Nữ người Dao làm kinh tế giỏi
Nhờ chịu thương, chịu khó, gia đình Trịnh Thị Thương đã có cuộc sống đủ đầy.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố mẹ quanh năm tần tảo bám ruộng, bám nương kiếm kế sinh nhai để nuôi các con khôn lớn. Biết điều kiện gia đình còn khó, hoàn thành bậc học THPT, Thương ở nhà lo phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Rồi khi xây dựng gia đình, cuộc sống đã thiếu lại càng thiếu khi hai đứa con lần lượt ra đời. Với tư duy, không thể để cái nghèo đeo bám mãi, Thương quyết định thay đổi cuộc sống của mình.
Đầu tiên, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng, vay anh em, bạn bè mở cửa hàng bán tạp hóa kết hợp nuôi vài chục con gà thịt, vịt đẻ trứng, đôi lợn bột. Thấy chăn nuôi phù hợp với khả năng, Thương nung nấu ý định phát triển mô hình quy mô lớn và tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh...do huyện, xã tổ chức; chủ động tìm đến các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao để học hỏi kinh nghiệm. Tích lũy được kiến thức lại gom góp được chút vốn, chị tập trung đầu tư mô hình nuôi vịt đẻ trứng, vịt thương phẩm, xây dựng lò ấp trứng kết hợp trồng quế.
Do nuôi vịt theo đúng quy trình, lựa chọn nguồn thức ăn đảm bảo, nên trứng và vịt thương phẩm của gia đình Thương được thương lái lựa chọn, bao tiêu sản phẩm.
Sau nhiều năm nỗ lực cố gắng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế của gia đình được mở rộng với 3ha quế 7-10 năm tuổi, đàn vịt luôn duy trì 3.000 con, có 3 sào ao thả cá các loại. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia giới thiệu, bán các sản vật vùng quê trên các kênh mạng xã hội. Từ việc phát triển chăn nuôi, cộng thêm các khoản thu khác, mỗi năm gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống ổn định, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt và có tích lũy.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bản thân chị Thương luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của Hội phụ nữ phát động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo và phát triển kinh tế cho bà con trong vùng. Sẵn sàng hỗ trợ bà con tìm nguồn giống, nguồn thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng và đầu ra cho sản phẩm; đồng thời tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi khi cần... Với những việc làm bình dị, rất đỗi đời thường của cô gái Dao bé nhỏ ấy chính là sự chung tay, gắn kết bà con các dân tộc trong vùng cùng tự tin vươn lên, tạo lập cuộc sống ấm no, góp phần xây dựng nông thôn mới ở nơi miền sơn cước còn nhiều khó khăn này.
Vào dịp tháng 6 vừa qua, tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Yên Lập lần thứ IV - năm 2024, Trịnh Thị Thương vinh dự là 1 trong 26 cá nhân tiêu biểu được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện giai đoạn 2019-2024.
Phương Thảo