Quản trị doanh nghiệp là 'chìa khóa' giúp thu hút đầu tư quốc tế
Tại Diễn đàn thường niên lần thứ 7 với chủ đề “Đầu tư vào quản trị công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hóa thị trường” do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước , các chuyên gia nhận định: "Yêu cầu nâng cao chất lượng và mặt bằng quản trị công ty cho Việt Nam cần được thực sự coi trọng như một mục tiêu chiến lược quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu".
Theo báo cáo từ VIOD, hiện nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế, đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi quản trị công ty gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội.
YẾU TỐ TIÊN QUYẾT ĐỂ THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ TRÁCH NHIỆM
Bà Kasturi Nathan, Chuyên gia cao cấp về Chiến lược, Quản lý Rủi ro và Giao dịch, Deloitte Đông Nam Á, đánh giá giữa những căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế và động lực thị trường đang thay đổi, quản trị công ty là một yếu tố quan trọng giúp thu hút đầu tư quốc tế trong môi trường liên kết và biến động như hiện nay.
“Trong thế giới, nơi niềm tin của nhà đầu tư đặt vào mức độ tin cậy và trách nhiệm giải trình, các khung quản trị vững chắc có thể xem là tín hiệu cho uy tín – yếu tố tối quan trọng để tạo ra giá trị lâu dài”, bà Kasturi Nathan nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Phạm Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, cho biết trong vòng 20 năm qua, các nhà đầu tư trên thế giới đã nói về quản trị rất nhiều, thay vì tập trung nhiều vào lợi nhuận. Nếu trước đây, doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ quan tâm tài chính, lợi nhuận,… thì nay họ quan tâm nhiều hơn vào việc đầu tư có trách nhiệm.
“Thế giới cũng chứng kiến nhóm các nhà đầu tư trách nhiệm gia tăng mạnh. Theo một nghiên cứu, quy mô thị trường kinh doanh có trách nhiệm hiện vào mức 158.000 tỷ USD, rất lớn so với GDP. Trong khi nỗi sợ hãi lớn nhất của nhà đầu tư là mất tiền, nên việc làm thế nào để cải thiện yếu tố quản trị trong doanh nghiệp ngày càng được ưu tiên”, ông Thịnh cho biết.
Tuy nhiên, theo VIOD, mặt bằng quản trị công ty nói chung và quản trị công ty gắn với ESG của Việt Nam hiện đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN và thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty Đông Nam Á (ACGS).
Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC, cũng cho rằng các nhà đầu tư ngày nay thay vì quan tâm nhiều về tài chính, thì họ quan tâm nhiều hơn về mặt phi tài chính, mà cụ thể là quản trị doanh nghiệp.
Để có được một thương vụ thành công và giá cao, thì chỉ có những công ty nào có quản trị tốt mới đạt được. Do đó, Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC khuyến nghị doanh nghiệp phải có cái nhìn toàn diện nhiều khía cạnh, không chỉ lợi nhuận, lợi ích cho cổ đông mà phải bao gồm cả tác động đến môi trường, tác động xã hội.
“Nếu doanh nghiệp được ví như một anh học sinh, thì anh học sinh đó phải giỏi và ngoan. Giỏi tức tăng trưởng và phát triển, còn ngoan là phải có phát triển bền vững”, ông Giang ví von.
SỰ ĐA DẠNG TRONG CHIẾN LƯỢC QUẢN TRỊ
Số liệu từ McKinsey và World Bank cho thấy các công ty có chất lượng quản trị tốt sẽ được định giá cao hơn 10 - 20% và có chi phí vốn thấp hơn 10 - 15% khi gọi vốn.
Là một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn tại Việt Nam, dưới góc nhìn của CEO Tập đoàn PAN Nguyễn Thị Trà My, cho rằng để thực hiện được sứ mệnh, quản trị doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững là một trong những quan tâm hàng đầu của PAN. Tập đoàn hiện có 11.000 nhân viên với hơn 10 công ty thành viên, đa phần là công ty niêm yết với tổng 68 thành viên hội đồng quản trị.
Trong đó, Hội đồng quản trị của công ty mẹ có 7 người. Điểm khác biệt nhất theo bà My là sự đa dạng. Thành phần Hội đồng quản trị của PAN qua các thời kỳ đều rất đa dạng về lĩnh vực, kinh nghiệm, lứa tuổi U40-80 và cả giới tính.
Để giải được bài toán này, bà Trà My cho rằng cần nhất là sự đổi mới sáng tạo và quản trị rủi ro. Đây là “combo” mà lãnh đạo PAN luôn luôn đau đáu. Do đó, trong chiến lược quản trị của PAN là việc đưa các nội dung phát triển bền vững, cụ thể là ESG từ rất sớm vào mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Một trong những doanh nghiệp khác tiên phong thực hành ESG có thể kể đến là Nestlé Việt Nam. Theo Nestlé, trong tiến trình phát triển bền vững cần có thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng như trong toàn chuỗi giá trị và trong cộng đồng. Tại Nestlé Việt Nam, nguyên tắc bình đẳng giới được thể hiện qua việc xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển nhân sự, từ tuyển dụng, hoạch định vị trí kế thừa, thăng chức. Tỷ lệ nữ giới nắm giữ vị trí lãnh đạo trong công ty đạt 54%.
Ở phạm vi cộng đồng, thông qua Chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” trên cơ sở hợp tác cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng và tạo lập sinh kế bền vững cho phụ nữ, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới và đóng góp vào chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Vân Nguyễn