1. Kinh doanh

Những 'triệu phú' mang họ Bác Hồ

Đi lên từ hỗ trợ của Nhà nước

Đến xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, không ai là không biết đến ông Hồ Ngọc Trai ở thôn Xung Phong. Họ bày tỏ sự nể phục với ông Trai vì đó là tấm gương sáng của một người đồng bào dân tộc thiểu số cần cù, chịu khó tìm tòi, mạnh dạn, quyết đoán trong làm ăn và ông sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm để bà con cũng được thành công như mình.

Đàn bò hàng chục con của ông Hồ Ngọc Trai mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình - Ảnh: L.T

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trai nhớ lại: “Sau khi lập gia đình, cuộc sống 2 vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn, phải đi làm thuê để lo cơm từng bữa. Năm 1997, nhờ có chính sách hỗ trợ của địa phương, gia đình ông được nhận 1 ha đất trồng cây cao su; được tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và nhận hỗ trợ hơn 1,6 triệu đồng chi phí hỗ trợ chăm sóc”.

Sau một thời gian, nhận thấy cây cao su phù hợp và phát triển tốt, ông tiếp tục vay vốn để trồng thêm 1 ha cao su và 4 ha tràm. Với bản tính chăm chỉ, chịu khó, cả gia đình ông tập trung chăm sóc cho rừng tràm và vườn cao su.

Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật và ảnh hưởng của thời tiết nên những vụ đầu năng suất đạt mức thấp chỉ đủ trang trải chi phí đầu tư. Không nản lòng, ông Trai tiếp tục đăng ký các khóa tập huấn, tìm hiểu thêm sách báo và đi học kinh nghiệm thực tế nên những vụ sau, vườn cao su và rừng tràm gia đình ông đã tạo nguồn thu nhập ổn định.

Nhưng sự quyết tâm và ý chí làm giàu của ông Hồ Ngọc Trai chưa dừng lại ở đó. Sau khi trả hết các khoản vay ngân hàng, ông tiếp tục đầu tư để chăn nuôi và mở rộng diện tích trồng rừng, cao su. Đến nay, gia đình ông phát triển 10 ha tràm, gần 4 ha cao su đang khai thác và đàn bò 17 con. Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu của bà con trồng rừng cần phương tiện máy móc để làm đất và khai thác, từ năm 1997, ông Trai đầu tư thêm một máy múc ủi trị giá trên 600 triệu đồng và 1 xe ben để kinh doanh dịch vụ.

Khi mới làm, ông phải thuê nhân công phụ, đến nay, các con của ông đã lớn và lập gia đình nên việc vận hành máy móc và phương tiện này ông giao lại các con. Đầu năm 2024 vừa qua, để mở rộng quy mô, các con ông đã đầu tư thêm máy xúc ủi trị giá 800 triệu đồng.

Bằng sự quyết tâm, mạnh dạn trong làm ăn, ông Hồ Ngọc Trai đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Từ kinh tế ổn định, ông Trai xây dựng được nhà cửa khang trang, mua 2 xe ô tô con và quan trọng là 4 người con của ông được học hành đến nơi đến chốn và nay đã thành đạt. Nhiều người dân trong thôn Xung Phong xem ông Trai như lão nông “triệu phú” có tấm lòng cao cả vì những bày vẽ trong cách làm ăn để họ học tập noi theo mà thay đổi cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khê Dương Xuân Lập cho biết, không chỉ giỏi trong làm ăn, ông Hồ Ngọc Trai còn là Chủ nhiệm HTX thôn Xung Phong trong 8 năm và hơn 10 năm làm Bí thư chi bộ thôn với những cống hiến xuất sắc. Chính ông Trai là tấm gương sáng trong thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi để triển khai các mô hình có hiệu quả kinh tế hơn.

Ông cũng là “cầu nối” để bà con học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ nguồn vốn không lãi... Nhờ đó, thôn Xung Phong nói riêng và xã Vĩnh Khê nói chung đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Hộ ông Hồ Ngọc Trai chính là điển hình cho sự cần cù, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở những hỗ trợ ban đầu của Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương.

Chủ đại lý vật liệu xây dựng uy tín

Đến xã Lìa, huyện Hướng Hóa rất dễ dàng để tìm được nhà anh Hồ Văn Đào ở thôn A Sóc Lìa, bởi lẽ chỉ cần nhắc đến tên cửa hàng vật liệu xây dựng Thương Đào thì người dân ở đây ai cũng biết. Trong căn nhà khang trang nằm cạnh tuyến đường chính ở xã Lìa, anh Đào nhớ lại quá trình vượt khó để có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Cửa hàng vật liệu xây dựng của anh Hồ Văn Đào chuyên sản xuất gạch block nên tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương - Ảnh: L.T

Anh kể, năm 2007, tôi lập gia đình với hai bàn tay trắng. Thời điểm đó, nhận thấy bà con trong vùng trồng sắn, chuối và rừng tràm nhiều nhưng phải thuê phương tiện nơi khác để vận chuyển tiêu thụ mỗi khi khai thác. Nên vào năm 2011, tôi vay mượn đầu tư 1 chiếc xe tải qua sử dụng để chở sắn, tràm, chuối phục vụ người dân.

Trong thời gian này vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa và vật liệu xây dựng của bà con trên địa bàn ngày càng lớn, nhất là những khu vực đường giao thông khó khăn rất cần có phương tiện và người am hiểu địa hình nên tôi mạnh dạn vay ngân hàng để mua thêm xe tải, đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua xe xúc ủi, máy đúc gạch bờ lô... và thành lập đại lý cung cấp vật liệu xây dựng, hàng gia dụng.

Ban đầu, do vốn ít và kinh nghiệm chưa có nên cơ sở vật liệu xây dựng và hàng gia dụng của gia đình anh Đào chỉ buôn bán một vài mặt hàng về đồ mộc, xây dựng và vật liệu xây dựng cơ bản. Quá trình làm ăn, nhờ tính chịu khó tìm tòi, học hỏi và biết tính toán, nắm bắt nhu cầu của người dân và quan trọng là lấy được uy tín nên cơ sở kinh doanh của anh ngày càng ổn định và hiệu quả. Hiện tại, đại lý vật liệu xây dựng và cơ sở hàng gia dụng của anh có quy mô tương đối lớn trong vùng Lìa với nhiều xe tải, máy công trình...tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 9 lao động địa phương với mức lương từ 8-9 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ năng động trong làm ăn, với tính cách hiền lành, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn nên anh Hồ Văn Đào nhận được sự yêu mến, quý trọng của bà con, vì thế từ năm 2015 đến nay anh được Đảng ủy xã Lìa tin tưởng, tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ thôn A Sóc Lìa.

Trên cương vị bí thư, anh Hồ Văn Đào luôn đưa ra các chủ trương sát đúng, được người dân đồng thuận và chung tay thực hiện mang lại hiệu quả cao. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững. Nhờ kinh tế ổn định và có đầy đủ phương tiện nên sau mỗi đợt mưa lũ đi qua, anh tự nguyện bỏ kinh phí cùng với người dân khắc phục các hư hỏng đường sá trong thôn, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn...

Vùng Lìa (Hướng Hóa) nhìn từ trên cao - Ảnh: L.T

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lìa Hồ A Dược cho biết, với vai trò là bí thư chi bộ, nhiều năm qua, anh Hồ Văn Đào đã tạo ra một “làn gió mới” trong tổ chức và hoạt động của chi bộ thôn A Sóc Lìa. Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt đảng và ý thức, trách nhiệm của các đảng viên trong chi bộ ngày càng nâng lên rõ rệt.

Đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi suy nghĩ, học hỏi cách làm và sự năng động, mạnh dạn của người bí thư chi bộ để gương mẫu đi đầu trong chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quan tâm hơn đến việc phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.

Đặc biệt, là bí thư chi bộ biết làm ăn và có kinh tế nên anh Đào là “điểm tựa” vừa tạo ra công ăn việc làm cho bà con vừa hỗ trợ, giúp đỡ họ khi gặp khó khăn, cần nguồn vốn hoặc mỗi khi thiên tai. Đây chính là động lực giúp bà con càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương cùng góp sức để xây dựng quê hương xã Lìa ngày càng giàu mạnh.

Lê Trường

Tin khác