1. Kinh doanh

Nông dân kiếm tiền tỉ từ việc ghép mai kiểng cổ và bonsai

Bà Nguyễn Thị Bích Huyền (ngụ TP Thủ Đức) vốn là nhân viên Phòng Quản trị thiết bị, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM). Bà gắn bó với công việc này từ 10 năm qua. Năm 1996, ông bà ngoại qua đời, bà Huyền quyết định nghỉ việc để tiếp nối nghề nông truyền thống cùng với chồng.

Ông Võ Thành Vũ, chồng của bà Huyền đang chăm sóc mai tại vườn. Ảnh: HẢI NHI

Đến năm 2010, bà Huyền chính thức gia nhập Hội Nông dân phường Tam Phú. Sau nhiều năm gắn bó với hoạt động nông nghiệp, mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Huyền được Hội Nông dân TP.HCM tuyên dương là “Nông dân tiêu biểu TP.HCM” năm 2024 vì những nỗ lực trong hoạt động nông nghiệp của thành phố.

Kiếm tiền tỉ từ cấy ghép mai bonsai và mai kiểng cổ

Bước chân vào nghề làm mai với quy mô nhỏ, thời gian đầu, bà Huyền chỉ mong mai được bán ra với giá từ 500-1.000.000 đồng/chậu.

Một góc nhỏ về giống mai bonsai tại vườn mai của bà Huyền. Ảnh: NHƯ NGUYỆT

“Tôi xuất phát từ nông dân, tài chính khó khăn nên không đủ điều kiện để đầu tư vào những cây mai lớn. Đến năm 2011, tôi mới mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào những gốc mai lớn, ghép mai.

Tôi vẫn giữ phương pháp bứng gốc phôi từ dưới đất đưa vào chậu của ông bà, đến khi cây đủ lớn sẽ tiến hành ghép bo. Để cây mai đến tay khách hàng, tôi phải có ít nhất hơn 3 năm chăm sóc” - bà Huyền chia sẻ về thời gian mới bắt đầu với nghề mai.

Nhờ vào sáng kiến ghép mai bonsai, từ cây mai truyền thống 4-5 cánh, bông nhỏ với độ bền hoa chỉ khoảng 24 giờ, sau khi cây mai được ghép ra hoa từ 10 cánh trở lên, có bông to, kích thước hoa từ 7-8 cm và độ bền kéo dài ít nhất 48 giờ.

Trước đây, việc ghép mai chủ yếu dựa vào kỹ thuật ghép bo từ 3-4 năm cây mai mới được bán ra thị trường. Khi bà Huyền áp dụng phương pháp ghép mai bonsai thì cây mai khoảng 2 năm đã được xuất ra thị trường mang lại hiệu quả cao hơn trong việc lai tạo giống và cải thiện chất lượng hoa.

Theo bà Huyền, thách thức lớn nhất của nghề làm mai chính là thời tiết. Đặc biệt là vào hai tháng cuối năm, thời tiết thất thường. Trời mưa dai dẳng thì hoa dễ nở sai ngày, trời nhiều sương muối thì nụ hoa dễ bị nứt bụng.

“Khó khăn này khiến các nhà vườn mất trắng, thậm chí phải đền hợp đồng khi xuất hàng đi xa, đặc biệt là xuất khẩu sang Campuchia. Vì vậy, tôi luôn phải cẩn trọng trong việc tính ngày lặt lá” - bà Huyền nói.

Hai tháng cuối năm, bà Huyền lo lắng nhất là thời tiết. Nếu không nắng, trời mưa, hoặc sương muối về đêm, cây mai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến nở sớm hoặc bị hỏng nụ. Ảnh: HẢI NHI

Cạnh đó, bà Huyền đã áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho các chậu mai nhỏ và kéo ống nước để tưới từng cây lớn. Nhờ vậy mà mỗi năm bà tiết kiệm được 36 triệu đồng tiền nước.

“Tôi luôn tham gia đầy đủ các buổi hội thảo do Hội Nông dân phường hoặc thành phố tổ chức. Sau đó, tôi hướng dẫn lại cho anh em trong nghề, hỗ trợ cây giống và cách ghép phôi cho ai muốn học hỏi. Có ít ủng hộ ít, có nhiều ủng hộ nhiều, ai cũng học hỏi lẫn nhau” - bà Huyền cho hay.

Với mô hình trồng mai bonsai và kiểng cổ trên diện tích canh tác 8.000m², mỗi năm, sản lượng của bà Huyền đạt trên 1.500 gốc mai các loại, mang lại doanh thu từ 2,5 tỉ đến 3 tỉ đồng. Lợi nhuận bình quân hàng năm dao động từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng.

Tạo việc làm cho nhiều người

Để làm vườn mai quanh năm, bà Huyền thuê 6 lao động với mức lương hàng tháng là 15 triệu đồng và bắt đầu thuê lao động thời vụ từ tháng 10 âm lịch cho đến hết tháng Giêng.

Vào 30 Tết, bà Huyền bao xe đưa đón lao động về quê ăn Tết, đồng thời bao ăn uống cho họ. Ngoài ra, bà Huyền còn chu đáo chuẩn bị bữa ăn sáng và trưa cho nhân công.

“Tiền Tết giống như tiền lì xì, lao động nhận nguyên tháng lương từ 15 đến 23 triệu đồng” - bà Huyền nói.

Gắn bó với vườn mai của bà Huyền gần 10 năm, anh Huỳnh Văn Ngà (quê Vĩnh Long) cho biết: “Tôi thích công việc chăm sóc cây trồng. Môi trường làm việc tại vườn mai này rất sạch sẽ, thoáng mát. Bà Huyền rất thương người lao động, luôn động viên tinh thần, hướng dẫn chi tiết từng công đoạn và kỹ thuật chăm sóc cây. Bà ấy coi chúng tôi như con cháu trong nhà. Nếu tôi làm công ty này, có thể không đủ sống nỗi.

Vào những dịp gần Tết, tôi còn hỗ trợ vé xe về quê ăn Tết và thưởng tiền Tết” - anh Ngà chia sẻ.

Ông Hồ Thanh Phú, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tam Phú (TP Thủ Đức), cho biết phường hội thường xuyên tạo điều kiện cho các hộ tham gia các triển lãm, cuộc thi và mở lớp hỗ trợ nghề. Trong đó có các khóa cải tạo vườn mai và kỹ thuật ghép mai do Trung tâm Dạy nghề Công nghệ cao phụ trách.

Ông Hồ Thanh Phú, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tam Phú (TP Thủ Đức) thăm vườn mai của bà Huyền. ẢNH: NHƯ NGUYỆT

“Sự thành công của các nhà vườn phụ thuộc vào việc bán được sản phẩm với giá tốt. Về mặt kỹ thuật ghép mai cho bông đẹp, cánh giữ lâu và phương pháp ghép đọt giúp ra bông nhanh là những thành tựu nổi bật mà bà Huyền đã tự tìm tòi và phát triển” - ông Phú cho hay.

Ngoài ra, bà Huyền còn giải quyết việc làm cho 5-10 lao động địa phương, hỗ trợ trong việc vận chuyển mai, lặt lá và chăm sóc cành.

Theo ông Phú, trong thời đại hiện nay, người nông dân không chỉ cần kiến thức về nghề mà còn phải có nền tảng kinh doanh vững chắc, quản lý dòng tiền và nhân công. Làm nông dân bây giờ không còn đơn giản như xưa.

Ông Châu Thanh Nhã, Chủ tịch Hội Nông dân TP Thủ Đức cho hay ông rất ấn tượng với mô hình trồng mai bonsai - kiểng cổ của bà Huyền.

"Lợi nhuận hàng năm bà Huyền thu nhập tại vườn mai rất cao. Bà Huyền đã áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên nước. Bà Huyền là nông dân dám nghĩ, dám làm và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.

Dù làm nông nhưng bà Huyền vẫn luôn bảo vệ môi trường nông thôn và tích cực vận động người dân cùng thực hiện" - ông Nhã nói và cho biết thêm bà Huyền đã tham gia trao tặng đóng góp 3 suất học bổng trị giá 6 triệu đồng, hỗ trợ kinh phí tết nghĩa tình cho khu phố các dịp lễ và tham gia phiên chợ “0 đồng” hàng năm hỗ trợ với số tiền 21 triệu đồng.

HẢI NHI - NHƯ NGUYỆT

Tin khác