OpenAI tố Elon Musk quấy rối bằng vụ kiện 'lòng vị tha đối đầu lòng tham'
OpenAI cáo buộc Elon Musk quấy rối trong một cuộc tranh chấp pháp lý đang diễn ra, khi công ty khởi nghiệp được Microsoft hậu thuẫn đang xem xét kế hoạch chuyển sang mô hình kinh doanh vì lợi nhuận.
Chưa đầy hai tháng sau khi từ bỏ vụ kiện đầu tiên chống lại OpenAI, Elon Musk đã nộp đơn khiếu nại vào tháng 8, cáo buộc Sam Altman và Greg Brockman (hai nhà đồng sáng lập OpenAI) thao túng ông đầu tư vào công ty này (ban đầu là tổ chức phi lợi nhuận), sau đó làm giàu cho bản thân bằng cách rút cạn công nghệ và tài sản quý giá của nó. Elon Musk mô tả vụ kiện OpenAI là "câu chuyện điển hình về lòng vị tha đối đầu với lòng tham".
Hiện tại, OpenAI có một cấu trúc phức tạp hơn, gồm cả một công ty con vì lợi nhuận, được thành lập vào năm 2019 để giúp tài trợ cho chi phí phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI), và kể từ đó thu hút hàng tỉ USD đầu tư từ Microsoft và những hãng khác.
“Vụ kiện là động thái mới nhất trong chiến dịch ngày càng phô trương của Elon Musk nhằm quấy rối OpenAI để giành lợi thế cạnh tranh cho riêng mình”, OpenAI và Giám đốc điều hành Sam Altman cho biết trong hồ sơ gửi lên tòa án hôm 8.10, yêu cầu một thẩm phán liên bang ở thành phố Oakland (bang California, Mỹ) bác bỏ đơn kiện từ Elon Musk.
Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX và xAI, không trả lời ngay lập tức câu hỏi về chuyện này.
Vào tháng 6, Elon Musk đã rút vụ kiện tương tự được đệ trình tại tòa án bang California, trong đó ông cáo buộc rằng mối quan hệ của OpenAI với Microsoft, khiến công ty khởi nghiệp này đi chệch hướng khỏi sứ mệnh phát triển AI có trách nhiệm. OpenAI đã phản hồi bằng cách khẳng định rằng Elon Musk đã tuyên truyền một “lịch sử đã sửa đổi” và gọi các yêu cầu pháp lý của ông là “mơ hồ”.
Trong đơn kiện mới nhất, luật sư của Elon Musk cáo buộc Sam Altman "cố ý quyến rũ và lừa dối tỷ phú này", người đã bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa do AI gây ra.
Elon Musk thành lập xAI vào năm 2023 để cạnh tranh với OpenAI. Tỷ phú giàu nhất thế giới đang chống lại cáo buộc trong một vụ kiện ở bang Delaware (Mỹ) rằng xAI làm cạn kiệt nguồn nhân lực và tài nguyên Tesla, một trong những công ty khác của ông, gây thiệt hại cho cổ đông hãng sản xuất ô tô điện này.
Tranh chấp với Elon Musk leo thang khi OpenAI xem xét chuyển từ mô hình phi lợi nhuận hiện tại (cấu trúc không phổ biến gây khó khăn cho các nhà đầu tư) sang mô hình vì lợi nhuận. Động thái này sẽ làm hài lòng các nhà đầu tư vào OpenAI, nhưng sẽ phức tạp để thực hiện. Là một phần của quá trình chuyển đổi, công ty có trụ sở tại thành phố San Francisco (bang California) đã thảo luận về việc trao cho Sam Altman cổ phần trong công ty có thể trị giá hơn 10 tỉ USD, dù hội đồng quản trị OpenAI vẫn chưa thảo luận về các con số cụ thể.
“OpenAI cam kết phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) một cách an toàn và có lợi. Elon Musk từng ủng hộ OpenAI trong sứ mệnh đó, nhưng đã từ bỏ khi nỗ lực thống trị của ông ta gặp thất bại”, OpenAI và Sam Altman cho biết trong hồ sơ của họ.
AGI là các hệ thống AI vượt trội hơn trí thông minh của con người.
Đây là một năm đầy biến động với OpenAI. Chưa đầy 12 tháng sau khi hội đồng quản cũ trị sa thải Sam Altman rồi phục hồi chức vụ giám đốc điều hành cho ông, OpenAI đã tái cơ cấu hội đồng quản trị, tăng gấp đôi số lượng nhân viên nhưng mất một số nhà lãnh đạo chủ chốt, gồm cả Giám đốc khoa học Ilya Sutskever và Giám đốc công nghệ Mira Murati.
Tuy nhiên, những biến động tại OpenAI không làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư với công ty này.
Những tháng gần đây, OpenAI tiếp tục triển khai ngày càng nhiều dịch vụ AI cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mới đây, OpenAI đã nhận một trong những khoản đầu tư tư nhân lớn nhất từ trước đến nay, huy động được 6,6 tỉ USD với mức định giá công ty đến 157 tỉ USD.
Vòng gọi vốn này thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm quay trở lại, gồm cả Thrive Capital và Khosla Ventures, cũng như Microsoft (nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI) và sự tham gia mới từ Nvidia.
Việc hoàn tất vòng gọi vốn trùng với các nỗ lực tái cấu trúc đang diễn ra của OpenAI và những thay đổi trong ban điều hành, gồm cả sự ra đi đột ngột của Mira Murati.
Altimeter Capital, Fidelity, SoftBank và MGX (công ty đầu tư do chính quyền UAE hậu thuẫn) cũng tham gia vòng gọi vốn này của OpenAI.
Sarah Friar, Giám đốc tài chính OpenAI, nói với các nhân viên hôm 2.10 rằng công ty sẽ có thể cung cấp thanh khoản cho họ thông qua đề nghị mua lại cổ phần sau khi hoàn thành huy động vốn, dù chưa có chi tiết và thời gian cụ thể, theo một nguồn tin. Đầu năm nay, OpenAI đã cho phép một số nhân viên bán cổ phần của họ theo mức định giá công ty khi đó là 86 tỉ USD.
Thrive Capital, cam kết khoảng 1,2 tỉ USD từ sự kết hợp giữa quỹ của riêng mình và một phương tiện mục đích đặc biệt dành cho các nhà đầu tư nhỏ hơn, đã đàm phán với OpenAI về tùy chọn đầu tư thêm 1 tỉ USD vào năm 2025 với mức định giá tương tự nếu công ty AI này đạt được mục tiêu doanh thu, theo các nguồn tin.
Apple không tham gia vào đợt huy động vốn lần này của OpenAI, các nguồn tin cho biết, yêu cầu được giấu tên để thảo luận về các vấn đề riêng tư.
Khoản tài trợ này được thực hiện dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi và việc chuyển đổi thành cổ phần phụ thuộc vào sự thay đổi cấu trúc thành công thành một công ty vì lợi nhuận, sẽ không còn do hội đồng quản trị phi lợi nhuận kiểm soát, và việc xóa bỏ giới hạn lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Những thay đổi về nhân sự ở OpenAI không làm giảm sự nhiệt tình của hầu hết nhà đầu tư, vốn đang mong đợi sự tăng trưởng đáng kể dựa trên dự báo của Giám đốc điều hành Sam Altman.
OpenAI đang trên đà tạo ra 3,6 tỉ USD doanh thu trong năm 2024 với khoản lỗ tăng lên hơn 5 tỉ USD. Theo các nguồn tin quen thuộc với các số liệu, OpenAI dự kiến doanh thu sẽ tăng mạnh vào năm tới lên 11,6 tỉ USD.
Các nhà đầu tư cũng được đảm bảo một số biện pháp bảo vệ khi OpenAI trải qua quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp phức tạp, sẽ cấp quyền sở hữu cổ phần cho Sam Altman. Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và chưa có mốc thời gian nào được xác định.
Nguồn tin cho biết các nhà đầu tư đã đàm phán các điều khoản cho phép họ thu hồi vốn hoặc đàm phán lại giá trị nếu những thay đổi ở OpenAI không được thực hiện trong vòng 2 năm.
Sự phát triển thần tốc của OpenAI về mức độ phổ biến sản phẩm và giá trị đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Kể từ khi ra mắt ChatGPT vào tháng 11.2022, OpenAI đã thu hút được 250 triệu người dùng hoạt động hằng tuần. Mức định giá OpenAI cũng tăng từ 14 tỉ USD vào năm 2021 lên 157 tỉ USD khi doanh thu tăng từ con số 0 lên 3,6 tỉ USD, vượt xa dự đoán của chính Sam Altman trước đây.
OpenAI yêu cầu các nhà đầu tư không rót tiền vào xAI và 4 đối thủ khác
Khi được các nhà đầu tư toàn cầu rót vào 6,6 tỉ USD, OpenAI đã yêu cầu họ đưa ra cam kết không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vốn. Cụ thể hơn, OpenAI muốn các nhà đầu tư không tài trợ cho 5 công ty mà họ coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, theo các nguồn tin của Reuters.
Trong danh sách 5 công ty đó có 3 đối thủ đang phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn là xAI của Elon Musk, Anthropic và Safe Superintelligence (công ty mới thành lập của Ilya Sutskever, cựu giám đốc khoa học và đồng sáng lập OpenAI).
Anthropic, xAI và Safe Superintelligence đang chạy đua với OpenAI để xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn, nên cần hàng tỉ USD tiền tài trợ.
Hai cái tên còn lại là hai công ty ứng dụng AI, gồm startup tìm kiếm AI Perplexity và hãng tìm kiếm doanh nghiệp Glean.
Perplexity và Glean được nhắc đến trong cuộc trò chuyện của OpenAI với các nhà đầu tư, cho thấy “cha đẻ ChatGPT” có kế hoạch bán nhiều sản phẩm hơn cho các doanh nghiệp và người dùng cuối khi đưa ra dự báo tăng trưởng doanh thu đầy tham vọng lên 11,6 tỉ USD vào năm 2025 từ 3,7 tỉ USD trong 2024.
OpenAI, Perplexity và Safe Superintelligence từ chối bình luận. Anthropic và Glean không trả lời ngay lập tức. Reuters chưa thể liên lạc với xAI để đưa ra câu hỏi.
Yêu cầu này dù không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng chứng minh cách OpenAI đang tận dụng sức hấp dẫn của mình để đảm bảo cam kết độc quyền từ những người ủng hộ tài chính trong một lĩnh vực cạnh tranh, nơi mà việc tiếp cận vốn là rất quan trọng.
Dù những yêu cầu như vậy không phải là hiếm trong thế giới đầu tư mạo hiểm, việc lập danh sách đen như OpenAI làm là điều bất thường. Hầu hết nhà đầu tư mạo hiểm thường không rót tiền vào đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các công ty trong danh mục đầu tư của mình để tránh rủi ro về uy tín.
Tuy nhiên, ranh giới này đã bị xóa nhòa với các nhà đầu tư giai đoạn cuối có xu hướng phân tán tiền đặt cược của mình, chẳng hạn SoftBank và Fidelity đầu tư vào cả xAI và OpenAI.
Yêu cầu của OpenAI không áp dụng cho các nhà đầu tư trước đây cùng các khoản đầu tư mà họ đã thực hiện. Thế nhưng, động thái này có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư vào OpenAI và 5 đối thủ cạnh tranh trong các nỗ lực gây quỹ trong tương lai của họ.
Sơn Vân