ESG để từ đó tái đánh giá hiệu quả định kỳ nhằm cải thiện và hoàn thiện dần dần chiến lược ESG tốt nhất, phù hợp nhất với nội tại của doanh nghiệp.
Theo TS. Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV). Khi thực hành ESG, doanh nghiệp sẽ khắc phục được những điểm yếu về quản trị và tối ưu hóa được chi phí, tài nguyên. Hơn nữa, việc tuân thủ và cải tổ có thể giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh.
Tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc thực hành quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG lại không hề dễ dàng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Nguyễn Đức Minh, Phó chủ tịch Hội Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội chia sẻ, kinh nghiệm thực tế từ việc triển khai ESG là phải xác định đâu là ưu tiên, có lộ trình. Các đơn vị thẩm định ESG cũng đánh giá theo lộ trình. Trong quá trình đó, sẽ có những ưu tiên theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, doanh nghiệp có thể triển khai ESG ở mức độ nhận thức của lãnh đạo cấp cao, cấp trung. Giai đoạn tiếp theo là triển khai các vấn đề về tài chính, nhà máy.
Theo các chuyên gia, mỗi doanh nghiệp có đặc thù về ngành nghề, quy mô, định hướng phát triển và có thể tìm đến các đơn vị tư vấn ở giai đoạn đầu nếu chưa đủ năng lực để triển khai ESG. Các doanh nghiệp cần làm việc chặt chẽ với đơn vị tư vấn để họ hiểu rõ về hoạt động kinh doanh, bản sắc của mình. Sau đó, dựa trên các thông tin do các đơn vị tư vấn cung cấp để tìm ra mô hình phù hợp. Tư vấn chỉ đóng vai trò đồng hành và doanh nghiệp là người lựa chọn, chịu trách nhiệm hoàn toàn và tự lực trong triển khai các mô hình quản trị theo định hướng ESG.
Báo cáo mới đây của Công ty tư vấn Delta West đã đưa ra một số khuyến nghị về chiến lược để kết hợp các hoạt động ESG một cách hiệu quả cho các công ty.
Trong đó, điều tiên quyết là xây dựng một khung quản trị hiệu quả hướng đến ESG, trong đó bao gồm một cơ chế hợp tác và phân quyền giữa các bộ phận trong công ty hướng đến những quyết định bền vững. Bộ khung quản trị ESG cần được xác định vai trò, trách nhiệm và các KPI rõ ràng cho mỗi bộ phận, đi kèm với lộ trình báo cáo tiến độ thường xuyên.
Đội ngũ lãnh đạo cấp cao đóng vai trò linh hồn đối với các hoạt động vận hành doanh nghiệp, bao gồm cả giải pháp hướng đến ESG. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, Delta West đề xuất, có thể có một giám đốc phát triển bền vững, song với đó cần thành lập tiểu ban về phát triển bền vững trong hội đồng quản trị, bên cạnh việc tích cực truyền thông nội bộ về ESG.
Delta West nhấn mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận, việc thực hành ESG phải tính cả đến quản trị rủi ro thông qua số liệu ESG rõ ràng, minh bạch, qua đó tạo niềm tin cho khách hàng, nhà đầu tư, đối tác và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Khảo sát của KPMG vào năm 2022 từng chỉ ra, trên 5.800 doanh nghiệp ở 58 quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy, 96% trong số 250 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (theo doanh thu dựa trên bảng xếp hạng Fortune 500 năm 2021) có báo cáo về ESG. Đây chính là một cách chứng minh cam kết bền vững lâu dài của doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng được kỳ vọng của các bên liên quan.
Hồng Sơn