Đầu năm đặt mục tiêu, cuối năm đổ bể
"Trong năm nay, tôi hứa sẽ tiết kiệm được 100 triệu đồng".
"Năm nay, tôi sẽ học một chứng chỉ mới, đưa cha mẹ đi du lịch Phú Quốc và mua máy tính cho em trai".
Đầu năm 2022, nhiều người tự lên kế hoạch, xác định mục đích mới và thứ tự ưu tiên của năm.. Tuy nhiên, cận kề cuối năm, không phải ai cũng có thể làm được tất cả mục tiêu mà mình nghĩ đến.
Zing trò chuyện cùng 4 bạn trẻ, những người từng có dự định khác nhau, để lắng nghe câu chuyện và những khó khăn của từng người trong việc hoàn thành kế hoạch từ đầu năm.
Công việc chông chênh
Ngọc Chi (25 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM), nhân viên hành chính nhân sự
Còn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, nhưng tôi không muốn về nhà. Gia đình luôn thúc giục chuyện kết hôn, sinh con. Trong khi đó, họ hàng lại liên tục hỏi tôi lương bao nhiêu, thưởng nhiều không và đã mua được gì cho cha mẹ.
4 năm qua, tôi chỉ làm việc tại công ty thời trang hiện tại, luân chuyển từ nhân viên bán hàng, quản lý cửa hàng, sang đào tạo nhân viên bán hàng rồi đến làm tuyển dụng nhân sự như hiện nay.
Đầu năm nay, tôi vạch ra kế hoạch xin nghỉ việc, dự định chuyển sang ngành truyền thông như sở thích. Tôi cho rằng ngành nghề này có mức lương tốt hơn, giúp tôi sống tốt hơn ở Sài Gòn.
Tuy nhiên, tìm kiếm được một công việc phù hợp ở thành phố lớn không phải chuyện dễ dàng. Tôi sợ trong thời gian tạm nghỉ để nhảy việc sẽ không còn tiền để trang trải cuộc sống. Giai đoạn lạm phát, tôi càng lo sợ cảnh hết tiền.
Chính vì vậy, tôi đành gác lại kế hoạch theo đuổi đam mê và ở lại công ty cũ, chấp nhận mức lương 12 triệu đồng nhiều năm không tăng và tiếp tục đặt kế hoạch nghỉ việc vào năm sau.
Chưa năm nào những suy nghĩ về công việc và sự nghiệp trong tôi lại chông chênh tới thế.
Khó mua xe máy mới
Mạnh Cường (24 tuổi, quận 7, TP.HCM), nhân viên marketing
Vốn là một người đam mê tốc độ, tôi mong muốn sở hữu chiếc xe máy phân khối lớn KTM Duke 390 vào ngày sinh nhật năm nay.
Theo tôi tìm hiểu, chiếc xe này có giá bán khoảng 200 triệu đồng, nhưng chỉ cần 130 triệu đồng đã mua được loại sang tay.
Tôi dự định mua chiếc xe cũ để giảm bớt chi phí. Những ngày đầu năm, tôi ước tính con số này nằm trong khả năng tài chính của mình.
Tuy nhiên, chỉ còn 2 tháng cuối năm, tôi vẫn chưa có đủ tiền và biết chắc không thể thực hiện mọi chuyện theo đúng kế hoạch.
Tôi thừa nhận mình đã không tập trung vào mục tiêu lớn nhất. Tôi sử dụng tiền tiết kiệm mua xe để mua laptop, điện thoại mới và đi du lịch.
Thậm chí, trong năm qua, tôi đã chuyển sang công ty khác với mức lương cao hơn, nhưng thói quen mua sắm, đầu tư vào đồ công nghệ khiến số tiền tiết kiệm của tôi vơi dần.
Chiếc xe, không đơn thuần là một vật di chuyển, còn là minh chứng cho việc tôi không có khả năng tiết kiệm, cân đối tài chính hoặc lên kế hoạch tiền bạc.
Rút bài học từ năm nay, tôi đặt ra mục tiêu cho năm sau đó là phải chi tiêu dè sẻn, đồng thời học cách đầu tư sinh lời.
Sức khỏe xuống dốc Đình Trọng (30 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), giám đốc thiết kế hình ảnh
Năm 2022, tôi và vợ đặt mục tiêu du học và định cư nước ngoài với mong muốn con gái mình sẽ được tiếp cận với nền giáo dục quốc tế.
Thế nhưng đã cuối năm, vợ chồng tôi vẫn chưa thể xuất cảnh mặc cho hoàn thiện đủ giấy tờ theo quy định. Dịch bệnh và các yếu tố sức khỏe phát sinh khác chính là rào cản lớn nhất của gia đình tôi ở thời điểm này.
Tôi còn nhớ hồi đầu năm, bản thân tự hứa phải tham gia khâu sản xuất của những chương trình hoa hậu lớn nhất cả nước như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hòa Bình và Hoa hậu Việt Nam.
Tôi cho rằng mục tiêu này sẽ giúp mình có được thù lao khá, đồng thời thỏa mong ước từ nhiều năm qua.
Tuy nhiên, chỉ vừa làm được 3/4 sự kiện kể trên, tôi phải xin nghỉ việc dài hạn vì sức khỏe không cho phép.
Tôi yếu đi trông thấy, không còn dẻo dai như trước. Việc đặt mục tiêu quá lớn mà chưa đánh giá mức độ khả thi khiến tôi không cân bằng được công việc và cuộc sống.
Dù cho những dự định lớn nhất trong năm qua của tôi đều đổ vỡ, nhưng bù lại, tôi có cơ hội để nhận ra rằng sức khỏe thể chất và tinh thần mới là điều quan trọng nhất với mình ở thời điểm hiện tại.
Giảm cân thất bại Hoàng Tuấn (24 tuổi, quận 3, TP.HCM), nhân viên truyền thông
Hiện tại tôi đã cán mốc 75 kg. Đây là cân nặng lớn nhất của tôi từ trước đến nay.
Tôi biết rõ việc quá nặng ký sẽ gây những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ. Ngoại hình thiếu cân đối cũng khiến tôi không tự tin giao tiếp như trước đây và cơ thể trở nên nặng nề.
Khoảng thời gian giữa năm 2021, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, tôi giảm được 15 kg nhờ thường xuyên tập thể dục.
Khi quay lại cuộc sống thường ngày, tâm lý của tôi có phần chủ quan hơn. Tôi cho phép bản thân ăn uống, tụ tập thoải mái với bạn bè, đồng nghiệp. Những cuộc vui với rượu, bia, đồ ăn nhanh cũng khiến cân nặng của tôi trở nên mất kiểm soát.
Đầu năm 2022, tôi đã đề ra mục tiêu chỉ còn 65 kg.
Thế nhưng đến nay, việc cân nặng xuống mức mong muốn vẫn là chuyện rất khó khăn với tôi. Tôi nghĩ việc này phần lớn đến từ tâm lý trì hoãn và không quyết tâm.
Tôi vẫn đóng tiền thẻ phòng tập gym 6 tháng/lần. Tuy nhiên, mỗi tuần, tôi chỉ cố đi tập được một buổi. Số ngày tập ít ỏi này không thể khiến ngoại hình của tôi có sự thay đổi.
Tôi biết vấn đề của mình nằm ở đâu, tuy nhiên vẫn chưa tìm ra động lực để thực hiện nó một cách nghiêm túc. Tôi hay lấy lý do công việc mệt mỏi để trì hoãn những buổi tập và cho phép mình ăn uống thoải mái.
Hiện tại, tôi đang nghĩ đến chuyện thuê huấn luyện viên thể hình riêng. Quyết định này sẽ khiến tôi tiêu tốn khoảng 5 triệu đồng/12 buổi tập. Tôi hy vọng việc tốn kém này có thể khiến mình quyết tâm hơn.
Mỹ Trinh
Đồ họa: Yến Nhi