Tại Singapore, tiền xin giấy phép sở hữu xe máy còn đắt hơn mua xe
Theo dữ liệu từ Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore, chi phí cấp giấy phép sở hữu xe máy tại quốc gia này đã tăng hơn 200% trong 4 năm và thậm chí cao hơn giá một chiếc xe máy loại thường tại Singapore. Hãng Bloomberg so sánh chi phí giấy phép sở hữu xe máy là 12.801 đô la Singapore (hơn 226 triệu VNĐ), cao hơn giá của một chiếc xe giá rẻ cho người mới đi xe máy là 5.000 đô la Singapore.
Trong khi đó, chi phí gia hạn giấy phép COE tại Singapore hiện ở mức 11.000 đô la Singapore, tuy vẫn thấp hơn chi phí cấp giấy phép mới, nhưng đã tăng gấp 6 lần so với thập kỷ trước.
Chính phủ Singapore giới hạn số lượng giấy phép sở hữu phương tiện (COE) để hạn chế số lượng ô tô, xe máy lưu thông. Tính tới tháng 9, quốc gia này giới hạn số lượng xe máy là 142.000 phương tiện, số lượng ô tô là 650.000 xe.
Theo ông Nathan Peng, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Quản lý Singapore, việc Chính quyền Singapore tăng giá COE sẽ ảnh hưởng tới lái xe giao hàng, những người dựa vào xe máy phân khúc thấp để mưu sinh.
Theo Bloomberg, không chỉ chủ sở hữu xe máy phải trả mức phí COE cao hơn mà những người thuê xe cũng có thể phải trả giá thuê phương tiện cao hơn. Nhiều lái xe giao hàng tại Singapore thuê xe từ công ty tư nhân hoặc từ công ty giao đồ ăn như Grab để phục vụ công việc.
Theo hãng tin Straits Times, một số công ty cho thuê xe máy tại Singapore đang cân nhắc tăng giá cho thuê để bù chi phí COE tăng. Công ty GigaRider cho biết có thể tăng giá thuê thêm 10% vào quý đầu năm 2023 với khách hàng công ty. Trên trang web chính thức, Grab thông báo giá thuê xe có thể tăng vì chi phí COE tăng.
Bên cạnh việc tăng chi phí COE với xe máy, giấy phép sở hữu ô tô với người mới mua xe ở Singapore hiện cũng cao hơn 80.000 đô la Singapore, gần gấp ba chi phí năm 2018.
Theo ông Peng, tăng giá COE sẽ tác động tới tình trạng bất bình đẳng xã hội vốn đã có khoảng cách giàu - nghèo rõ rệt tại Singapore.
Không chỉ vậy, theo dữ liệu từ Bộ Thống kê Singapore, chi phí của hoạt động giải trí, văn hóa tại đảo quốc này vào tháng 9 cũng tăng cao nhất trong 40 năm qua. Chi phí ăn uống tại các khu ẩm thực đường phố cũng tăng 7,9%, mức tăng cao nhất kể từ khi Bộ Thống kê Singapore công bố số liệu vào năm 2020. Chi phí nuôi thú cưng tăng 5,2% so với một năm trước; chi phí đi du lịch tăng 8,4%. Giá bột mì, mì sợi tăng kỷ lục.
Trước tình trạng chi phí sinh hoạt tăng, lạm phát tăng cao nhất trong 14 năm qua, chính quyền Singapore đã thắt chặt chính sách tiền tệ tới 4 lần, tính riêng trong năm nay. Trong tháng này, Singapore đã công bố gói giảm lạm phát trị giá 1,06 tỷ USD.
Hoàng Anh (Theo Bloomberg)