Phụ nữ cũng có thể lập nghiệp, làm giàu trên quê hương
Trong câu chuyện với chị Ngà, chúng tôi hiểu hơn về ý chí và sự quyết tâm của chị trong hành trình khởi nghiệp bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên mảnh đất quê hương. Sinh ra tại một xã vùng 3 của huyện Hữu Lũng, từ ngày bé chị đã thường thấy bố, mẹ, anh, chị và các bác trong thôn đi vào trong rừng sâu, núi cao để đào các loại cây dược liệu quý đặc biệt là ba kích và củ sâm. Đây hai loại cây rất hiếm, bán được giá, nên được nhiều người tìm. Qua thời gian, cây ít dần và trở nên khan hiếm. Nhà nào có rừng thì trồng và duy trì trồng cây lâm nghiệp, người không có đất rừng thì đi làm công ty ở các tỉnh và bản thân chị cũng vậy. Năm 2022, tình cờ chị gặp một anh chủ vườn ba kích ở tỉnh Vĩnh Phúc, nghe anh kể về câu chuyện thoát nghèo từ cây này, chị đã đến tham quan tận vườn. Từ đó, chị nung nấu ý tưởng và quyết định khởi nghiệp tại quê nhà bằng việc trồng cây dược liệu này để thay đổi cuộc sống.
Chị Ngà chia sẻ: Ban đầu, khi đưa ra ý tưởng mẹ chồng tôi cũng phản đối vì ở đây chưa có ai trồng, không biết sau có ai mua không, có bán được không. Song, được chồng ủng hộ và cùng thuyết phục mẹ chồng nên bà đã đồng ý.
Từ năm 2023, sau khi học hỏi và được truyền đạt kinh nghiệm, gia đình chị đã khai thác 3ha rừng keo để lấy vốn và làm đất để chuẩn bị chuyển đổi cây trồng. Theo tính toán của chị Ngà với 3ha rừng trồng keo được khoảng 3.000 cây, còn trồng ba kích thì trồng được 9 - 10 vạn cây, mà hiệu quả kinh tế cao hơn và dự án “Ba kích, sâm dược liệu sạch Ngà Nghiêm” đã ra đời. Mục đích là chế biến dược liệu thô thành các sản phẩm có giá trị cao hơn, tăng thu nhập cho người nông dân; xây dựng thương hiệu dược liệu uy tín trên thị trường; tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, gia đình chị Ngà đang trồng và chăm sóc 9 vạn cây ba kích, 5.000 cây sâm và đang trong quá trình sinh trưởng, phát triển tốt.
Chị Nông Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Thắng cho biết: Đầu năm 2024, Hội LHPN xã Hòa Thắng đã lựa chọn và hỗ trợ chị Lý Thị Ngà tham gia chương trình Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN huyện và Hội LHPN tỉnh triển khai với dự án “Ba kích, sâm dược liệu sạch Ngà Nghiêm”. Mô hình, ý tưởng của chị Ngà đã lọt vào vòng tốp 10 tác giả có ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiêu biểu tham dự vòng chung khảo và tại vòng chung khảo Ngày hội khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức, mô hình của chị Ngà đã đạt giải khuyến khích.
Chị Lê Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hữu Lũng cho biết: Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền lan tỏa nhân rộng các mô hình phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện, mong muốn rằng có nhiều chị em phụ nữ sẽ mạnh dạn để khởi nghiệp và có những ý tưởng sáng tạo, đưa ra các ý tưởng mô hình mới phù hợp với địa phương, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Từ đó, thu hút các chị em tham gia vào tổ chức hội, gắn bó với các phong trào, hoạt động của hội và xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển vững mạnh.
Hiện chị Ngà đang tập trung chăm sóc và thực hiện các bước theo quy trình trong dự án khởi nghiệp của mình, chờ đợi những mùa “quả ngọt” sẽ được thu hoạch trong thời gian tới. Câu chuyện khởi nghiệp với niềm tin “phụ nữ cũng có thể lập nghiệp, làm giàu trên quê hương” của chị Ngà càng khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế của người phụ nữ hiện đại dám nghĩ, dám làm để thành công.
HOÀNG HỒNG -NGUYỄN NHIÊN; Trung tâm VH, TT và TT huyện Hữu Lũng