1. Kinh doanh

Phụ nữ Phú Thiện khởi nghiệp từ trồng dâu nuôi tằm

Cách đây 1 năm, nghe một người bạn tại huyện Chư Sê tư vấn, gia đình chị Hà Thị Hanh (thôn Sơn Bình, xã Ayun Hạ) chuyển 1 ha khoai lang sang trồng dâu nuôi tằm. Sau 4 tháng, ruộng dâu bắt đầu cho thu hoạch, chị mua 1 hộp tằm giống với giá 1 triệu đồng về nuôi. 15 ngày sau, tằm cho 80 kg kén. Với giá thu mua 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi trên 10 triệu đồng.

Sau 1 năm gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, gia đình chị Hà Thị Hanh (thôn Sơn Bình, xã Ayun Hạ) có thu nhập ổn định. Ảnh: Vũ Chi

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng dâu nuôi tằm mang lại, chị Hanh mở rộng diện tích nhà nuôi lên 100 m2, nhập thêm giống tằm về nuôi theo kiểu gối đầu. Với cách thức đó, mỗi tháng, chị nuôi được 3-4 lứa tằm, thu nhập ổn định khoảng 30-40 triệu đồng.

“Mặc dù đã thử nghiệm rất nhiều cây, con khác nhau nhưng trồng dâu nuôi tằm vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác”-chị Hanh khẳng định.

Theo chị Hanh, nuôi tằm không khó, chỉ cần đủ lượng thức ăn, nhiệt độ, vệ sinh sạch sẽ. Giai đoạn đầu, tằm còn nhỏ nên phải thái nhỏ lá dâu. Sau 4 ngày có thể bỏ trực tiếp cả cành dâu cho tằm ăn. Nhiệt độ thích hợp cho tằm phát triển khoảng 28-30 độ C.

Với khí hậu nắng nóng của huyện Phú Thiện, chị Hanh lắp đặt tấm cách nhiệt, đảm bảo nhà nuôi mát mẻ vào mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đặc biệt, phải biết lúc tằm ngủ, thức để cho ăn hợp lý, tránh thức ăn dư thừa tạo điều kiện vi sinh vật phát triển, gây bệnh cho tằm.

Chị Hanh cho biết thêm: Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên người nuôi tằm tiết kiệm được thời gian, công sức, đồng thời cho năng suất, sản lượng kén tằm cao hơn. Sau 10 ngày nuôi, tằm được cho lên né gỗ để tạo kén. Né gỗ được thiết kế hợp lý, mỗi ô chỉ vừa với kích thước 1 con tằm nên tránh được tình trạng kết kén đôi, tằm lên tơ đều và trắng. Khi thu hoạch, chỉ cần bỏ né gỗ vào máy dập kén sẽ được gỡ ra đồng loạt.

Học theo mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Hanh, 6 hộ tại xã Ayun Hạ đã chuyển đổi từ trồng lúa, trồng thuốc lá sang trồng dâu nuôi tằm. Vợ chồng chị Hanh tận tình chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người với mong muốn mở rộng mô hình, tạo liên kết trong sản xuất. Khi số hộ nuôi tăng lên, sản lượng kén tằm lớn, đơn vị thu mua sẽ vận chuyển con giống cũng như thu mua kén tận nhà giúp tiêu thụ thuận lợi, giảm chi phí, công vận chuyển.

Chị Trần Thị Ngọc Dung (bìa phải, thôn Kế Tân, xã Ia Sol) chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: V.C

Tại xã Ia Sol, chị Trần Thị Ngọc Dung (thôn Kế Tân) cũng trồng dâu nuôi tằm gần 1 năm nay. Gia đình chị là hộ đầu tiên và cũng là hộ duy nhất của xã mạnh dạn trồng dâu nuôi tằm. Nhìn 4 sào dâu xanh mướt gần nhà, nhiều người không khỏi nể phục quyết tâm dám nghĩ, dám làm của chị.

Chia sẻ về cơ duyên đến với cây dâu, con tằm, chị Dung cho biết: Mỗi năm, 4 sào ruộng chị chỉ canh tác được 2 vụ lúa. Năng suất cao thì mỗi năm cũng chỉ thu được trên 20 triệu đồng. Cuối năm 2023, khi đi chặt mía thuê tại xã Hbông (huyện Chư Sê), thấy bà con tại đây trồng dâu nuôi tằm khá hiệu quả, chị đã học hỏi kinh nghiệm và quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng dâu nuôi tằm.

Theo chị Dung, yếu tố quan trọng nhất khi nuôi tằm là phải đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch. Toàn bộ diện tích trồng dâu, chị lắp đặt hệ thống tưới béc phun để vừa cung cấp nước tưới vừa giúp rửa sạch lá dâu. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật phải ngừng 1 tháng trước khi thu hoạch, đảm bảo lá dâu đã loại bỏ hoàn toàn hóa chất. Chị cũng mua màn về mắc để bảo vệ tằm không bị các loài côn trùng tấn công, truyền bệnh.

“Mỗi lứa tằm kéo dài 15 ngày, sản lượng đạt 70-80 kg kén. Với giá bán ổn định 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi 10 triệu đồng/lứa tằm. Mỗi tháng, tôi nuôi 1-2 lứa. Nhờ thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”-chị Dung bộc bạch.

Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Soa-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện-cho hay: Từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp, thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều gương hội viên phụ nữ dám nghĩ, dám làm, trở thành chủ mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao. Trong đó, mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại tín hiệu khả quan.

Vừa qua, Dự án trồng dâu nuôi tằm của chị Hà Thị Hanh (xã Ayun Hạ) đã đạt giải khuyến khích tại cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

Thời gian tới, Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội LHPN các xã tổ chức cho chị em tham quan, học tập, nhân rộng mô hình cũng như phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho chị em vay vốn mở rộng quy mô sản xuất.

VŨ CHI

Tin khác