1. Kinh doanh

Nuôi loài lưỡng cư quen thuộc, anh nông dân 'đút túi' 20 triệu đồng/tháng

Thành công nhờ chọn mô hình phù hợp

Huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, hàng năm phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn sâu và kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc định hướng mô hình khởi nghiệp cho thanh niên địa phương. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, câu hỏi đặt ra cho nhiều người là: "Nên nuôi con gì, trồng cây gì để đạt hiệu quả kinh tế cao mà không bị tác động từ tình trạng xâm nhập mặn?"

Nhận thức rõ điều này, anh Huỳnh Văn Chung (31 tuổi, trú tại Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm) đã quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi ếch Thái Lan trong bể bạt. “Tôi tìm hiểu thấy ếch Thái Lan có thể chịu được độ mặn từ 3-5 phần nghìn và nhà tôi cũng có ao lắng chứa nước ngọt nên việc nuôi ếch làm kinh tế khá phù hợp”, anh chia sẻ.

Anh Chung lựa chọn nuôi ếch giống và đã thành công với mô hình này.

Tuy nhiên, khởi đầu không hề dễ dàng. Anh Chung đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, dẫn đến tình trạng ếch hao hụt đáng kể. Anh kể lại thời điểm đó chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ trứng nở rất thấp và cách xử lý nước chưa đạt nên khi trứng nở ra nòng nọc đều bị chết sau 3-10 ngày.

Dù vậy, với quyết tâm không ngừng nghỉ, anh đã kiên trì nghiên cứu, tìm hiểu và dần khắc phục các vấn đề. Nhờ sự nỗ lực và quyết tâm, anh đã đạt được những thành công nhất định trong mô hình nuôi ếch giống này.

Hiện tại, anh đang nuôi ếch giống trong 6 bể bạt, mỗi bể có diện tích khoảng 30 m².

Những con ếch giống chỉ cần nuôi khoảng 45 ngày là có thể xuất bán được.

Thu lợi lớn từ mô hình ếch giống

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi ếch trong bể bạt, anh Chung nhấn mạnh rằng công đoạn xây dựng bể nuôi đóng vai trò rất quan trọng. Việc thường xuyên thay nước là cần thiết để đảm bảo nguồn nước luôn sạch, không bị ô nhiễm, giúp ếch phát triển khỏe mạnh.

“Có lần cũng chỉ vì mất điện, không thể thay nước được nên tôi đã phải nhìn hàng chục nghìn con ếch giống chết sạch sẽ. Lần đó, 3 bể trứng có tỷ lệ nở rất cao, tôi chăm sóc đến khi ếch con sắp xuất bán. Ước tính cả 3 bể vào khoảng 45 – 50 nghìn con ếch giống.

Hôm đó là ngày cần phải thay nước thì nhà tôi bị mất điện đến tận 20h. Tôi không làm cách nào để thay nước trong bể được. Nước không thay được nên có mùi hôi khó chịu. Khi có điện, tôi lập tức dùng máy bơm để thay nước nhưng đã không cứu được. Toàn bộ ếch bị nhiễm khuẩn, 2 ngày hôm sau chúng chết hàng loạt, không còn một con nào sống sót”, anh ngậm ngùi kể lại.

Theo anh, người nuôi ếch cần phải thay nước thường xuyên để đảm bảo ếch sinh trưởng và phát triển tốt.

Ngoài ra, anh còn lắp đặt vỉ tre làm bè nổi để tạo không gian sinh hoạt cho ếch. Phần trên của bè được che lưới, giúp tạo bóng mát và tái hiện môi trường hoang dã, từ đó giúp ếch thích nghi tốt hơn. Để đảm bảo đàn ếch phát triển đều và hạn chế hao hụt, anh chú ý chọn giống ếch đồng cỡ, không bị xây xát, nhằm nâng cao tỷ lệ sống và phát triển của đàn ếch.

Với kinh nghiệm nuôi ếch giống của mình, anh Chung cho biết để đạt tỷ lệ ếch cái cao, trong thời điểm ếch đẻ trứng sẽ chuyển trứng vào ấp trong thùng xốp với nhiệt độ ổn định 34 độ C. Sau khoảng ba ngày, ếch con sẽ được chuyển sang bể bạt để nuôi thêm khoảng 45 ngày trước khi xuất bán. Hiện tại, cơ sở của anh Chung sản xuất ếch giống Thái Lan có tỷ lệ ếch cái đạt trên 85% và tỷ lệ hao hụt rất thấp.

Ngoài ra, người nuôi cũng cần phải nắm vững một số kỹ thuật nhất định về nuôi ếch.

Theo anh, ếch là loài lưỡng cư nên trong giai đoạn trứng, người nuôi có thể điều chỉnh giới tính của nó bằng cách thay đổi nhiệt độ ấp. Đồng thời, việc sử dụng hệ thống bơm nước tuần hoàn giúp tạo dòng chảy liên tục, hỗ trợ quá trình nở trứng hiệu quả hơn.

Mỗi tháng, cơ sở của anh cung cấp từ 25.000 đến 30.000 con ếch giống ra thị trường, với giá bán dao động từ 1.000 đến 1.300 đồng/con. Sau khi trừ các chi phí, anh Chung có thể thu lãi về khoảng 25 triệu đồng/tháng.

Trong tương lai, anh dự định đầu tư thêm 4 bể bạt để tăng số lượng con giống bán ra thị trường.

Nguyễn Thơm

Tin khác