1. Kinh doanh

'Phù phép' xác lá cây thành tiền, giá vài chục triệu một lá, thu vài chục tỉ/năm

Chiếc lá mỏng tang “cứu đói” cho hàng trăm người bị thất nghiệp

Chuyện bắt đầu từ tháng 11 năm 2011 ở thành phố Quý Châu (Trung Quốc). Thời điểm đó, ở Quý Châu tổ chức một cuộc thi chuyên về thiết kế sản phẩm du lịch, người đạt giải sẽ nhận được khoản tiền thưởng hậu hĩnh.

Dương Lệ - một cô gái trẻ người bản địa lúc đó đã quyết định thử sức với cuộc thi. Tuy nhiên, những nét văn hóa đặc trưng của Quý Châu như trang phục, nhạc cụ, trang sức bạc, đồ thêu thùa truyền thống đều đã có trên thị trường.

Ngày hôm đó, Dương Lệ vừa đạp xe lên núi vừa suy nghĩ về ý tưởng dự thi. Tình cờ, cô bị một chiếc lá bay qua làm xước tay. Chính điều này đã khiến cô nảy ra một ý tưởng táo bạo.

Trên thị trường Quý Châu lúc đó đã có nhiều sản phẩm kết hợp với gân lá như tranh vẽ gân lá, thẻ đánh dấu làm từ gân lá, tại sao lại không thể kết hợp với tranh thêu truyền thống?

Nghĩ là làm, Dương Lệ ngay lập tức chạy lên núi để thu thập các loại lá. Sau nhiều công đoạn từ hấp đến phơi khô, cô sẽ loại bỏ toàn bộ phần thịt lá, chỉ để lại lớp lân gá mỏng tang, trong suốt như thạch.

Tuy nhiên thực tế không đơn giản như Dương Lệ tưởng tượng. Phần gân lá rất giòn, hễ đụng là gãy, nên việc thêu thùa với những kỹ thuật thêu phức tạp rất khó để thực hiện trên lá.

Ban đầu, cô tự mày mò tìm cách xử lý nhưng mỗi lần thử là một lần thất bại. Cực chẳng đã, Dương Lệ phải nhờ đến chuyên gia về phong tục kiêm nhà thực vật học Thân Mẫn hỗ trợ.

Lần này Dương Lệ đã tìm đúng người. Chuyên gia Thân Mẫn cho biết, gân lá giòn và dễ gãy là vì nó có tính kiềm rất cao. Để làm suy yếu tính kiềm, cô phải dùng chất có tính axit, ngâm lá trong giấm trước, sau đó cho vào nồi hấp.

Kết quả, phần gân lá thật sự đã trở nên chắc chắn hơn, đồng thời vẫn giữ nguyên được độ mỏng manh và trong suốt như cánh ve sầu, vô cùng đẹp mắt.

Tháng 11 cùng năm, tác phẩm nghệ thuật “Diệp Mạch Miêu Tú” (tạm dịch: Thêu trên gân lá) đã khiến cả hội trường cuộc thi ở Quý Châu sửng sốt. Tác phẩm này cũng đã giúp cô ẵm về giải “Thợ thủ công Quý Châu”.

Ngay sau đó, tác phẩm thêu trên gân lá này đã được một vị khách nước ngoài mua về với giá 7.000 NDT (hơn 23 triệu đồng).

Vốn dĩ, loại hình sản phẩm thủ công này tốn rất nhiều thời gian để thực hiện nên mức giá thường rơi vào khoảng vài nghìn NDT. Dù đắt đỏ là vậy nhưng nhờ tiếng lành đồn xa, vẫn có rất nhiều du khách tìm đến Dương Lệ, khiến sản phẩm này trở nên cực kỳ khó mua.

Năm 2012, tác phẩm của Dương Lệ được mang đến tham gia một triển lãm quà tặng và sản phẩm thủ công quốc tế tại Ý. Tại đây, cô đã có dịp gặp gỡ và liên hệ với nhiều khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác như Pháp, Nhật Bản, những đơn hàng quốc tế sau đó liên tục ùn ùn kéo đến. Thậm chí, một công ty thương mại quốc tế ở Thượng Hải đã đặt một đơn hàng lớn trị giá 2,4 triệu NDT (8,3 tỉ đồng) với Dương Lệ.

Để hoàn thành đơn hàng này trong thời gian ngắn, một mình Dương Lệ chắc chắn không thể đảm đương. Vì vậy, cô đã mở một lớp dạy kỹ năng miễn phí cho người dân bản địa và nhanh chóng cùng mọi người hoàn thành đơn hàng khổng lồ này.

Sau đó, Dương Lệ đã hợp tác với nhiều viện nghiên cứu, bảo tàng và học viện để xây dựng cơ sở sản xuất đồ thủ công cho chị em phụ nữ.

Hiện tại, xưởng sản xuất của Dương Lệ đạt doanh thu lên đến hơn 9 triệu NDT/năm (~31 tỉ đồng), giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều nữ giới và nhiều công nhân từng bị sa thải trong thời kỳ suy thoái.

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Tin khác