1. Kinh doanh

Phú Bình trên đà phát triển kinh tế số

Hầu hết tiểu thương tại các chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Phú Bình đã ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Công tác thông tin tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số nói chung, kinh tế số nói riêng là giải pháp quan trọng hàng đầu được UBND huyện đẩy mạnh thực hiện. Tính riêng từ đầu năm đến nay, các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện đã đăng tải gần 600 văn bản, tin, bài tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử; căng treo 50 băng rôn, 2 pa nô...

Tại cấp cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể, tổ công nghệ số cộng đồng cũng tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.

Ông Dương Văn Hà, xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thụy, lắp đặt camera kết nối trực tuyến với điện thoại thông minh để dễ dàng theo dõi tình trạng đàn lợn của gia đình.

Đi đôi với tuyên truyền, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp ứng dụng nền tảng số, phần mềm số. Điển hình như trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP thực hiện số hóa quy trình sản xuất, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nắm bắt quy trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Anh Dương Văn Duy, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, xã Úc Kỳ: Sau khi được chính quyền địa phương tập huấn chuyển đổi phương pháp bán hàng từ truyền thống sang trực tuyến, đầu năm 2023, tôi bắt đầu đăng bán sản phẩm tương nếp Hồng Kỳ và tương Úc Kỳ trên Shopee. Sau khi đăng, sản phẩm của hợp tác xã được nhiều khách hàng ngoài tỉnh biết đến, đặt mua, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, miền Nam. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng chúng tôi xuất bán được 1.200 lít tương, tăng 300 lít so trung bình hàng tháng năm 2023.

Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với các ngân hàng, đơn vị viễn thông hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời triển khai 14 mô hình chợ 4.0 để hỗ trợ tiểu thương cài đặt ngân hàng điện tử, tạo mã QR.

Chị Trần Thị Nga, tiểu thương tại chợ Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn: Nhờ được tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt ứng dụng thanh toán trực tuyến, khoảng 2 năm gần đây, tôi không phải mất thời gian đổi tiền lẻ để trả lại; khách hàng thực hiện thanh toán rất tiện lợi và nhanh chóng.

Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, ngành chuyên môn, nhiều hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn cũng chủ động đổi mới phương thức sản xuất; ứng dụng các nền tảng, phần mềm số trong sản xuất, kinh doanh; tiếp cận các sàn giao dịch điện tử để mở ra nhiều kênh tiếp cận với khách hàng.

Ông Dương Văn Hà, xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thụy: Trung bình mỗi năm, trang trại của tôi nuôi 2 lứa lợn với tổng đàn đạt gần 500 con. Mới đây, gia đình đã lắp camera kết nối trực tuyến với điện thoại thông minh tại 2 chuồng nuôi để quan sát đàn lợn. Nhờ có hệ thống này, tôi có thể theo dõi tình trạng vật nuôi bất cứ lúc nào, bất cứ đâu và giảm chi phí nhân công.

Ông Dương Nghĩa Lý, Giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất và Thương mại dịch vụ Phương Anh, xã Xuân Phương thì cho hay: Doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm quản lý công việc MyXteam từ năm 2023. Nếu như trước đây, tôi phải nhắn tin, trao đổi trực tiếp để giao việc và đôn đốc thực hiện thì với phần mềm MyXteam, tôi có giao việc trực tuyến cho nhiều nhân viên cùng lúc. Tôi còn theo dõi được tiến trình xử lý công việc, hiệu suất làm việc của nhân viên dễ dàng. Ngoài ra, bộ phận kế toán của công ty cũng sử dụng phần mềm MISA để theo dõi thu chi, xuất bán hàng hóa. Hiện nay, doanh nghiệp đang tiếp tục thử nghiệm phần mềm đo chất lượng sản phẩm để đảm bảo hàng được xuất bán đạt chất lượng cao; dễ dàng phát hiện sai sót tại các khâu sản xuất.

Cán bộ Agribank Phú Bình hướng dẫn người dân sử dụng ngân hàng điện tử.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và sự chủ động của doanh nghiệp, người dân, đến nay, huyện Phú Bình đã đạt được những thành quả bước đầu trong tiến trình kinh tế số.

Cụ thể, trên 80% số dân trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử; 100% cơ sở giáo dục, y tế, các chợ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; trên 82% doanh nghiệp và 100% hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử; 100% sản phẩm OCOP được số hóa quy trình sản xuất; 31 sản phẩm OCOP được đăng bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hầu hết các HTX, doanh nghiệp quảng bá, bán hàng trên nền tảng số, mạng xã hội và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Để tiếp tục phát triển kinh tế số, UBND huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động thích ứng với chuyển đổi số. Đồng thời phối hợp với các đơn vị viễn thông quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại.

Phan Trang

Tin khác