Phụ nữ biên giới Bình Phước cải thiện thu nhập nhờ trồng dâu nuôi tằm
Mặc dù, mô hình được triển khai hơn 1 năm, nhưng nghề “ăn cơm đứng” đã mang lại hiệu quả kinh tế cho phụ nữ vùng biên.
Bà Nguyễn Thị Tám ở ấp Tân Phong là hộ dân tiên phong trong tổ hội nghề nghiệp ở xã Tân Thành bắt tay với nghề mới là “ăn cơm đứng”. Thời gian qua, sau khi thấy nhiều diện tích đất trồng hồ tiêu để trống, bà Tám đã mạnh dạn chuyển hướng trồng dâu nuôi tằm. Bà Tám cho biết, bà bắt đầu trồng dâu nuôi tằm từ cuối năm 2023. Trồng cây dâu khoảng 4 tháng sẽ có lá để cho tằm ăn. Sau lứa đầu tiên, bà đã rút ra được nhiều kinh nghiệm về thời gian cho ăn, nhiệt độ, trại khép kín…
Theo bà Tám, nuôi tằm không khó, người nuôi chỉ cần chủ động đủ lượng thức ăn, nhiệt độ, vệ sinh sạch sẽ... là có thể nuôi được. Thời gian nuôi khoảng 20 ngày/lứa là có nguồn thu. Ở đây phụ nữ toàn nuôi trực tiếp dưới nền xi măng. Giai đoạn đầu mới bắt tằm về nuôi phải thái lá dâu, tuy nhiên 4-5 ngày sau có thể bỏ trực tiếp cả cành dâu cho tằm ăn.
“Lúc tằm còn nhỏ thì lá non vừa vừa, chứ không được non quá, không được già quá. Ngoài kinh nghiệm trong thời gian nuôi, những gì cần mà chưa hiểu, tôi sẽ trao đổi trong hội trong nhóm nghề nghiệp. Sau đó, chúng tôi sẽ nhờ người có chuyên môn về nuôi tằm sẽ tư vấn thêm”, bà Tám chia sẻ.
Theo bà Tám, con giống tằm mua bình quân 50 ký/hộ với giá 1.250.000 đồng. Sau khi thu hoạch với giá bán khoảng 180.000 đồng/ký (tháng 9/2024), nhà nông sẽ thu lãi hơn 7 triệu đồng. Ngoài ra, con tằm ở nhiệt độ không được nóng quá. Nhiệt độ tốt nhất là khoảng từ 28 - 30 độ C. Với khí hậu của Bình Phước, người dân nuôi phải làm nhà lá để giảm bớt nhiệt độ xuống. Người nuôi phải biết được lúc nào tằm ngủ, lúc nào thức để cho ăn hợp lý.
Còn chị Châu Lệ Hằng cũng ở ấp Tân Phong (xã Tân Thành) đã nhiều năm gắn bó với nuôi lợn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do kinh phí hạn chế nên đàn lợn không mang lại nguồn thu hiệu quả cho gia đình. Qua giới thiệu từ bà Nguyễn Thị Tám, chị Hằng đã chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Sau thời gian 1 năm trồng dâu nuôi tằm, chị đã có nguồn thu thêm cho gia đình, có niềm vui mới và gắn bó với nghề mới. Chị Châu Lệ Hằng chia sẻ, nuôi tằm lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sau lứa đầu nuôi đã có thêm kinh nghiệm từ thực tiễn cũng như học hỏi từ chị em trong tổ nghề nghiệp. Giờ đây, nghề trồng dâu nuôi tằm không những mang lại nguồn thu nhập thêm, ổn định mà còn tạo công ăn việc làm cho phụ nữ.
“Đến giờ phút này, bản thân tôi thấy sau khi trồng dâu nuôi tằm, nói về thu nhập không có nuôi con gì thu nhanh bằng con tằm. Cứ trong vòng 20 ngày là người nuôi đã thu hoạch rồi. Tôi thấy mô hình này rất hiệu quả”, bà Hằng phấn khởi.
Hiện nay, trên địa bàn xã biên giới Tân Thành đã hơn 10 phụ nữ trồng dâu nuôi tằm và có nguồn thu nhập thêm ổn định cho gia đình. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Huỳnh Phi Long cho biết: Trên địa bàn xã đã thành lập tổ hội chăn nuôi trồng dâu tằm từ năm 2023. Mô hình này mang tính mới mẻ ở địa phương. Từ hiệu quả kinh tế tương đối cao của mô hình trồng dâu nuôi tằm, nhiều Hội Nông dân ở địa phương khác đã tổ chức đoàn đến thăm và học hỏi kinh nghiệm nhân rộng. Đối với địa phương, qua kết quả đạt được của mô hình, Hội Nông dân xã Tân Thành cũng đã đề xuất các cấp hội trên có hướng hỗ trợ thêm để nhân rộng.
“Thời gian qua, địa phương trồng tiêu với diện tích lớn, tuy nhiên sau những thời điểm giá tiêu thấp, bị bệnh nên diện tích đất trống nhiều. Vì vậy, thời gian gần đây, mô hình trồng dâu nuôi tằm này rất phù hợp thực hiện tại diện tích bỏ trống. Địa phương khuyến khích người dân nên trồng dâu tại những khu vực diện tích đất trống phá bỏ cây tiêu bị bệnh hoặc đất trồng cỏ trồng. Đến nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm là hướng đi phù hợp cho sự phát triển kinh tế của Hội Nông dân xã Tân Thành”, ông Long chia sẻ thêm.
Hiện nay, mô hình tổ nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm ở vùng biên Tân Thành đã và đang là hướng đi đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển của chính quyền địa phương. Mô hình mang lại nguồn thu nhập thêm cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Việc nhân rộng nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững sẽ là nguồn thu nhập thêm ổn định và hiệu quả cho phụ nữ vùng biên ở Bình Phước.
Bài và ảnh: K GƯỈH (TTXVN)