1. Kinh doanh

Ông Chiêm làm giàu từ cây ăn quả có múi

Cán bộ xã Đại Lịch tham quan mô hình trồng cam của gia đình ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1 (người thứ 3 từ phải sang).

Vốn là người gốc Hải Dương, năm 1999, qua người quen giới thiệu, ông mua lại ngôi nhà của hộ dân ở thôn Bằng Là 1 để lập nghiệp. Mang tâm huyết về cây vải thiều, gom nhặt vốn liếng cộng với tiền vay mượn của anh em trong gia đình dưới quê, ông mua cây vải giống từ Hải Dương đem lên trồng kín toàn bộ diện tích đất gò đồi gần 2 ha của gia đình.

Thời điểm đó, ông là người mạnh dạn đầu tiên mang cây vải thiều lên trồng, khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về hiệu quả của cây trồng mới này. Bỏ ngoài tai tất cả những lời qua tiếng lại, ông cùng vợ con tập trung khai khẩn đất đai, đào hố trồng cây, không quản ngày đêm, mưa, nắng. Vậy là, những đồi vải thiều đã lên xanh tốt và đến năm thứ 3 đã bắt đầu cho lứa quả bói đầu tiên.

Đến năm tiếp theo, bình quân mỗi năm ông thu hàng chục tấn quả. Lúc đầu chỉ bán quanh xã, sau cung cấp rộng hơn ra các xã lân cận. Những tưởng cây vải thiều sẽ gắn bó lâu dài, song do khí hậu, thổ nhưỡng kém thích nghi nên chỉ chưa đầy 10 năm là cây vải có dấu hiệu già cỗi, sản lượng quả ít dần và lúc đơm hoa thì rất sai nhưng quả lại không đậu, mặc dù ông đã bỏ công chăm sóc rất kỹ. Phá bỏ cây vải, ông chuyển sang trồng rừng và trồng chè nhưng hiệu quả kinh tế cũng không cao.

Nhận thấy cây cam, quýt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, ông đã tìm mua giống cam sen V2 về vừa trồng vừa thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của loại cây trồng mới này. Để có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế, ông chủ động đăng ký với xã tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về cách trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả có múi, mày mò tìm đọc qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng để tập trung phát triển chuyên canh cây cam. Nhận thấy việc phát triển cây cam, quýt khá thuận lợi, ông mua thêm diện tích đồi gò của những hộ lân cận để mở rộng quy mô trồng cam.

Ông Chiêm chia sẻ: "Làm nông nghiệp, yếu tố thời tiết là quan trọng nhất. Mưa gió thuận hòa thì còn được chứ năm nào mưa nhiều và thời điểm tháng Giêng, cam ra hoa mà gặp mưa hoặc rét đậm thì coi như năm đó thất thu. Bên cạnh đó, đầu ra cũng bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá luôn là câu chuyện muôn thuở từ trước đến nay. Bởi vậy, tôi đang xin ý kiến của xã thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn quả để tập hợp những hộ dân trồng cam trong thôn cùng nhau sản xuất, liên kết và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cùng đó, tôi cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm qua kênh ổn định để nông dân chúng tâm yên tâm phát triển sản xuất”.

Trao đổi về mô hình này, ông Lò Kim Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lịch khẳng định: "Mô hình trồng cây ăn quả có múi của gia đình ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1 được địa phương đánh giá là mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện tại, xã cũng chỉ đạo nhân rộng mô hình ra các thôn lân cận; đồng thời, xã cũng khuyến khích các hộ dân thành lập tổ hợp tác tiến tới thành lập hợp tác xã để cung cấp cây giống, hỗ trợ nhau kỹ thuật, tạo liên kết và bao tiêu đầu ra ổn định cho sản phẩm, tiến tới xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có múi của địa phương”.

Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm để vươn lên phát triển kinh tế, ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1 đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, là hội viên Hội Nông dân xã, ông Chiêm thường xuyên giúp đỡ các hội viên và bà con trong thôn, xã về giống, vốn, kỹ thuật canh tác cùng nhau vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương ngày thêm ấm no, đổi mới.

Năm 2017, ông Vũ Văn Chiêm vay 200 triệu đồng từ Quỹ Tín dụng nhân dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn để mua thêm gò đồi trồng cam. Từ 2 ha ban đầu, ông đã phát triển lên 6,3 ha cam. Vụ quả năm 2023, ông thu gần 100 tấn cam, quýt các loại, trừ chi phí ông còn thu lãi 700 triệu đồng. Vụ quả năm 2024, ông dự kiến thu khoảng 120 tấn cam.

Thanh Tân

Tin khác