1. Kinh doanh

'Nữ kiệt' giới kinh doanh cùng hành trình đầu tư đâu thắng đó

Tạp chí Fortune (Mỹ) mới đây đã công bố danh sách 100 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các đại diện năm nay đến từ 11 quốc gia, thuộc nhiều lĩnh vực, từ tài chính, năng lượng, vận tải, thực phẩm - đồ uống đến nhà hàng - khách sạn.

Fortune đánh giá các nữ doanh nhân trong danh sách năm nay đã cải cách công ty, tạo đột phá trong ngành, thúc đẩy tăng trưởng, truyền động lực cho các đồng nghiệp và thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Họ được chọn dựa trên quy mô doanh nghiệp, tầm nhìn chiến lược, khả năng tạo đột phá, tầm ảnh hưởng với nền kinh tế và trách nhiệm xã hội.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Trong đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong 3 người phụ nữ Việt Nam được tạp chí quốc tế công nhận về những đóng góp của mình với xã hội trên nhiều phương diện.

Trên bảng xếp hạng của Forbes, nữ doanh nhân này đang nắm giữ khối tài sản lên tới 2,8 tỷ USD, tương đương với gần 70.000 tỷ đồng theo tỷ giá ngày 13/10. Với khối tài sản này, bà Thảo đứng vị trí 1187 trên bảng xếp hạng của Forbes. Bà Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và là nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất Đông Nam Á.

Bén duyên với kinh doanh từ những ngày son trẻ

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 và lớn lên trong một gia đình gốc Hà Nội. Tới năm 2017, bà Thảo chính thức bay sang Liên Xô bắt đầu con đường học tập chuyên sâu về Tài chính.

Và dường như cái duyên buôn bán đã gắn liền với người phụ nữ này từ ngày ấy, ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường, bà Thảo đã bắt đầu kinh doanh các mặt hàng điện tử, nông sản từ châu Á sang Đông Âu và kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi chỉ mới 21 tuổi.

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, bà Thảo cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng thành lập nên công ty Sovico Holdings chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, điện tử, may mặc... tại Liên bang Nga.

Năm 2004, bà Phương Thảo quyết định về Việt Nam đầu tư vào Bất động sản thông qua Sovico Holdings.

Thương vụ đầu tiên Sovico Holdings đầu tư tại Việt Nam là mua lại dự án Furama Resort Đà Nẵng, một khu nghỉ dưỡng 5 sao, với 198 phòng từ tay Lai Sun Development (Hồng Kông).

Khi đã thâu tóm và mở rộng khai thác tương đối thành công dự án kể trên, tới năm 2007, Sovico Holdings "tất tay" với thương vụ đầu tư khủng vào bất động sản bằng việc đầu tư dự án Dragon City, gần kề khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Tp.Hồ Chí Minh).

Phối cảnh Dự án Dragon Riverside City Phú Long.

Dự án này có quy mô lên đến 65 héc ta, với tổng vốn đầu tư chạm ngưỡng 1 tỷ USD, do Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long - một đơn vị thành viên của Sovico Holdings làm chủ đầu tư.

Sau 10 năm triển khai, đến nay, nhiều công trình tại dự án Dragon City đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, ghi dấu ấn tên tuổi Sovico Holdings, biến doanh nghiệp này trở thành thương hiệu có máu mặt tại thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh.

Bà Thảo còn thâu tóm thêm 2 dự án nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa là An Lâm Villas Ninh Vân Bay (1/1/2017 dự án đổi tên thành L'Alyana Ninh Vân Bay) và Ana Mandara Cam Ranh. Ngoài ra, Tập đoàn Sovico Holdings còn đẩy mạnh đầu tư các khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc như Khu du lịch sinh thái Đảo Phú Quốc.

Gần đây doanh nghiệp này còn phát triển dự án Dragon Riverside City (quận 5) và Dragon Village(quận 9).

Khát vọng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo với hàng không giá rẻ

Song hành với việc ghi dấu ấn tại mảng bất động sản, bà Thảo còn gây dựng nên hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại thị trường Việt Nam - CTCP Hàng không VietJet (VietJet Air, HoSE: VJC). Đây là hãng hàng không được định vị phân khúc giá rẻ, phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp người dân với phương châm "mang lại cơ hội đi lại bằng máy bay cho tất cả mọi người".

VietJet Air được thành lập năm 2007, chính thức khai thác chuyến bay đầu tiên vào ngày 24/12/2011 và thông báo có lãi ngay từ năm thứ hai hoạt động.

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, Vietjet Air ghi nhận doanh thu vận tải hàng không nửa đầu năm đạt 33.862 tỷ đồng.

Tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 34.030 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 879 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 34% và gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vietjet Air đạt gần 80.653 tỷ đồng, tăng 4.723 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty ghi nhận có hơn 5 tỷ đồng tiền mặt và tới 2.554 tỷ đồng gửi tại ngân hàng tại cuối quý II/2024. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt hơn 5.437 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, hãng đã vận chuyển gần 13,1 triệu khách, khai thác trên 70.000 chuyến bay an toàn. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 5,5 triệu và số chuyến bay quốc tế là hơn 28.300 chuyến, tăng trưởng lần lượt 52% và 43% so với cùng kỳ 2023, là hãng hàng không dẫn đầu về lượng khách vận chuyển.

Vietjet Air được định vị phân khúc thấp, phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp người dân với phương châm "mang lại cơ hội đi lại bằng máy bay cho tất cả mọi người".

Vietjet đang khai thác hơn 149 đường bay khắp Việt Nam và quốc tế, bao gồm 38 đường bay quốc nội và 111 đường bay quốc tế cùng với đội tàu bay hơn 105 chiếc (bao gồm Vietjet Thái Lan).

Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2024 là 3.687 tỷ đồng.

Tạo nên kỳ tích tại mảng ngân hàng

Không chỉ thành công với bất động sản và hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn lấn sang cả hoạt động ngân hàng. Trở về nước sau khi du học, bà Thảo cùng góp vốn thành lập nên Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Tới năm 2008, bà đầu tư vào HDBank và trở thành Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT của ngân hàng cho tới nay.

Dấu ấn của bà Thảo tại HDBank được thể hiện rõ nét qua 2 thương vụ M&A đình đám là mua Công ty Tài chính SGVF từ Ngân hàng Socíeté Générale (Pháp) để thực hiện bước đi chiến lược mở ra Công ty Tài chính HD SAISON và sáp nhập DaiABank vào HDBank.

Trong một chia sẻ với Forbes, bà Thảo cho rằng: "Do ngành hàng không gây chú ý, nên mọi người tập trung vào nó và thấy rằng, Vietjet tăng trưởng nhanh so với các hãng khác. Nhưng nếu so với những điều tôi làm từ trước đến giờ, thì sự tăng trưởng của nó đều nằm trong kế hoạch cả. Các doanh nghiệp khác của tôi, như HDBank, trong 8 năm đã tăng trưởng gấp 15 lần, HD SAISON tăng 800% trong 3 năm kể từ khi mua lại".

Đến nay, tuy bà Thảo không trực tiếp nắm trên 1% vốn HDBank nhưng cổ đông lớn nhất nắm gần 14,3% vốn nhà băng này chính là Sovico Holdings. HDBank cho biết hiện Sovico Holdings đang nắm giữ gần 418 triệu cổ phiếu HDB, tương đương 14,27% vốn điều lệ ngân hàng.

Báo cáo tài chính bán niên 2024 cho thấy HDBank có tổng thu nhập đạt 16.045 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ do tăng cường hiệu quả hoạt động và áp dụng các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số của HDBank.

Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 26,1%, ROA đạt 2,1%, đều cao hơn năm trước.

Tại 30/6/2024, tổng tài sản của HDBank vượt 624 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Quy mô huy động vốn đạt trên 552 nghìn tỷ đồng, trong đó đáng chú ý tiền gửi từ kênh ngân hàng số đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ.

Thành công trên nhiều lĩnh vực với khối tải sản khổng lồ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam nhiều năm liền nằm trong danh sách các tỷ phú USD được Forbes ghi danh.

Nguyễn Hồng Nhung

Tin khác