Nức tiếng bún, miến khô Minh Khai
Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, những năm qua, xã Minh Khai đã xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là miến dong, bún khô các loại và gia vị.
Từ năm 1960 đến nay, nghề làm bún, phở khô ở xã Minh Khai được các thế hệ gìn giữ, phát triển và ngày càng lớn mạnh. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai Nguyễn Chí Thao, hiện xã có hơn 200 hộ làm nghề sản xuất bún, miến, gia vị; trong đó có hàng chục hộ sản xuất từ 0,5 đến 1 tấn bún, phở khô/ngày. Đây là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập bền vững, ổn định cho người dân trong xã.
Điển hình là hộ anh Đỗ Danh Chí ở thôn Minh Hòa 1, vừa làm kinh tế giỏi, vừa là hộ đi đầu trong việc đưa dây chuyền công nghệ hiện đại vào sản xuất. Anh Chí thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, phở khô Danh Chí và đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ gần 1 tỷ đồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất. Tích cực tìm hiểu, nghiên cứu phương thức chế biến bún, phở gạo lứt, cơm, bánh, trà gạo lứt..., anh Chí đã sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, không sử dụng phụ gia, hóa chất.
Sản phẩm bún gạo lứt của cơ sở Danh Chí dai, ngon, màu sáng đẹp, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng, sản lượng tiêu thụ hàng trăm tấn mỗi năm. Năm 2022, anh Chí đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có các sản phẩm bún, phở gạo lứt đạt OCOP 3 sao, nhờ đó lượng tiêu thụ tăng hơn. Trong thời gian tới, anh Chí tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đẹp hơn để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao trở lên.
Một trong những sản phẩm đặc sắc của xã Minh Khai là bột sắn dây xứ Đoài. Bà Đỗ Thị Nhung ở thôn Minh Hòa 2 chia sẻ, gia đình bà bắt đầu sản xuất bột sắn dây từ những năm 1993. Đến năm 2017, được sự giúp đỡ của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, gia đình bà đã đăng ký thành lập hộ kinh doanh nông sản thực phẩm Minh Khuê. Với mục đích xây dựng thương hiệu sản phẩm bột sắn dây, cơ sở đã thay đổi tên sản phẩm, đăng ký giấy phép kinh doanh, bảo hộ thương hiệu sản phẩm Minh Khuê Food; đăng ký mã số, mã vạch, xây dựng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại. Với những thay đổi tích cực từ chất lượng, mẫu mã bao bì, sản phẩm bột sắn dây xứ Đoài của Minh Khuê Food được nhiều doanh nghiệp, đại lý, nhà hàng, siêu thị, khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố tin tưởng, lựa chọn. Sản phẩm bột sắn dây xứ Đoài Minh Khuê cũng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Hiện tại, xã Minh Khai có hàng trăm hộ sản xuất, chế biến nhiều mặt hàng nông sản khác nhau; trong đó lĩnh vực sản xuất các loại gia vị, nước chấm là nhóm sản phẩm mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu là cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, chế biến gia vị Hùng Thắng của chị Phí Thị Dung ở thôn Minh Hiệp 1. Nhận thấy gia vị là nhóm mặt hàng có cơ hội phát triển tốt, chị Dung và gia đình đã mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ lên đến hàng tỷ đồng. Doanh thu của cơ sở đạt hàng chục tỷ đồng/năm, là một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương. Với phương châm lấy sức khỏe người tiêu dùng làm “kim chỉ nam” cho hoạt động sản xuất, cơ sở lựa chọn nguồn nguyên liệu chất lượng tốt, áp dụng quy trình sản xuất bằng dây chuyền hiện đại, khép kín…
Chị Phí Thị Dung thông tin, cơ sở đã xây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp ở hơn 20 tỉnh, thành phố và xuất khẩu sang thị trường Nga, các nước Đông Âu. Hiện cơ sở tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường lớn khác, như: Châu Âu, Israel và Trung Đông. Tham gia Chương trình OCOP, cơ sở sản xuất Hùng Thắng có 5 sản phẩm: Tương ớt, tương cà, sốt mè rang, sốt chua ngọt, dấm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai Nguyễn Chí Thao cho biết, xã có 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao và tiềm năng 5 sao; trong đó có 16 sản phẩm miến dong, bún khô các loại và 8 sản phẩm gia vị. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ thể tích cực tham gia Chương trình OCOP, nhằm tạo uy tín trên thị trường, tăng lượng tiêu thụ và giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Ánh Dương