Phụ nữ làm kinh tế giỏi
Bà Trần Thị Lệ Hằng (SN 1956, ngụ ấp 2, xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là một trong những phụ nữ làm kinh tế giỏi điển hình của địa phương.
Tuy tuổi cao nhưng bà không ngừng lao động, nhạy bén nắm bắt cơ hội, chuyển đổi cây trồng phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, bà còn sáng tạo giải pháp kỹ thuật giúp quá trình sản xuất thuận tiện, tiết kiệm.
Sau khi lập gia đình, bà Hằng chuyển đến TP.HCM sống 20 năm. Năm 2004, bà nhận thấy lối sống phố thị không phù hợp nên chuyển về quê mua 8ha đất để làm nông nghiệp. Phần đất này khi ấy còn nhiều cây bụi, chưa thể sản xuất nhưng nhờ bàn tay cần cù và sự đồng lòng của cả gia đình mà cây khóm dần bén rễ. Bên cạnh trồng khóm, bà còn mua ghe 25 tấn chở thuê cho người dân trong vùng.
Do rẫy khóm bị chuột phá hoại nên bà chuyển sang trồng khoai mì. Theo bà, năm 2011 nước lớn, khoai mì rớt giá chỉ còn 500 đồng/kg và không có người mua. Không chấp nhận cảnh mất trắng, bà ra tỉnh Đồng Nai mua máy cắt lát mì rồi phơi khô, đóng bao chở xuống tỉnh An Giang bán, nhờ vậy đỡ một phần thiệt hại.
Khi cây mai vàng có giá, bà mạnh dạn chuyển toàn bộ 8ha khoai mì sang loại cây này. Mấy năm đầu trúng mùa, được giá, mang lại cho bà thu nhập không nhỏ.
Hiện tại, bà trồng 14ha mai vàng (trong đó có 4ha thuê ở huyện Bến Lức), 5ha khóm. Rút kinh nghiệm từ lần trồng khóm trước, bà chủ động phòng, chống sinh vật hại.
Khóm là loại cây đang phát triển tại xã Tân Long. Trước đây, người dân thường rải phân bón bằng tay nên tốn nhiều công sức và thời gian. Bên cạnh đó, công lao động ngày càng khan hiếm, giá cao. Trước thực trạng ấy, bà Hằng tìm tòi, học hỏi và sáng tạo ra máy tưới phân bón tự động.
Thiết bị tạo nên máy tưới phân bón tự động gồm: Máy xe (hoặc máy dầu) và bình ắc-quy, hệ thống ống làm mưa lớn, ống hút phân, phuy chứa phân, mô-tưa đánh tan phân. Các chi tiết có thể tháo, lắp nhanh chóng, gọn, nhẹ. Khi máy hoạt động, chỉ cần 1 nhân công vận hành. Phân bón hòa tan vào nước, không bị lắng xuống đáy phuy nên cây khóm nhận được lượng phân đều, dễ hấp thụ, phát triển nhanh. Bà Hằng ước tính, với loại máy này, bà tiết kiệm khoảng 6 triệu đồng/ha/vụ tiền công tưới.
Hiện tại, bà Hằng là Chi Hội phó Chi hội Nông dân ấp 2, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp 2, thành viên Ban Công tác Mặt trận ấp. Nhờ làm kinh tế giỏi, bà Hằng có điều kiện nuôi các con ăn học, có việc làm ổn định, thu nhập khá. Bà là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long - Nguyễn Ngọc Trinh, bà Trần Thị Lệ Hằng cần cù, chịu khó, nhiều lần thất bại nhưng vẫn vươn lên, không bỏ cuộc. Bà còn là hội viên nông dân hoạt động năng nổ, tích cực.
Sáng kiến máy tưới phân bón tự động của bà có ý nghĩa thiết thực trong hoạt động nông nghiệp (cụ thể là cây khóm) của địa phương, giúp nông dân tiết kiệm chi phí và giải quyết vấn đề nhân công đang thiếu hiện nay./.
Phụ nữ làm kinh tế giỏi
Chị Lê Thị Hồng Thủy được biết đến là phụ nữ đảm đang, điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Châu Thanh