Nữ 'đại điền' biến đất hoang thành những 'mùa vàng'
Năm 2024, Hợp tác xã của chị Trần Thị Lanh là đại diện duy nhất của “quê lúa” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương một trong 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Cũng như nhiều nông dân khác, trước đây, chị Trần Thị Lanh canh tác lúa theo hướng truyền thống, mạnh ai nấy làm. Với 3 sào ruộng được chia theo nhân khẩu, việc cấy lúa mỗi năm chỉ đủ cung cấp cho sinh hoạt gia đình. Chị chia sẻ, thời điểm đó, chị có suy nghĩ, nếu cứ làm thế này thì bao giờ mới nông dân mới đỡ vất vả, sống được bằng nghề làm nông nghiệp. Nhưng để khởi nghiệp từ nông nghiệp không phải chuyện dễ dàng, nhất là với hai bàn tay trắng.
Những câu hỏi khiến chị trăn trở, năm 2008, chị là người đầu tiên của xã Bình Minh mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp phục vụ nông dân. Đó là “cơ nghiệp” hàng chục năm làm nông nghiệp mà hai vợ chồng chị chắt góp được cùng sự giúp đỡ vay mượn của người thân, họ hàng. Dần dần qua các mùa vụ, chị Lanh có thêm kinh nghiệm, đặc biệt là việc áp dụng máy móc vào canh tác giúp giải phóng sức lao động, gia tăng hiệu quả sản xuất.
Chứng kiến những mảnh ruộng từng là “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang lãng phí, trong khi chị lại sẵn có máy móc, năm 2015, chị mạnh dạn mượn và thuê lại của nông dân không có nhu cầu canh tác để cấy lúa. Chị Lanh bộc bạch, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ không thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất như mong muốn. Trải qua nhiều thất bại, có khi được mùa mất giá, khi lại thiếu máy móc, không đáp ứng đủ nhu cầu khiến chi phí sản xuất tăng, không có lãi, chị Lanh quyết tâm đầu tư máy móc ở tất cả các khâu.
Từ 3 ha tích tụ năm 2015, sau gần 10 năm nỗ lực không ngừng, đến nay, chị Lanh trở thành "đại điền" lớn nhất tỉnh Thái Bình với 100 ha được thuê hoặc mượn lại của gần 800 hộ dân, trong đó có 80 ha thuộc xã Bình Minh và 20ha tại xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương). Chị mạnh dạn đầu tư gần 5 tỷ đồng máy móc phục vụ nông nghiệp từ máy gặt, máy làm đất, máy bón phân, máy cấy, máy gieo mạ đến máy bay phun thuốc trừ sâu cùng hệ thống máy sấy công suất 40 - 45 tấn/ngày đêm.
Không những duy trì 100 ha lúa của gia đình, chị Lanh còn làm dịch vụ nông nghiệp, thu lợi nhuận từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 30 lao động địa phương với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ sự chịu thương, chịu khó cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Lanh biến đất hoang thành những “mùa vàng” ngay trên chính đồng đất quê hương, đồng thời từng bước thay đổi suy nghĩ của nông dân về cách làm nông nghiệp thời 4.0.
Chị Lanh cho biết, khi đã sở hữu diện tích tích tụ lớn, chị lại nghĩ nếu chỉ sản xuất đơn thuần thôi chưa đủ, nông nghiệp hiện đại rất cần liên kết để phát triển bền vững. Để làm được điều đó, không có cách nào khác ngoài việc vươn lên tổ chức tập thể với bước đi đầu tiên là thành lập Hợp tác xã kiểu mới, trong đó hoạt động chính là hoạt động dịch vụ nông nghiệp.
Với suy nghĩ đó, năm 2022, lần đầu tiên trên “Quê hương 5 tấn”, hợp tác xã do nữ "đại điền" làm chủ được thành lập, mang tên Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh, ghép từ tên hai vợ chồng chị. Đây là bước phát triển quan trọng để Hợp tác xã bắt tay liên kết với nhiều doanh nghiệp mạnh về lúa ở Thái Bình như Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Cúc…
Anh Đặng Văn Quang, chồng chị Lanh chia sẻ, để có được thành quả hôm nay, hai vợ chồng anh trải qua nhiều thất bại cũng như khó khăn, trong đó khó nhất là vốn. Nhờ tinh thần đồng sức đồng lòng, mỗi mùa vụ đi qua, vợ chồng anh lại tính toán, “lấy ngắn, nuôi dài”, chắt chiu thêm kinh nghiệm, tập trung tích lũy vốn để tái đầu tư sản xuất.
Người vác tù và hàng tổng
Không chỉ là tấm gương nỗ lực vươn lên làm giàu từ nông nghiệp, chị Trần Thị Lanh còn là Trưởng thôn đầy trách nhiệm của thôn Giáo Nghĩa - thôn Công giáo toàn tòng với hơn 500 hộ, trên 2.000 nhân khẩu. Hơn 10 năm vừa tìm tòi con đường phát triển sản xuất nông nghiệp cũng là hơn 10 năm chị đảm nhiệm trọng trách của “Người vác tù và hàng tổng” với vai trò “hạt nhân” phát triển cộng đồng đoàn kết ở vùng Công giáo.
Anh Đỗ Văn Trà, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh cho biết, chị Lanh là cán bộ gương mẫu và được nhân dân địa phương tin tưởng. Dù là nữ nhưng mọi công việc trong thôn chị đều đảm đương, gánh vác và gương mẫu thực hiện. Trong thôn, ai có hoàn cảnh khó khăn, chị đều nắm rõ, chủ động chia sẻ, hỏi thăm, tạo nên sự gần gũi. Năm 2021, khi xã Bình Minh xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, chị Lanh hỗ trợ 1 tấn gạo cho các gia đình khó khăn trong vùng phong tỏa và huy động người dân, con em xa quê ủng hộ nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ bà con trong những ngày chống dịch. Hành động ý nghĩa của chị góp phần giúp xã Bình Minh đoàn kết, chống dịch thành công.
Dưới vai trò chỉ đạo của nữ Trưởng thôn Trần Thị Lanh, công tác xây dựng nông thôn mới ở Giáo Nghĩa đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, mọi con đường trong thôn đều được trải nhựa khang trang, sạch đẹp. Chị Lanh cho biết, thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, chị luôn quán triệt quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Do vậy người dân trong thôn đều nhiệt tình tham gia trên tinh thần tự nguyện, đóng góp sức người, sức của làm đường giao thông và nhiều công trình xã hội trong thôn.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đánh giá, chị Trần Thị Lanh là một trong những cá nhân tiêu biểu trong tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất và liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại Thái Bình thời gian qua. Với việc mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, sản xuất, Hợp tác xã do chị Lanh làm chủ phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi nhuận cao, đồng thời góp phần phát huy hiệu quả lợi thế nông nghiệp địa phương trong bối cảnh xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiện đại. Mô hình của chị đang được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng.
Thu Hoài (TTXVN)