1. Kinh doanh

Nữ tỷ phú thế giới chỉ đi làm thuê, 25 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ đại học danh giá

Xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới Forbes công bố hồi tháng 1, bà Tô Tư Phong - CEO tập đoàn sản xuất chip Advanced Micro Devices (AMD), gây ấn tượng là 1 trong 26 người đi làm thuê vĩ đại nhất vì sở hữu khối tài sản 1,1 tỷ USD. Đồng nghĩa bà cũng là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.

Bà Tô Tư Phong sinh năm 1969, trong một gia đình trí thức ở Đài Loan (Trung Quốc). Năm 3 tuổi, bà cùng gia đình sang Mỹ định cư. Có bố là nhà nghiên cứu Thống kê tại Đại học Columbia (Mỹ) và mẹ là nhân viên kế toán nên bà được khuyến khích học Toán từ nhỏ. Họ cho rằng, Toán không đơn thuần chỉ thuộc công thức và khái niệm, quan trọng hơn nó là công cụ giúp rèn luyện tư duy logic, khả năng phán đoán.

Dưới sự giáo dục và định hướng của gia đình, 14 tuổi, bà đỗ Trường Trung học Khoa học Bronx (Mỹ) - nơi đặt nền móng của các nhà Vật lý thế giới đoạt giải Nobel. 17 tuổi, bà đỗ chuyên ngành Kỹ thuật điện của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ngay từ khi là sinh viên năm thứ hai, bà bắt đầu nghiên cứu công nghệ silicon trên chất cách điện (SOI) có khả năng tăng hiệu suất bóng bán dẫn.

Theo Sohu, thời gian này, bà may mắn được tham gia Chương trình Cơ hội Nghiên cứu Đại học (UROP) tại phòng thí nghiệm bán dẫn và thực tập ở Analog Devices (ADI) kỳ hè. Điều này góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu lĩnh vực bán dẫn của bà.

Bà Tô Tư Phong - CEO AMD là nữ tỷ phú thế giới đầu tiên lĩnh vực bán dẫn. Nguồn ảnh: Baidu

Tốt nghiệp đại học năm 1990, bà tiếp tục học lên cao tại MIT. Chỉ trong 4 năm, bà nhận được cả bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngành Kỹ thuật điện. Năm 1994, bảo vệ thành công luận án Bóng bán dẫn hiệu ứng trường (MOSFET) silicon trên vật liệu SOI dưới mức micromet (µm), bà tốt nghiệp tiến sĩ ở MIT tuổi 25.

Quá trình học tiến sĩ, bà từng làm việc tại Analog Devices, Cisco, Liên minh Bán dẫn toàn cầu (GSA) và Hiệp hội ngành Công nghiệp Bán dẫn Mỹ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, bà được bổ nhiệm làm chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Chế tạo và linh kiện bán dẫn Mỹ (Texas Instruments).

Năm 1995, bà gia nhập International Business Machines (IBM) chịu trách nhiệm phát triển quy trình sản xuất chip đồng để giải quyết vấn đề tạp chất đồng làm nhiễm bẩn quá trình sản xuất. Làm việc ở IBM, về sau bà được bổ nhiệm làm phó chủ tịch trung tâm nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn kiêm trợ lý kỹ thuật của giám đốc điều hành lúc đó là CEO Louis V. Gerstner Jr.

Năm 2000, bà chuyển sang làm giám đốc dự án mới tại IBM để tập trung cải thiện truy cập băng thông rộng và thời lượng pin của thiết bị di động. Đến năm 2007, bà chuyển sang Freescale Semiconductor với vai trò giám đốc công nghệ và giúp tập đoàn phát hành cổ phiếu lần đầu ra thị trường (IPO) năm 2011.

Ngay sau đó, bà nhận được lời mời về làm việc tại AMD từ Donofrio - một thành viên hội đồng quản trị. Gia nhập AMD trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" năm 2012 - nợ 2,2 tỷ USD (khoảng 55.857 tỷ đồng), sa thải 1/4 nhân viên và giá cổ phiếu dưới mức dao động. Đến năm 2014, bà được bổ nhiệm làm chủ tịch thay thế ông Rory Read lèo lái con thuyền vượt qua khó khăn.

Dưới sự điều hành của bà, lúc này, AMD tập trung hợp lý hóa và đa dạng hóa các dòng sản phẩm công nghệ mới bằng cách thiết kế lại toàn bộ con chip để thu hút người dùng là game thủ chuyên nghiệp, công ty trí tuệ nhân tạo và các chương trình máy học (machine learning).

Sau 10 năm đảm nhận vị trí lãnh đạo AMD, bà đã đưa tập đoàn từ "khổ hơn cái chết" - đánh giá của cựu CEO Patrick Moorhead đến nay có số vốn hóa thị trường khoảng 340 tỷ USD. Theo Forbes, hiện bà sở hữu 4 triệu cổ phiếu của AMD (tương đương 0,2%), cùng với các quyền chọn thưởng đã giúp khối tài sản của bà đạt 1,1 tỷ USD (khoảng 27.939 tỷ đồng).

Trước đó, năm 2022, dự án siêu máy tính 1 giây xử lý ít nhất một triệu phép tính của bà hoàn thành tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (Mỹ) cũng gây xôn xao. Hiện định hướng của bà tại AMD là ra mắt siêu chip MI300, tích hợp CPU với GPU.

Thắm Nguyễn

Tin khác