1. Kinh doanh

Nữ nông dân thành công từ mô hình nuôi bò sữa

Tạo sự đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Có dịp đến các xã của huyện Ba Vì hôm nay dễ dàng cảm nhận về vùng ngoại thành đẹp hơn mỗi ngày. Xã Vân Hòa là một trong những địa phương nổi bật đang từng bước thay da đổi thịt với sự phát triển kinh tế và chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Vân Hòa là xã có số lượng đàn bò sữa lớn của huyện Ba Vì, nghề chăn nuôi bò sữa được Vân Hòa xác định là trọng điểm để phát triển kinh tế ở địa phương. Nghề này mang lại nguồn thu ổn định, thậm chí có nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

Mô hình chăn nuôi bò sữa của chị Tạ Thị Năm.

Một trong các gia đình tiêu biểu chúng tôi đến thăm là gia đình chị Tạ Thị Năm (thôn Mồ Đồi) với mô hình chăn nuôi bò sữa. Chị Năm là một trong số 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh. Chị là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa, đến nay trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình chị Năm rộng hơn 1.200m2, hiện tại, chị đang có đàn bò sữa với hơn 60 con.

Gắn bó với nghề nuôi bò sữa từ năm 2003 đến nay, chị Năm có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi bò sữa. Nghề nuôi bò sữa tưởng dễ mà không dễ chút nào, từ chăm sóc đến vắt sữa đều phải làm đúng quy trình để bảo đảm năng suất và chất lượng. Nếu không chăm sóc tốt, bò có thể ốm. Để có được thành quả, chị Năm cũng từng trải qua nhiều gian nan trong nghề chăn nuôi.

Để có vốn đầu tư chăn nuôi bò sữa, năm 2003, hai vợ chồng chị đã phải thế chấp sổ đỏ để đi vay ngân hàng được 20 triệu đồng. Đều đặn mỗi ngày, từ mờ sáng, vợ chồng chị Năm thức dậy để dọn dẹp chuồng trại khởi động máy móc, chuẩn bị tiến hành công việc vắt sữa. Theo chị Năm, trong một ngày sẽ có 2 khung giờ quan trọng để tiến hành vắt sữa, đó là khoảng 4h30 sáng và 16h chiều. Công đoạn đầu tiên và cũng là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình thu hoạch sữa đó là vệ sinh chuồng trại. Đàn bò sữa sẽ được tắm rửa sạch sẽ, lau khô bầu vú. Sau đó gắn máy vào bầu vú vắt sữa.

Với quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ mô hình bò sữa, trong quá trình sản xuất gia đình chị Năm tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng.

Đến nay, gia đình chị đã đầu tư dàn phun nước chống nóng cho đàn bò và các thiết bị tự động trị giá hơn 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, là xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Chị Năm cho biết, việc chăn nuôi hiện tại thuận lợi hơn nhiều với các chính sách khuyến nông của xã, huyện, hay việc vay vốn của Ngân hàng chính sách cũng dễ dàng tiếp cận hơn để đầu tư con giống. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, đàn bò sữa của chị Năm phát triển tốt, cho sản lượng sữa cao, chất lượng sữa bò tốt. Đến nay, trang trại của gia đình chị cho năng suất trung bình đạt 1 tấn sữa/ngày.

Chị Năm là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa.

“Môi trường chăn nuôi ở thôn, xã có nhiều thay đổi tích cực, từ chăn nuôi nhỏ lẻ thành chăn nuôi quy mô lớn, tập trung hơn, hình thành chuỗi các hộ chăn nuôi cùng nhau phát triển. Đặc biệt đầu ra sản phẩm có đơn vị bao tiêu, người dân không cần loay hoay làm ra mà không biết bán cho ai”, chị Năm cho hay.

Mở hướng phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững tại địa phương

Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc đàn bò sữa, chị Năm cho biết để bò sữa khỏe mạnh, nhất thiết phải thường xuyên dọn dẹp chuồng trại, áp dụng nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật, phải tiêm phòng cho bò theo định kỳ để tránh mắc phải một số bệnh. Người nuôi bò sữa phải đặc biệt lưu ý bổ sung nguồn thức ăn phù hợp, giàu chất dinh dưỡng trong thời kỳ vắt sữa để đảm bảo nguồn sữa chất lượng cũng như duy trì sức khỏe cho bò.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, mô hình nuôi bò sữa của chị Năm còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ tại địa phương. Với cương vị là Chi Hội trưởng Chi Hội nông dân thôn Mồ Đồi, từ mô hình nuôi bò sữa hiệu quả của mình, chị Tạ Thị Năm đã lan tỏa khát vọng làm giàu đến hội viên nông dân trong chi hội. Chị Năm đã giúp đỡ 4 hộ nghèo về tiền mặt, hỗ trợ con giống chăn nuôi bò sữa đến khi xuất chuồng mới phải trả vốn và tạo việc làm cho những hộ nghèo.

“Khi thấy mình nuôi bò sữa hiệu quả, hội viên trong chi hội đã cùng nhau phát triển mô hình. Hiện 90% hội viên trong Chi hội Nông dân thôn Mồ Đồi đều đầu tư mô hình nuôi bò sữa hiệu quả. Chi Hội Nông dân thôn Mồ Đồi có 87 hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 27 hộ cấp Thành phố, 2 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương”, chị Năm phấn khởi chia sẻ.

Đánh giá về mô hình nuôi bò sữa của gia đình chị Năm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường cho biết việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa đã giúp nâng cao chất lượng và sản lượng sữa. Không những vậy, chị Năm còn đóng vai trò tiên phong trong việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sữa bò. Đây là yếu tố quyết định giúp sản phẩm của nông dân được tiêu thụ ổn định với giá tốt, bảo đảm thu nhập cho người nông dân. Mô hình này đã mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì, giúp địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

N.Hoa

Tin khác