1. Kinh doanh

Phía sau mỗi 'nữ tướng' Wall Street là một người chồng nội trợ 'siêu đẳng'

Suzanne Donohoe, một lãnh đạo cao cấp tại công ty đầu tư tư nhân EQT, bắt đầu tháng 9 bằng một chuyến công tác 10 ngày qua châu Á và châu Âu. Trong khi đó, tại New York, chồng cô, Matt Donohoe, đang hỗ trợ ba đứa con tuổi thiếu niên chuẩn bị cho năm học mới.

Natalie Hyche Kelly và Chip Kelly đang bắt đầu năm thứ ba tại London, nơi cô làm việc với tư cách là giám đốc điều hành cấp cao tại Visa. Ảnh: WSJ

Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Dù các con của gia đình Donohoe khá gần nhau về độ tuổi, mỗi bé lại học tại các trường khác nhau và có các hoạt động ngoại khóa khác biệt.

Matt phải đưa con trai 13 tuổi của mình đến các buổi tập khúc côn cầu tại New Jersey và đưa cả ba đứa trẻ đến Boston để tham gia giải đấu. Ngoài ra, anh còn phải lo việc mua sắm thực phẩm, chuẩn bị bữa ăn và giúp đỡ con cái làm bài tập về nhà.

Matt đã đảm nhận vai trò này từ năm 2007 khi anh quyết định nghỉ việc để chăm sóc gia đình. Trước đó, Matt là một nhà giao dịch thị trường mới nổi và có bằng tại Đại học Georgetown và Columbia.

Anh là một trong số nhóm những người đàn ông nội trợ ngày càng phổ biến trong xã hội, đảm nhiệm vai trò chăm sóc gia đình trong khi vợ của họ tiến lên đỉnh cao trong lĩnh vực tài chính.

Phố Wall từ lâu đã gặp khó khăn trong việc nâng cao và giữ chân phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo. Đây là một ngành công nghiệp đầy cạnh tranh, yêu cầu làm việc nhiều giờ, thường xuyên phải đi công tác và luôn sẵn sàng đáp ứng công việc, khiến nhiều phụ nữ, đặc biệt là những người có con, gặp khó khăn.

Những người phụ nữ thành đạt trong lĩnh vực tài chính cho rằng việc có chồng ở nhà, hay còn gọi là "ông nội trợ", có thể giảm bớt gánh nặng và giúp họ thăng tiến. Tuy nhiên, ngay cả với những người phụ nữ may mắn có chồng ở nhà và có sự hỗ trợ thêm, việc duy trì cân bằng trong cuộc sống gia đình và công việc vẫn là một thách thức không nhỏ.

Đối với những người đàn ông đảm nhận vai trò nội trợ, họ thường phải đối mặt với những định kiến xã hội. Mặc dù xã hội ngày càng thay đổi, vẫn có nhiều người cho rằng đàn ông phải là người kiếm tiền chính trong gia đình, còn phụ nữ là người chăm sóc con cái. Tuy nhiên, quan niệm này đang dần thay đổi.

Theo một báo cáo năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong 45% các cặp vợ chồng khác giới tại Mỹ, người vợ kiếm được ngang bằng hoặc nhiều hơn chồng. Tỷ lệ các ông bố ở nhà toàn thời gian chiếm 18% trong năm 2021, tăng từ 11% vào năm 1989.

Hiện nay, có nhiều 'ông nội trợ' ở những vị trí quyền lực cao nhất. Doug Emhoff, chồng của ứng cử viên Tổng thống Kamala Harris, đã từ bỏ sự nghiệp luật sư để hỗ trợ cho sự nghiệp chính trị của vợ sau khi bà được bầu làm Phó Tổng thống. Trong lĩnh vực tài chính, nhiều nữ giám đốc điều hành tại các công ty lớn như Citigroup, TIAA, Vista Equity Partners và Blackstone đều có chồng ở nhà để chăm sóc gia đình.

Những nữ lãnh đạo cao cấp có chồng cũng đi làm chia sẻ rằng họ phải cân bằng một cách căng thẳng và đôi khi cảm thấy ghen tị với những đồng nghiệp có chồng ở nhà.

Nhiều cặp vợ chồng cho biết họ bắt đầu với sự nghiệp song song, nhưng sau một thời điểm nào đó, sự nghiệp của người vợ bắt đầu tiến nhanh hơn. Khi một người cần phải dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc con cái, thì người chồng thường là người đảm nhiệm vai trò đó.

Chip Kelly, từng làm việc trong lĩnh vực bán hàng công nghệ tại một startup quốc tế, đã từ bỏ công việc của mình để chăm sóc con cái khi sự nghiệp của vợ, Natalie Hyche Kelly, một lãnh đạo tại Visa, bắt đầu tiến triển mạnh mẽ. Anh quyết định dành toàn bộ thời gian để chăm sóc con sau khi nhận thấy mình không thể hoàn thành tốt cả công việc và chăm sóc gia đình cùng một lúc.

Kathleen McCarthy Baldwin, một lãnh đạo tại Blackstone, chia sẻ rằng quyết định ở nhà của chồng cô đã tạo điều kiện cho cô phát triển thêm nhiều sở thích ngoài công việc. Tuy nhiên, nhiều người đàn ông vẫn cảm thấy khó khăn khi đảm nhận vai trò nội trợ, lo ngại về cách xã hội nhìn nhận.

Một ông bố nội trợ khác cho biết đôi khi anh phải nói dối rằng mình quản lý bất động sản, dù thực tế anh chỉ chăm sóc vài tòa nhà gia đình sở hữu. Paul Sullivan, người sáng lập tổ chức “Company of Dads”, đã khởi xướng một phong trào hỗ trợ các ông bố nội trợ, tổ chức các sự kiện và thảo luận về vai trò này.

Đối với gia đình Donohoe, việc Matt ở nhà đã giúp anh xây dựng mối quan hệ gần gũi với con cái và hỗ trợ Suzanne trong công việc. Tuy vẫn có những sự cốnhỏ, nhưng họ đã cùng nhau vượt qua và duy trì một cuộc sống gia đình ổn định.

Dũng Phan (Theo Mint)

Tin khác