Ông chủ Circle K đến Nhật Bản để tỏ ý muốn mua toàn bộ 7-Eleven
Theo Bloomberg, Chủ tịch kiêm Nhà sáng lập của Alimentation Couche-Tard, ông Alain Bouchard, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại toàn bộ Seven & i Holdings, đồng thời cam kết giữ nguyên các hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản của tập đoàn này.
Ông Bouchard tự tin công ty có thể giải quyết những lo ngại của cơ quan quản lý chống độc quyền về bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào. Nếu thành công, thương vụ này sẽ tạo ra "đế chế" cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới.
Theo đó, ban lãnh đạo cấp cao của Couche-Tard đã đến Nhật Bản để giới thiệu về tập đoàn vì lo sợ "mọi người chưa biết đến", Chủ tịch Bouchard chia sẻ với Bloomberg vào ngày 17/10.
Đây là lần thứ 3 trong 2 thập kỷ qua Couche-Tard nỗ lực mua lại Seven & i. Tuy nhiên, ông chủ của chuỗi 7-Eleven vẫn tỏ ra dè dặt và ông Bouchard không thể gặp bất kỳ lãnh đạo nào của công ty trong chuyến đi lần này.
"Chúng tôi đã cố gắng sắp xếp một cuộc họp nhưng không thành, nhưng tôi tin rằng điều đó sẽ xảy ra trong tương lai", Chủ tịch của Couche-Tard khẳng định.
Ông Bouchard chia sẻ thêm về mục đích của chuyến đi lần này là để hiểu rõ hơn về văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là những lo ngại của Seven & i xoay quanh thương vụ với Couche-Tard.
Trước đó vào tháng 8, Seven & i Holdings - đơn vị vận hành hệ thống 7-Eleven, các trạm xăng và một loạt cửa hàng bán lẻ - đã từ chối lời đề nghị thâu tóm ban đầu từ Couche-Tard.
Sau đó, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng Circle K đã nâng giá đề xuất lên 18,19 USD/cổ phiếu, định giá công ty Nhật Bản ở mức 7.100 tỷ yen (tương đương 47,6 tỷ USD).
Theo Giám đốc Tài chính Filipe Da Silva, Couche-Tard tự tin có thể giải quyết các vấn đề tài chính liên quan đến thương vụ này và đã làm việc với một trong các ngân hàng lớn của Nhật Bản.
"Chúng tôi rất tự tin nếu thương vụ diễn ra, chúng tôi sẽ có đủ nguồn lực để tài trợ mà vẫn duy trì xếp hạng tín dụng đầu tư cao", Da Silva cho biết.
Tuần trước, Seven & i đã công bố kế hoạch tái cấu trúc lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và các trạm xăng, trong khi các mảng kinh doanh khác, bao gồm 31 hoạt động bán lẻ kém hiệu quả hơn, có thể tìm kiếm đối tác chiến lược và tách ra thành công ty riêng.
Ông Bouchard cho biết mặc dù chưa gặp được lãnh đạo của Seven & i trong chuyến thăm lần này, ban lãnh đạo của Couche-Tard đã trao đổi với Chủ tịch Ủy ban đặc biệt của Seven & i về việc đánh giá đề xuất thâu tóm.
Tính đến hiện tại, giới đầu tư vẫn chưa "mặn mà" với thương vụ này khi cổ phiếu Seven & i chỉ giao dịch ở mức 2.250 yen/cổ phiếu (15,1 USD/cổ phiếu), thấp hơn nhiều so với giá đề xuất của Couche-Tard là 2.714 yen (18,2 USD). Con số này cao hơn 20% so với đề nghị trước đó và tăng hơn 50% so với giá cổ phiếu giao dịch vào giữa tháng 8.
Thương vụ này là phép thử quan trọng cho thấy liệu doanh nghiệp Nhật Bản, vốn từ lâu được coi là khó tiếp cận với các thương vụ mua bán và sáp nhập nước ngoài, có sẵn sàng thay đổi hay không. Nếu thành công, đây sẽ là vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử một công ty Nhật Bản.
Sau khi Couche-Tard công khai đề xuất, Seven & i đã yêu cầu và nhận được danh hiệu "doanh nghiệp cốt lõi quan trọng đối với an ninh quốc gia". Động thái được cho là nhằm ngăn cản việc thâu tóm của các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nhật Bản bác bỏ lo ngại rằng điều này sẽ khiến thương vụ trở nên khó khăn.
Seven & i khởi đầu là một cửa hàng bán quần áo cách đây một thế kỷ, sau đó phát triển thành doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa tổng hợp. Sau khi đưa chuỗi cửa hàng 7-Eleven và nhà hàng Denny’s đến Nhật Bản vào năm 1974, mô hình cửa hàng tiện lợi đã thay đổi hoàn toàn cục diện của công ty, giúp Seven & i nắm quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi và biến 7-Eleven trở thành một phần trong tên thương hiệu.
Cẩm Tú