Nông dân 9X chế tạo ra máy gắp gỗ
Sinh năm 1992, khi đang học lớp 11 thì anh Luân xin gia đình cho nghỉ học để đi làm công nhân tại Công ty ở Bắc Giang. Bươn chải làm thuê mới thấy được sự vất vả của bố mẹ khi lao động bằng sức người, điều này càng thôi thúc anh Luân tìm hiểu nhiều hơn về máy móc, các phương tiện hỗ trợ giải phóng sức lao động mà tăng hiệu suất công việc. Lớn lên ở vùng nông thôn, gỗ rừng trồng là nguồn thu nhập mong chờ của mỗi gia đình nhưng mỗi lần khai thác mất nhiều thời gian, con người do phải vác từng cây lên xe. Vì vậy, qua các trang thông tin mạng xã hội nhìn thấy máy móc ở nước ngoài, anh Luân tự lên ý tưởng, phác họa bản thảo. Năm 2019, anh Luân bắt đầu tìm mua các loại thiết bị và lắp ghép trên chiếc máy kéo của gia đình.
Khi chúng tôi thắc mắc, một người không qua trường lớp đào tạo bài bản thì việc để một chiếc máy hoạt động sẽ thật khó. Anh Luân cười chia sẻ: Cũng rất khó khăn vì đều tự bản thân vừa học, vừa tự mày mò, tháo đi rồi lại lắp lại không biết bao nhiêu lần, chưa kể chi phí đầu tư cho các linh kiện tốn kém. Nhiều khi cũng thấy nản nhưng may mắn được gia đình ủng hộ, động viên bản thân lại được tiếp thêm đam mê. Bao công sức, hơn 1 năm chiếc máy gắp gỗ hoàn thiện và đi vào hoạt động cơ bản ổn định.
“Biểu diễn” cho chúng tôi xem cơ chế hoạt động, công năng của máy gắp gỗ. Chỉ nhìn thôi, chúng tôi không khỏi khâm phục, dây nối, khúc nối các khớp cần chuyên nghiệp. Anh Luân cho biết thêm: Việc sử dụng máy này cùng một thời gian vận chuyển gỗ thì sẽ bằng sức của 10 – 15 người. Có thể gắp khúc gỗ có đường kính tối đa 70cm. Máy gắp gỗ này có thể lắp trên các máy như máy cày, máy kéo, máy nông nghiệp nên phù hợp, cơ động với địa hình nhiều đồi tại địa phương.
Để nhiều người biết đến, anh Luân giới thiệu, quảng cáo qua trang facebook và nhờ người quen biết giới thiệu, từ khi máy hoạt động ổn định đến nay anh Luân đã sản xuất và bán được 15 chiếc cho khách hàng ở trong, ngoài tỉnh. Cứ có khách đặt thì anh Luân lại sản xuất, mất thời gian khoảng 15 ngày để hoàn thiện.
Anh Nông Văn Phát, thôn Cốc Sả, xã Quân Hà sở hữu xưởng gỗ bóc từ nhiều năm nay, hằng ngày tiêu thụ một sản lượng gỗ khá lớn nhưng với địa hình nhiều đồi nên việc vận chuyển khá khó khăn, nhất là gỗ có bán kính lớn. Sau khi được giới thiệu, anh quyết định đặt mua máy gắp gỗ do anh Triệu La Luân sản xuất.
Anh Phát cho biết: Gỗ rừng trồng nhiều lứa tuổi bán kính to, nhỏ khác nhau, khi đi thu mua gỗ bán kính lớn, tôi luôn phải thuê nhiều người đi hộ bốc lên xe. Từ khi mua máy này, với sự linh hoạt của cầu xoay đã giúp việc vận chuyển gỗ lên xe nhanh, một mình cũng có thể giải quyết được. Máy có thể gắp gỗ lên xe, sắp xếp gỗ thẳng hàng. Không chỉ gắp gỗ, gia đình còn sử dụng để gắp rác tại xưởng sản xuất, nhờ đó giảm sức lao động và thực hiện nhanh hơn rất nhiều.
Chiếc máy gắp gỗ này chỉ hoạt động được trong bán kính 5m. Vì vậy, anh Luân đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để gắp được ở tầm xa hơn khoảng 10m để có thể cơ động hơn với nhiều loại địa hình. Với sáng chế này, anh Luân mong muốn được các cấp, ngành đồng hành, hỗ trợ trong việc công nhận bản quyền và quảng bá. Khi không phải lo “sao chép” và nhiều người biết đến không chỉ giúp anh Luân mà còn tạo thêm việc làm cho thanh niên yêu thích ngành cơ khí tại địa phương./.
Hà Nhung