1. Kinh doanh

Nông dân Hoàng Văn Câu làm giàu từ nuôi bò vỗ béo

Đưa chúng tôi đến thăm trang trại nuôi bò vỗ béo cách nhà hơn 5km, anh Câu kể: “Quê tôi ở huyện Pắc Nậm (tỉnh Bắc Kạn). Đất đai ông cha để lại cũng có nhưng đa phần là đất đồi dốc, bạc màu nên trồng cây gì cũng khó phát triển. Năm 2011, tôi vào xã Ia Piơr thăm người thân, thấy đất đai ở đây thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế nên thuyết phục vợ rời quê đi lập nghiệp”.

Anh Câu bên đàn bò của gia đình. Ảnh: P.D

Vợ chồng anh dùng toàn bộ số tiền mang theo mua 2ha đất trồng mì. Thời gian rảnh, vợ chồng anh làm thuê để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Nhận thấy đồng cỏ rộng lớn, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, anh vay vốn ngân hàng 30 triệu đồng và mượn người thân 10 triệu đồng để mua 1 cặp bò mẹ con. Bốn năm sau, anh bán toàn bộ số bò sinh sản được 90 triệu đồng và chuyển sang kinh doanh quần áo may sẵn.

Anh mua 1 chiếc xe ô tô bán tải nhỏ, cùng vợ rong ruổi đến các thôn, làng trong và ngoài huyện để bán quần, áo may sẵn; chủ yếu là trang phục truyền thống của dân tộc H’Mông.

“Vợ mình có nghề may nên ngoài may đo theo yêu cầu thì may sẵn để bán. Phần khác, mình tìm nhập các nguồn hàng về bán theo nhu cầu thị trường. Mình muốn giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc đến với nhiều người. Nhưng có lẽ, mình chỉ hợp với chăn nuôi, buôn bán gia súc còn quần áo đẹp thì không”-anh Câu cười nói.

Thay vì tiếp tục nuôi bò sinh sản, anh Câu chuyển sang mô hình nuôi bò đực vỗ béo. Đầu tiên, anh tìm mua 4 con bò đực gầy về nuôi, 8 tháng sau xuất bán, mỗi con lời 10 triệu đồng. Cứ thế, anh tăng dần số lượng đàn gia súc và đến năm 2020 thì mua 1ha đất làm trang trại, mở rộng quy mô chăn nuôi lên 60-70 con/năm. Đàn bò của gia đình anh được nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên ngoài đồng cỏ nên chi phí đầu tư không cao, bò lại vận động nhiều, chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng. Vì chăn thả tự nhiên nên anh luôn chú trọng phòng bệnh bằng việc tiêm phòng cho bò đầy đủ, theo định kỳ.

Anh Câu (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn đại biều của Hội Nông dân huyện Chư Prông dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh, giai đoạn 2022-2024. Ảnh: P.D

Năm 2023, gia đình anh bỏ ra số tiền gần 700 triệu đồng mua 68 con bò đực gầy về nuôi vỗ béo. Một năm sau, gia đình anh xuất bán được 1,3 tỷ đồng tiền bò và hơn 30 triệu đồng tiền phân. Năm 2024, gia đình anh tiếp tục duy trì trang trại với 73 con bò đực và nuôi thêm 30 con trâu đực vỗ béo bằng hình thức chăn thả tự nhiên.

Bà Phạm Thị Khuyên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Piơr: Nông dân Hoàng Văn Câu luôn tích cực, đi đầu trong các phong trào, hoạt động do Hội tổ chức. Ngoài ra, anh còn tham gia giải quyết việc làm cho một số lao động tại địa phương; chủ động chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và hỗ trợ con giống cho một số hộ dân trong làng.

“Tôi thuê 2 lao động nuôi ăn, ở tại trang trại để thuận tiện cho việc chăn thả, chăm sóc và phòng bệnh cho gia súc. So với nuôi bò thì nuôi trâu cho hiệu quả kinh tế cao hơn song trâu thường ưa nước và chỉ thích hợp sống ở địa hình bằng phẳng nên việc chăn nuôi khó hơn. Năm đầu tiên nuôi nên tôi chưa dám nói về hiệu quả”-anh Câu thông tin. Cùng với nuôi trâu, bò vỗ béo để phát triển kinh tế, gia đình anh còn trồng 2ha mì, mỗi năm cho thu 70-80 triệu đồng. Vợ anh mở cửa hàng may và bán trang phục truyền thống tại nhà để có thêm nguồn thu.

Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Khuyên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Piơr- nhận xét: Anh Hoàng Văn Câu là hội viên nông dân trẻ tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Thực hiện Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, anh Câu đã chủ động học hỏi, mạnh dạn áp dụng những mô hình, cách làm mới để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Mới đây, anh được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2022-2024.

PHƯƠNG DUNG

Tin khác