1. Kinh doanh

Những tỷ phú Trung Quốc đi lên từ nghèo khó

Trương Nhân

Được biết đến với biệt danh “Nữ hoàng giấy”, bà Trương Nhân khởi đầu sự nghiệp bằng công việc thu thập giấy vụn và trở thành người giàu nhất Trung Quốc vào năm 2006, là người phụ nữ đầu tiên đạt được danh hiệu này.

“Nữ hoàng giấy” Trương Nhân. (Ảnh: The Paper)

Sinh năm 1957 tại Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, bà Trương có tuổi thơ cơ cực và phải gánh vác nhiều trách nhiệm khi là chị cả trong gia đình có bảy anh chị em.

Sau khi tốt nghiệp đại học, bà từ bỏ công việc trong lĩnh vực tài chính ở thành phố Thâm Quyến rồi chuyển đến Hong Kong khởi nghiệp với chỉ 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng), bắt đầu bước chân vào ngành kinh doanh tái chế giấy vụn.

Bà Trương hiện là chủ tịch của tập đoàn giấy Cửu Long Trung Quốc và có trị tài sản ròng là 24,5 tỷ nhân dân tệ (87,1 nghìn tỷ đồng) tính đến tháng 3/2024.

Từ Liên Tiệp

Từ Liên Tiệp, 71 tuổi, được mệnh danh “Bố già doanh nghiệp Mân Nam” và từng là người giàu nhất tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. Ông ban đầu chỉ là một lao động bình thường ở nông thôn và sau đó trở nên giàu có nhờ bán băng vệ sinh.

Lĩnh vực kinh doanh này đưa tập đoàn quốc tế Hằng An của ông đạt giá trị thị trường là 60 tỷ nhân dân tệ (213,5 nghìn tỷ đồng), với doanh thu hàng năm hơn 20 tỷ nhân dân tệ (71,1 nghìn tỷ đồng).

Ông Từ Liên Tiệp đổi đời nhờ nhận ra ưu điểm và sự tiện lợi của băng vệ sinh. (Ảnh: The Paper)

Ông Từ sinh năm 1953 trong một gia đình nông thôn nghèo ở Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến. Không học hết tiểu học, ông Từ làm nông từ nhỏ, bán mọi thứ từ trái cây, trứng và rau củ, cho đến kéo xe kéo.

Cơ hội đổi đời đến khi ông Từ nhìn thấy tiềm năng lớn trong thị trường băng vệ sinh, nhận thấy ưu điểm và sự tiện lợi của sản phẩm này so với giấy cỏ được sử dụng ở Trung Quốc thời bấy giờ.

Năm 1985, ông Từ thành lập công ty Hằng An, bắt đầu kinh doanh băng vệ sinh sau khi được một người bạn giới thiệu sản phẩm băng vệ sinh Hong Kong.

Trung Quốc khi đó quan niệm tiêu dụng vẫn còn lạc hậu và mức chi tiêu yếu, việc mua bán băng vệ sinh được coi là chuyện xa lạ và những người có đủ tiền mua thì ngại ngùng.

Ông Từ vững tin rằng phụ nữ cũng cần đảm bảo sức khỏe và điều đó đòi hỏi phải sử dụng băng vệ sinh. Ông không ngừng quảng cáo rộng rãi quan điểm này, không ngừng kêu gọi phụ nữ từ bỏ lối sống cũ và bước vào cuộc sống mới. Cái tên Hằng An cũng trở nên phổ biến trong cuộc sống người dân Trung Quốc.

Theo ước tính của Hurun, giá trị tài sản ròng của ông Từ đạt 10,5 tỷ nhân dân tệ (37,3 nghìn tỷ đồng) vào năm 2024.

Trương Tuấn Kiệt

Trương Tuấn Kiệt, doanh nhân 31 tuổi đến từ tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, là người sáng lập và giám đốc điều hành của CHAGEE, một trong những thương hiệu trà sữa nổi tiếng nhất Trung Quốc.

CHAGEE trở nên nổi tiếng hơn sau khi nhà vô địch quần vợt Olympic Trịnh Khâm Văn trở thành đại sứ thương hiệu, với doanh số đạt hơn 10,8 tỷ nhân dân tệ (38,4 tỷ đồng) vào năm 2023.

Trương Tuấn Kiệtmồ côi từ năm 10 tuổi và vẫn duy trì lối sống tiết kiệm dù trở nên giàu có. (Ảnh: The Paper)

Trương Tuấn Kiệt mồ côi cha mẹ từ năm 10 tuổi và sống vô gia cư trong bảy năm, chỉ học đọc và viết khi 18 tuổi.

Năm 2010, Trương bắt đầu làm việc tại một chuỗi cửa hàng trà sữa ở Đài Loan và thăng tiến từ vị trí trợ lý lên quản lý cửa hàng, giám sát khu vực và sau đó là trưởng khu vực.

Tháng 6/2017, Trương trở về quê nhà Côn Minh để thành lập CHAGEE, công ty nhanh chóng đạt được thành công to lớn trên thị trường đại lục.

Mặc dù trở thành tỷ phú, Trương vẫn giữ lối sống tiết kiệm, được cho là không sở hữu bất động sản hay ô tô và chi tiêu sinh hoạt ở mức tối thiểu.

Vu Đông Lai

Vu Đông Lai, 58 tuổi, thường được gọi là "ông chủ ngốc nghếch nhất Trung Quốc", Ông sinh ra trong gia đình nông dân và chỉ học hết cấp 2.

Ông Vu Đông Lai là một trong số ít những người phản đối quan niệm "chịu khổ để thành công". (Ảnh: The Paper)

Ông Vu nổi tiếng vì luôn ưu tiên phúc lợi của nhân viên, chẳng hạn như đưa ra chế độ "nghỉ không vui", cho phép nhân viên tự quyết định thời gian nghỉ ngơi của mình và thành lập "quỹ khiếu nại" bồi thường cho nhân viên từ 5.000 - 8.000 nhân dân tệ (17 - 28 triệu đồng) nếu họ bị khách hàng đối xử tệ.

Ông Vu khởi nghiệp với một cửa hàng tạp hóa rộng 40 m2 vào năm 1995. Đến năm 1997, ông chuyển hướng sang kinh doanh thuốc lá và rượu, cuối cùng thành lập nên đế chế bán lẻ Pang Dong Lai.

Hiện công ty có 13 cửa hàng tại Hứa Xương và Tân Hương, là những thành phố cấp ba và bốn ở miền trung tỉnh Hà Nam, và được biết đến là “thiên đường của khách hàng” nhờ dịch vụ chăm sóc chu đáo.

Ông Vu tin rằng một doanh nhân thực thụ phải “khỏe mạnh, hạnh phúc và vô tư”. Ông từng gây ấn tượng với phát biểu: “Chúng tôi chỉ trung thực và tử tế hơn một chút. Nếu điều này khiến bạn trở thành huyền thoại thì thật đáng buồn”.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Tin khác