1. Kinh doanh

Nỗ lực làm lại cuộc đời

Từng có quá khứ lầm lỗi, phải trả giá bằng án phạt tù, nhưng với ý chí và quyết tâm hướng thiện, vươn lên trong cuộc sống, ông Đặng Thanh Sơn (52 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, H.Tân Phú) đã chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.

Ông Đặng Thanh Sơn (ngụ xã Phú Xuân, H.Tân Phú) bán thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho nông dân trong vùng. Ảnh: T.Tâm

* Vượt qua quá khứ lầm lỗi

Cửa hàng bán các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón của ông Sơn nằm ngay ngã ba đường giáp ranh giữa 3 xã: Phú Xuân, Phú An và Thanh Sơn (H.Tân Phú). Đây là mảnh đất có vị trí kinh doanh khá thuận lợi. Do đó, việc buôn bán của ông Sơn ngày càng phát đạt, cửa hàng được nhiều nông dân tin tưởng tìm đến mua hàng.

Hiện tại, ông Sơn có cuộc sống hạnh phúc bên gia đình và cửa hàng kinh doanh thuận lợi, nhưng không phải ai cũng biết ông đã có một quá khứ buồn, như là một bài học đắt giá cho tuổi trẻ bồng bột, nông nổi.

Vào khoảng năm 2000, ông Sơn từ một người làm nông lại tập tành đi buôn bán nhỏ lẻ, cứ có lời là làm. Đến năm 2005, ông Sơn quen biết một số đối tượng trộm cắp tài sản và thường mua xăng dầu của các đối tượng này đem đi bán lại kiếm lời. Sau khi nhóm đối tượng trộm cắp này “sa lưới”, ông Sơn bị bắt và lãnh án 6 tháng tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an H.Tân Phú, trung tá NGÔ MẠNH HÙNG cho biết, ông Đặng Thanh Sơn có quyết tâm hoàn lương rất mạnh mẽ nên bản thân không ngừng nỗ lực vươn lên làm ăn, làm giàu, trở thành người thành đạt, giúp ích cho gia đình và xã hội.

Sau 6 tháng ngồi tù, ông Sơn nhận ra lỗi lầm nên quyết tâm sau này phải làm ăn lương thiện. “Cơm áo gạo tiền” mang nhiều gánh nặng trên đôi vai của người đàn ông nên khi mới ra tù, để vợ và con có cuộc sống tốt hơn, ông đã chăm chỉ lao động và nghĩ nhiều hướng làm ăn khác nhau. Ban đầu, ông chọn việc thu mua các loại nông sản của người dân trong vùng như: tiêu, điều, trái cây… để bán lại cho thương lái. Tuy nhiên, việc buôn bán của ông thời gian này không được suôn sẻ.

“Người dân không hẳn là kỳ thị, nhưng họ lại không tin tưởng bán hàng cho tôi nên việc làm ăn rất khó khăn, nhiêu khê. Ai buôn bán đều có mối quen, còn tôi chân ướt chân ráo mới ra tù đi buôn bán nên chẳng mấy người tin, khó trăm bề” - ông Sơn bộc bạch.

Càng khó, ông Sơn càng cố gắng để tạo được niềm tin của nông dân trong vùng. Lâu dần, trời không phụ lòng người, ông đã nhận được sự hợp tác làm ăn của nhiều người, công việc từ đó ổn định hơn.

* Vươn lên làm giàu

Theo lời ông Sơn kể, với nông dân, “bài ca” được mùa mất giá, được giá mất mùa thường lặp lại khiến nhiều nông dân điêu đứng. Vào những năm “được mùa, mất giá”, nhiều mối lái không chịu vào thu mua hạt điều đã thu hoạch của nông dân. Lúc đó, ông Sơn đã đi vay mượn tiền rồi mua hạt điều giúp nông dân bớt khó khăn. Bắt đầu từ đó, ông tạo được lòng tin của nhiều người vì mua bán uy tín, giá cả ổn định.

“Lúc đầu tôi chỉ vay mượn được 12 triệu đồng và mỗi ngày chỉ mua được khoảng 5 tạ đến 1 tấn hạt điều. Càng về sau, khi tạo được lòng tin của người dân và có thêm vốn, tôi mua 25-30 tấn hạt điều/ngày. Không chỉ người dân tìm bán nông sản cho tôi mà nhiều thương lái cũng tìm đến tôi để mua lại nông sản” - ông Sơn cho biết thêm.

Công an H.Tân Phú đến thăm hỏi, động viên ông Đặng Thanh Sơn

Liên tục thu mua hạt điều trong hơn 6 năm, ông Sơn lại xoay vòng việc mua bán các loại trái cây theo mùa. Về nguồn vốn kinh doanh, ông Sơn kể chủ yếu do vay mượn và thậm chí bán cả nhà cửa để lấy vốn làm ăn. Sau khi hết thời thu mua hạt điều, ông Sơn bắt đầu gom được một số tiền lời trong quá trình làm ăn để mua được căn nhà hiện đang ở và chuyển hướng mở đại lý bán phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân vào khoảng năm 2014.

Việc mở đại lý buôn bán thuốc trừ sâu, phân bón cũng phải trải qua nhiều khó khăn, bởi lẽ ông Sơn chưa có chuyên môn về các loại hóa chất, phân bón. Do đó, ông đã bắt đầu đăng ký các khóa học về bảo vệ thực vật nhằm giúp tư vấn cho người dân chọn loại phù hợp.

“Người nông dân thường mua thiếu và đến cuối mùa thu hoạch họ mới có tiền trả. Nên muốn họ đạt được mùa vụ bội thu thì tôi phải biết cách tư vấn để mua loại phân bón giúp cây tăng trưởng tốt, chọn loại thuốc phù hợp phòng trừ sâu bệnh…” - ông Sơn chia sẻ thêm.

Vì cho nông dân mua hàng thiếu nên những nguồn vốn ban đầu của ông Sơn có được đều dồn vào mua thuốc và phân bón đem về bán thiếu cho nông dân, dẫn đến tình trạng kẹt vốn. Trong lúc đang khó khăn với nguồn vốn kinh doanh thì ông Sơn được Công an H.Tân Phú giới thiệu cho vay vốn Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh số tiền gần 50 triệu đồng.

Với nguồn vốn có thêm được trong lúc khó khăn, ông Sơn đã giải quyết được tình trạng thiếu vốn của bản thân và hoạt động kinh doanh cũng đi vào ổn định. Lâu dần, từ một người từng vào tù và hai bàn tay trắng, ông Sơn hiện có cơ ngơi lên đến tiền tỷ và một cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lớn nhất 3 xã với thu nhập mỗi năm hơn 500 triệu đồng.

Theo ông Sơn, ai cũng có những lỗi lầm nhưng nếu dám bỏ hết quá khứ buồn và quyết tâm làm lại từ đầu sẽ luôn được mọi người giúp đỡ, xã hội đón nhận.

Tố Tâm

Tin khác