Nữ Tiến sĩ khoa học Phan Thị Lan: Từ cô bé tò mò trong nhà máy gang thép đến nữ Tiến sĩ khoa học với giải thưởng quốc tế danh giá
- Chị bắt đầu với hành trình làm khoa học của mình như thế nào?
TS. Phan Thị Lan: Hành trình làm khoa học của mình bắt đầu từ việc là những giấc mơ từ bé, bắt đầu từ những ký ức.
Ngày xưa, mình nghĩ là không biết mình sinh ra để làm gì?
Sau đấy, bố mình đi Nga về, ông cũng được đào tạo rất bài bản ở bên Nga.
Rồi bố mẹ mình làm việc ở công ty gang thép Thái Nguyên. Một vài lần, bố mẹ đưa mình đến chơi, mình thấy rất nhiều người làm việc với máy móc đồ sộ.
Thời điểm đấy, công ty xuất thép đi khắp mọi miền để xây dựng đất nước. Lúc đó, mình mới định hình rằng khoa học, kỹ thuật có thể xây dựng được đất nước.
Và mình bắt đầu trả lời cho câu hỏi mình sinh ra để làm gì, và khoa học công nghệ có thể là một hướng đi.
Ngẫu nhiên mình học tốt ở các môn tự nhiên và đến khi thi vào Đại học Bách khoa, mình quyết định chọn cái ngành của nam giới.
Trong Đại học Bách khoa, có cả những ngành của nữ giới, tuy vậy, lúc đó mình không nghĩ nhiều, chỉ nghỉ là vào để học thôi, học làm sao để có đủ năng lực, làm được những việc mình mong muốn có thể giúp được đất nước.
Cho tới khi tôi sang Hàn Quốc, tôi nghĩ rằng mình sang một đất nước tiên tiến hơn, mình sẽ phải học hỏi được cái gì đấy để mang về. Và tôi như nhận ra đây là sứ mệnh của mình.
Các bạn cũng phải tìm ra sứ mệnh của mình, các bạn sẽ hạnh phúc trong việc theo đuổi nó, sẵn sàng đánh đổi, hi sinh.
Ngay cả khi các bạn phải tự hỏi là tại sao tôi còn phải ở đây, tại sao tôi không chuyển sang một cái lĩnh vực khác, để tôi có một cái cuộc sống dễ dàng hơn, thì vẫn có cái điều gì đấy níu kéo các bạn ở lại với cái lĩnh vực đấy. Các bạn cần tránh tình trạng không biết mục tiêu của mình là gì, mình muốn gì trong 2 năm tới, trong 10 năm tới.
Trong thời gian ở Hàn Quốc, tôi có nhiều môi trường học tập, lĩnh hội được nhiều hướng nghiên cứu, nhiều tinh hoa của giới nghiên cứu Hàn Quốc, và sau đó về việt nam.
Đến khi về Việt Nam, khi triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi khó khăn quá mình tự hỏi hay lại quay về Hàn Quốc để phát huy tốt.
Tuy vậy, tôi vẫn phải định hình rằng phải thật cố gắng để bước đi từng giai đoạn, để dần dần nhìn thấy con đường của mình rõ ràng hơn.
Đôi khi cuộc đời chúng ta sẽ có những giai đoạn khó khăn, không phải lúc nào cũng thuận lợi, may mắn, và cũng sẽ đến lúc, các bạn phải tự trả lời cho mình câu hỏi Tôi là ai? Tôi phải làm gì? Tôi đến cuộc đời này để trao giá trị gì? Như vậy, các bạn mới thấy mình thực sự đang sống.
Trong ngành khoa công nghệ, tôi cũng nuôi một giấc mơ, làm sao để có được nhiều sản phẩm, phải đưa khoa học vào trong cuộc sống, hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, giúp cho các công ty phát triển hơn.
Tôi mong muốn mỗi bước đi tiếp theo sẽ mở ra những khả năng mới, để cảm thấy mình được sống có ý nghĩa hơn.
- Chị phải đánh đổi và hi sinh như thế nào để được làm công việc mình yêu thích và để được phát triển với việc nghiên cứu khoa học?
TS. Phan Thị Lan: Cái gì cũng phải đánh đổi đúng không các bạn? Bây giờ các bạn đi làm thuê, bạn sẽ làm công việc người khác muốn hay bạn muốn làm công việc mình muốn. Cả 2 lựa chọn đều phải đánh đổi.
Nếu làm việc người khác muốn, bạn sẽ phải bỏ thời gian, không được tự do theo ý mình còn muốn các bạn muốn làm việc mình muốn làm, bạn phải chấp nhận người khác sẽ nói xấu bạn. Người ta sẽ công kích các bạn, nói những điều khiến bạn nhụt chí, thậm chí nói ra những câu làm mình tổn thương.
Trong nghiên cứu khoa học của tôi, có một đặc điểm đặc biệt là phải làm việc độc lập.
Có khi mình đưa ra ý tưởng, họ sẽ công kích, lúc đó mình phải làm sao để trụ được, bảo vệ ý kiến, lý lẽ của mình.
Bản thân tôi lại may mắn là ở các nơi, mọi người hay kể cả các sếp cũng đều không quá gạt đi, để cho mình có khoảng không gian để làm việc.
Trong lĩnh vực của mình, tôi rất ít kết nối với xung quanh, gây ra vấn đề mất cân bằng, kể cả gia đình cũng không kết nối được do tập trung vào công việc.
Phong cách làm việc độc lập giúp tôi tự giải quyết các vấn đề, tự suy nghĩ, không chủ động chia sẻ gánh nặng của mình với những người xung quanh. Nhiều khi nó tự diễn biến ở bên trong khiến mình cảm thấy rất nặng nề, gây ra mất cân bằng rất trầm trọng mà bản thân không nhận ra.
Sau đó, tôi cũng phải thay đổi, thay đổi cách sống, cách giao tiếp, tương tác với mọi người để tìm lại được những mối quan hệ xung quanh, để trao những giá trị mình có cho mọi người xung quanh, để có một nền tảng tốt hơn, nhiều nguồn lực đến với mình, giúp mình thực hiện những cái mình mong muốn.
- Khi gặp phải những lời ra, lời vào, lời dị nghị về ngoại hình, hay nghề nghiệp theo đuổi, thì phải làm thế nào?
TS. Phan Thị Lan: Điểm yếu của phụ nữ là rất nhạy cảm và rất dễ tổn thương. Theo tôi, khi nào gặp trường hợp như vậy, bạn có thể viết nhật ký, để nói ra cho lòng mình dịu lại, hoặc đơn giản là có thể khóc để giải tỏa.
Sau khi giải tỏa cảm xúc, tiếp tục quay lại mục tiêu của mình. Như vậy, mình sẽ vượt qua và không để những lời nói đó ảnh hưởng đến mục tiêu phía trước của mình.
Hoặc là có thể viết sử thi, các bạn hãy thường xuyên viết các câu chuyện, tưởng tượng rằng mình là nhân vật chính trong đó, mình sẽ như thế nào, những điều mình mơ ước và những mục tiêu của mình.
Điều đó sẽ luôn giúp bạn bám vào mục tiêu của mình, không bị chệch hướng trên con đường phía trước.
- Gửi một thông điệp đến các bạn trẻ để các bạn có thêm động lực, niềm tin, quyết định với hành trình phía trước.
TS. Phan Thị Lan: Trong cuộc sống, khi bạn đi qua 50 - 60 năm cuộc đời, các bạn sẽ được trải nghiệm vô vàn các khoảnh khắc.
Các bạn hãy tin tưởng vào giá trị của bản thân mình, các bạn được sinh ra vì các bạn có một sứ mệnh, có một giá trị cuộc đời đang mong muốn từ các bạn. Vì vậy, hãy trao đi, trao đi thật nhiều.
- Trân trọng cám ơn chị!
Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.
Việt Hoàng