Phụ nữ hành động chống biến đổi khí hậu
Từ bỏ công việc đang rất thuận lợi ở một tập đoàn đa quốc gia, bà Jessica Trần quyết định dấn thân vào lĩnh vực tài trợ khí hậu vốn có nhiều thách thức và đến nay đã trở thành Giám đốc điều hành toàn quốc Quỹ Clime Capital, một quỹ đầu tư năng lượng xanh tại Việt Nam.
"Biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách và phức tạp nhất hiện nay, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất", bà Jessica chia sẻ lý do cho bước chuyển đổi trong sự nghiệp của mình.
Tuy nhiên, điều khiến bà lo ngại là tỷ lệ phụ nữ làm trong ngành năng lượng vẫn ở mức thấp đáng báo động. Tại Quỹ Clime Capital, bà Jessica Trần làm việc với hàng trăm công ty khởi nghiệp tập trung vào giảm phát thải car-bon, nhưng chỉ có 5% công ty có giám đốc điều hành hoặc người sáng lập là nữ. Nữ giới cũng chỉ chiếm chưa đến 30% lực lượng lao động, chủ yếu ở các bộ phận hỗ trợ như nhân sự, tài chính và hành chính.
"Sự chênh lệch này làm nổi bật những thách thức mang tính hệ thống cản trở sự tiến bộ của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch", bà Jessica Trần lưu ý.
Với quyết tâm giải quyết những rào cản này, Quỹ Clime Capital đã lồng ghép quan điểm về giới vào các chiến lược của doanh nghiệp, tập trung vào những sáng kiến do phụ nữ lãnh đạo thông qua phát triển kỹ năng, hỗ trợ thị trường, hợp tác và cùng nhau thúc đẩy tính bao trùm để đảm bảo sự hiện diện của các quan điểm đa dạng trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Với tầm nhìn tương tự, bà Michele Wee đã bắt đầu hành trình của mình trong ngành ngân hàng cách đây hơn 30 năm khi lĩnh vực này là pháo đài do nam giới thống trị. Khi nhìn lại hành trình, bà Wee ước mình đã có một người cố vấn và một mạng lưới các đồng nghiệp hướng dẫn để vượt qua những phức tạp trong công tác lãnh đạo. Dù không có được điều này, bà đã thăng tiến qua nhiều cấp bậc để trở thành Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam năm 2023.
Bà Jessica Trần và bà Michele Wee đều đại diện cho một nhóm phụ nữ tham gia ngày càng đông đảo trong lĩnh vực khí hậu tại Việt Nam. Mặc dù trải qua những hành trình khác nhau, họ đều phải đối mặt với những thách thức mà phụ nữ trong lĩnh vực này thường gặp phải. Đó là định kiến giới, tỷ lệ nữ tham gia thấp và những định kiến khác trong những ngành vốn do nam giới thống trị.
Về bình đẳng giới, Việt Nam xếp thứ 72 trong số 146 quốc gia trong báo cáo "Khoảng cách giới toàn cầu năm 2023" của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Trong báo cáo "Đóng góp do quốc gia tự quyết định", Việt Nam cũng đã thừa nhận tác động về mặt giới của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để giải quyết thấu đáo vấn đề này, giải pháp căn cơ là phải lồng ghép các yếu tố giới vào khung chính sách và tài trợ khí hậu. Điều này sẽ giúp thúc đẩy các dự án khí hậu đáp ứng tốt hơn nhu cầu về giới.
Một báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2023 cho thấy, lao động nữ trong các ngành công nghiệp xanh chỉ ở mức 22%. Đồng thời, khi cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu ngày càng trầm trọng, quan điểm đa dạng trong các ngành liên quan đến khí hậu đóng vai trò rất quan trọng. Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thấy, tỷ lệ quản lý nữ tăng 1% có thể làm giảm 0,5% lượng khí thải CO2.
Tương tự, Tổ chức nghiên cứu FP Analytics chỉ ra, những công ty có sự đa dạng hơn về giới trong hội đồng quản trị có khả năng giảm cường độ tiêu thụ năng lượng cao hơn 60%. Những con số này nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc định hình một tương lai bền vững.
Ví dụ, dưới sự lãnh đạo của bà Michele Wee, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể về bình đẳng giới. Phụ nữ hiện chiếm gần 70% lực lượng lao động của ngân hàng tại Việt Nam. Vào tháng 10/2024, bà Wee đã chuyển giao vai trò của mình cho người kế nhiệm cũng là một nữ đồng nghiệp, tiếp tục thúc đẩy nỗ lực của Standard Chartered Việt Nam trong việc trao quyền cho phụ nữ hướng tới những thay đổi tích cực.
Thúc đẩy sự thay đổi
Bà Jessica Trần cho rằng, có ba người phụ nữ đã định hình nên hành trình và làm nên thành công của bà, từ đó củng cố niềm tin vào sức mạnh của việc phụ nữ trao quyền cho phụ nữ.
"Một trong số đó là người tiền nhiệm của tôi tại Quỹ Clime Capital, người đã giới thiệu tôi cho vị trí này và rất tin tưởng tôi. Điều đó đã cho tôi lòng can đảm để thực hiện một thử thách cho phép tôi tạo ra tác động lớn hơn đối với cộng đồng", bà chia sẻ.
Là thành viên của Mạng lưới Lãnh đạo về Khí hậu (CLN) do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Quỹ Liên minh năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP) khởi xướng với sự hỗ trợ của chính phủ Úc và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID)—bà Jessica Trần và bà Michele Wee đều đang nỗ lực không ngừng để giải quyết tình trạng thiếu tính đại diện của phụ nữ trong các lĩnh vực kỹ thuật và hành động vì khí hậu.
“Tại IFC, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi phải huy động các kỹ năng, khả năng lãnh đạo và đổi mới của toàn bộ khu vực tư nhân. Đặc biệt, sự tham gia đầy đủ của phụ nữ là vô cùng quan trọng,” ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết.
“Chỉ cần chúng ta hành động để tăng cường sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trong hành động vì khí hậu, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khí hậu toàn diện, công bằng và có tác động hơn”, ông Thomas nhấn mạnh.
Vào tháng 5/2024, thông qua mạng lưới này, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn cho dự án nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh của Tập đoàn Green Solutions tại Việt Nam, do bà Winnie Huỳnh, người tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh và là thành viên CLN, sáng lập.
“Khi một nhà đầu tư tiềm năng hỏi tại sao tôi lại chọn Ngân hàng Standard Chartered, tôi giải thích rằng trong lĩnh vực năng lượng, và đặc biệt là trong lĩnh vực mới nổi là hydro xanh, phụ nữ thường phải làm việc chăm chỉ hơn và đối mặt với nhiều thách thức hơn nam giới,” bà Winnie Huỳnh cho biết.
Bà cần một đối tác có thể hiểu và đồng cảm với những trở ngại mà bà gặp phải. Sự thấu hiểu đó rất quan trọng đối với hoạt động hợp tác của hai bên.
Sự hợp tác thực sự là chìa khóa của vấn đề. Khi ngày càng nhiều phụ nữ ở Việt Nam hợp lực, họ đã sẵn sàng khai thác sức mạnh tập thể của mình để thu hút các cơ hội có thể thúc đẩy sự thay đổi mang tính chuyển đổi trong lĩnh vực khí hậu.
Mạng lưới Lãnh đạo về khí hậu (CLN) được ra mắt vào tháng 6/2023 với mục tiêu tăng cường vai trò lãnh đạo, tầm nhìn và ảnh hưởng của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Mạng lưới này hiện có 24 thành viên là nữ giới ở cấp điều hành cấp cao trong khu vực tư nhân.
Quỳnh Chi