OpenAI chính thức đàm phán chuyển đổi mục đích hoạt động vì lợi nhuận
Việc chuyển sang hoạt động như một công ty vì lợi nhuận sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong cơ cấu quản trị của doanh nghiệp tiên phong về AI, với vai trò là một phòng nghiên cứu AI phi lợi nhuận lúc ban đầu. Tuy nhiên, động thái này sẽ giúp OpenAI hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Hồi đầu tháng 9, Reuters lần đầu tiên đưa tin OpenAI do Microsoft hậu thuẫn đang xây dựng kế hoạch tái cấu trúc hoạt động kinh doanh cốt lõi thành một công ty phúc lợi vì lợi nhuận, không còn do hội đồng quản trị phi lợi nhuận quản lý. Các nguồn tin sau đó cho biết tổ chức phi lợi nhuận OpenAI sẽ tiếp tục tồn tại và sở hữu cổ phần thiểu số trong công ty vì lợi nhuận.
Tháng trước, nhà sản xuất ứng dụng ngày một phổ biến ChatGPT đã chốt vòng gọi vốn trị giá 6,6 tỷ đô la (Mỹ), có thể định giá công ty ở mức 157 tỷ đô la và củng cố vị thế là một trong những công ty tư nhân có giá trị nhất thế giới.
Cho đến nay, nhiều chuyên gia vẫn đặt dấu hỏi về việc Open AI sẽ như thế nào, sau khi chuyển từ mục đích phi lợi nhuận sang hoạt động vì lợi nhuận.
Khi được thành lập vào năm 2015, phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI là một tổ chức phi lợi nhuận. Sứ mệnh lý tưởng: đảm bảo công việc nguy cơ rủi ro cao mà họ đang thực hiện về trí tuệ nhân tạo phục vụ cho toàn thế giới. Điều này là cần thiết vì - ít nhất là theo niềm tin mãnh liệt của những người sáng lập - nó sẽ biến đổi toàn bộ thế giới.
Theo một số cách kể từ đó, OpenAI đã thành công ngoài sức tưởng tượng. "Trí tuệ nhân tạo tổng quát" nghe có vẻ như là một giấc mơ viển vông vào năm 2015, nhưng ngày nay chúng ta có AI tương tác, sáng tạo và biết nói có thể vượt qua hầu hết các bài kiểm tra năng lực của con người mà chúng ta đã đưa ra. Nhiều người nghiêm túc tin rằng trí thông minh tổng quát hoàn chỉnh sắp xuất hiện. OpenAI, trong những năm kể từ khi thành lập đã chuyển mình từ một phòng thí nghiệm phi lợi nhuận thành một trong những công ty khởi nghiệp được đánh giá cao nhất trong lịch sử, đã trở thành trung tâm của sự chuyển đổi đó.
Tất nhiên, theo những cách khác, mọi thứ đã trở nên lộn xộn. Ngay cả khi về cơ bản đã trở thành một doanh nghiệp, OpenAI vẫn sử dụng quản trị phi lợi nhuận để giữ cho công ty tập trung vào sứ mệnh của mình. CEO OpenAI Sam Altman đã trấn an Quốc hội rằng ông không có cổ phần trong công ty và hội đồng quản trị phi lợi nhuận vẫn nắm giữ mọi thẩm quyền để thay đổi hướng đi nếu họ nghĩ rằng công ty đã đi chệch khỏi sứ mệnh của mình.
Nhưng điều đó cuối cùng đã khiến hội đồng quản trị bất đồng quan điểm với Altman vào tháng 11 năm ngoái trong một cuộc xung đột hỗn loạn mà cuối cùng CEO giành chiến thắng. Gần như toàn bộ nhóm lãnh đạo ban đầu đã rời đi. Trong năm kể từ đó, hội đồng quản trị phần lớn đã được thay thế và các nhân viên cấp cao rời công ty theo từng đợt, một số người trong số họ cảnh báo rằng họ không còn tin rằng OpenAI sẽ xây dựng siêu trí tuệ một cách có trách nhiệm.
Hiện tại, OpenAI đang cố gắng chuyển đổi sang một cấu trúc công ty thông thường hơn, theo như báo cáo thì doanh nghiệp này sẽ là một công ty vì lợi nhuận giống như đối thủ Anthropic. Nhưng việc chuyển đổi từ phi lợi nhuận sang vì lợi nhuận rất hiếm và nhiều khả năng nó không còn được chào đón như ban đầu.
Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, người đồng sáng lập OpenAI, nhưng đã rời đi sau cuộc tranh chấp lãnh đạo mô tả quá trình chuyển đổi vì lợi nhuận là một cuộc giành quyền lực trắng trợn, lập luận rằng Altman và các cộng sự của ông đã "rút cạn công nghệ và nhân sự có giá trị của tổ chức phi lợi nhuận một cách có hệ thống".
Bà Mira Murati ngày 26/9 đã thông báo rời OpenAI, nơi bà từng giữ chức vụ Giám đốc công nghệ và cả Giám đốc điều hành tạm thời. Sau đó, Giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và Phó chủ tịch nghiên cứu Barret Zoph cũng thông báo nghỉ việc. Nhiều chuyên gia nghiên cứu gắn bó từ ngày đầu với OpenAI cũng lần lượt rời công ty.
(Nguồn Bloomberg, Reuters)
Đức Bình