Phụ nữ Gia Lai bắt nhịp chuyển đổi số
Chị Nay H'Tó ở xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai với thương hiệu "Rượu cần Jarai" đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao - sản phẩm OCOP đầu tiên của xã. Chị mạnh dạn lập các trang facebook, zalo và fanpage "Rượu cần Jarai Ayun Pa" để quảng bá sản phẩm. Chị Nay H’Tó cho biết, việc livestream quy trình sản xuất giúp khách hàng hiểu rõ về sản phẩm, từ đó doanh số bán hàng tăng đều qua các tháng.
“Khi đạt Ocop 3 sao của thị xã rất là thuận lợi, nhiều khách hàng tìm đến. Khi đạt Ocop khách hàng họ tìm đến gấp đôi, khách lạ rất là nhiều, có khách Hà Nội, TP. HCM. Mình cũng hợp đồng với shipper, mình đóng hàng xong gọi họ rồi gửi đi thôi”- chị Nay H’Tó nói.
Cũng như chị Nay H’Tó, thời gian qua, nhiều phụ nữ từ thành thị đến vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chịu khó học hỏi, nắm bắt những tiện ích mà công nghệ số nói chung và mạng xã hội nói riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng. Chị Hoàng Thị Hồng Hà ở thôn Quý Đức, xã Ia Trok, tham gia phiên chợ điện tử trên fanpage Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa với sản phẩm sữa chua nếp cẩm. Buổi livestream thu hút hơn 3.300 lượt xem, nhận thêm cả trăm đơn hàng.
“Quá trình đưa sữa chua nếp cẩm ra thị trường thì được nhiều bà con và khách hàng tin tưởng và ủng hộ. Hội phụ nữ có đến tham quan, giao lưu và hướng dẫn cho tôi làm quen với facebook, zalo cũng như tik tok để quảng bá thương hiệu của mình. Nhờ hội phụ nữ mà sản phẩm bên tôi ngày một phát triển hơn, đi đến với người dân và khách hàng nhanh hơn, quảng bá sản phẩm tốt hơn”- chị Hà cho biết.
Hiện nay, Hội LHPN huyện Ia Pa đã xây dựng được 5 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin mang lại nhiều hiệu quả. Đó là hoạt động giới thiệu “Mỗi tháng 1 gương điển hình”, “Mỗi ngày 1 việc làm ý nghĩa”, “Mỗi tuần 1 sản phẩm gắn với hoạt động Chợ phiên điện tử” trên các mạng xã hội; mô hình “Quản lý Hội không giấy” , chuyên mục “Lắng nghe tiếng nói của hội viên, phụ nữ”. Những mô hình này đã góp phần giúp phụ nữ địa phương bắt nhịp được với chuyển đổi số, đồng thời hỗ trợ đưa nhiều sản phẩm đến người tiêu dùng. Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan – Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Pa cho biết thêm: “Chúng tôi rất tâm đắc với mô hình “Mỗi tuần 1 sản phẩm ứng dụng với chợ phiên điện tử”. Trước khi chúng tôi xây dựng mô hình này thì thông qua các hoạt động điểm để hướng dẫn cho các hội viên livestream trực tiếp trên mạng xã hội facebook, zalo... Qua chợ phiên điện tử thì nhiều chị em đã có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình trên mạng xã hội một cách rộng rãi".
Trong toàn tỉnh Gia Lai, hội phụ nữ các cấp đã thực hiện 65 mô hình "Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ 4.0" và "Phụ nữ chuyển đổi số" với hàng nghìn thành viên, xây dựng và duy trì hàng nghìn nhóm zalo, facebook, tiktok, kênh youtube….Theo bà Rơ Chăm H’Hồng – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp chị em từng bước đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hội và phát triển kinh tế.
“Chúng tôi tiếp tục phát huy công tác tuyên truyền trên các nhóm đã thành lập từ trước của Hội, website, cổng thông tin điện tử của hội, trang zalo, facebook... truyền tải nhanh, kịp thời tới các hội viên các chính sách của hội, những Nghị quyết của Đảng, của các Hội nghị Ban chấp hành đến tới tận hội viên một cách kịp thời”- bà Rơ Chăm H’Hồng nói.
Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên