Nông dân Vũ Quang nuôi chồn hương, nhím để làm giàu
Sau thời gian nghiên cứu và tìm hiểu về loài nhím, đầu năm 2024, ông Nguyễn Văn Hà (thôn 7, xã Quang Thọ) đã quyết định xây dựng chuồng trại rộng hơn 50m2 và mua 9 cặp nhím (mỗi cặp có giá 5 triệu đồng) từ Đắk Lắk về nuôi thử nghiệm. Đến nay, sau gần 1 năm chăm sóc, 9 cặp nhím thích nghi tốt, phát triển khỏe mạnh và đạt trọng lượng từ 8 - 10 kg.
Ông Hà chia sẻ: “Để nuôi nhím, tôi đã hoàn thành thủ tục xin cấp giấy phép chăn nuôi, xác nhận bảo vệ môi trường, cấp mã số trại nuôi tại cơ quan kiểm lâm. Sau đó, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm nuôi trên mạng để áp dụng vào đàn nhím của gia đình. Qua gần 1 năm, tôi nhận thấy nhím là loài động vật có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh, không tốn công chăm sóc…”.
Cũng theo ông Hà, để nhím phát triển tốt, ông luôn giữ môi trường nuôi sạch sẽ, khu vực nuôi được bố trí ở nơi ít gió và không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Thức ăn của loài nhím khá dễ tìm, chủ yếu là rau, củ quả có trong vườn nhà nên chi phí chăn nuôi thấp. Nếu được chăm sóc tốt, cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ, nhím rất mau lớn.
“Hiện tại, 9 cặp nhím của gia đình đã đủ điều kiện xuất bán, thương lái vào hỏi mua liên tục với mức giá 300 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, tôi đang muốn nhân đàn nên sẽ tiếp tục nuôi để ghép đôi sinh sản. Hy vọng rằng, đàn nhím sẽ phát triển tốt, đưa lại lợi nhuận cao, giúp gia đình phát triển kinh tế trong thời gian tới” - ông Hà cho biết.
Lựa chọn nuôi dúi để “mở lối” làm giàu, ông Nguyễn Minh Hoàn (thôn 6, xã Đức Bồng) đã bước đầu thành công trong việc nhân đàn, tạo nguồn giống chất lượng.
Ông Hoàn cho biết: “Dúi là loài động vật rừng có thịt ngon, giàu dinh dưỡng, được nhiều người ưa thích. Vì thế, đầu năm 2023, gia đình quyết định đầu tư hơn 300 trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 50 cặp dúi về nuôi thử nghiệm. Tuy là động vật hoang dã, nhưng dúi rất dễ nuôi, thức ăn cũng dễ tìm, chủ yếu là cây tre, trúc, mía, ngô… nên chi phí không quá cao. Ngoài ra, để chăm sóc đàn dúi được tốt nhất, tôi còn học hỏi kinh nghiệm nuôi từ Internet và nhờ cán bộ nông nghiệp hướng dẫn thêm kỹ thuật”.
Hiện nay, sau gần 1 năm, đàn dúi 100 con của gia đình ông Hoàn đã được nhân đàn lên 300 con. Dúi phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt, không bị dịch bệnh nên ông đang tiếp tục nhân đàn để tăng số lượng.
“Tôi dự định sang đầu năm 2025 sẽ xuất bán 100 cặp dúi giống đầu tiên. Với giá từ 1 - 1,4 triệu đồng/cặp, dự kiến gia đình sẽ thu về hơn 100 triệu đồng. Với dúi thịt, gia đình sẽ tiếp tục chăm sóc để đạt trọng lượng tốt và bắt đầu xuất bán vào tháng 4 năm sau. Hiện tại, dúi thịt có mức giá khoảng 500.000 đồng/kg, hứa hẹn sẽ đem về cho gia đình khoản thu khá” - ông Hoàn chia sẻ.
Ngoài nhím, dúi, nhiều hộ dân ở Vũ Quang còn nuôi một số loài động vật rừng khác như chồn hương, lợn rừng... Khi nuôi các loài động vật này, người dân đều được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và cấp phép các thủ tục đăng ký nuôi.
Đến nay, nhiều mô hình nuôi động vật rừng tại Vũ Quang đã chứng minh được tính khả thi khi vật nuôi đều thích nghi tốt với điều kiện, phát triển khỏe mạnh. Nhờ đó, đã mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Đức Quân