Những 'phóng viên làm ruộng' ở Ấn Độ
“Quyền lực” của những chiếc micro
Ngày nào cũng vậy, cứ vào buổi sáng, một nhóm phụ nữ ở Nuh - huyện nghèo ở chân núi Aravali thuộc bang Haryana, miền Bắc Ấn Độ, lại tụ tập trong căn phòng quét vôi trắng với cửa sổ nhìn ra cánh đồng cải vàng. Họ chỉnh lại khăn trùm đầu khi ngồi quanh một cái bàn, ở giữa là một cái micro và chiếc loa hình bầu dục. Một trong số họ là người dẫn chương trình phát thanh trong ngày, nói bằng tiếng Urdu một cách rõ ràng: "Các bạn, hôm nay chúng ta sẽ trao đổi về một chủ đề cực kỳ quan trọng đối với tất cả mọi người". Tiếp theo là chương trình dài 30 phút về sức khỏe tâm thần. Sau đó, một nhà tâm lý học được đài mời bắt đầu thảo luận với nhóm phụ nữ trong phòng, nghe họ chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình.
Alfaz-e-Mewat (có nghĩa: Tiếng nói của người Mewati) là một đài phát thanh cộng đồng cung cấp sự kết hợp giữa liệu pháp nhóm, giáo dục, trao quyền cho phụ nữ và giải trí. Đối tượng nghe là khoảng 1 triệu người dân ở Nuh. Ở khu vực này, tỷ lệ phụ nữ biết chữ thấp nhất Ấn Độ và là nơi tình trạng tảo hôn phổ biến, kèm theo bạo lực đối với phụ nữ. Và đài phát thanh chính là tiếng nói của sự thay đổi. Bhagwan Devi - người phụ nữ 51 tuổi ở làng Bhadas đã được truyền cảm hứng từ những chương trình của đài Alfaz-e-Mewat cho hay, thời kỳ đại dịch COVID-19, đài phát thanh đã làm thay đổi thái độ của người dân với việc tiêm vaccine. Còn đối với những phụ nữ như bà, đài phát thanh đã truyền cảm hứng để các gia đình bắt đầu chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh sạch trong nhà. Bởi lẽ trước đó, người dân ở làng Bhadas chỉ quen sử dụng cánh đồng làm nhà vệ sinh. Nhưng trong khi đàn ông được tự do thải ra cánh đồng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày thì phụ nữ chỉ có thể ra ngoài khi đàn ông đã ngủ. “Đài phát thanh giúp chúng tôi nhận ra rằng, chúng tôi có thể mang lại sự thay đổi thực sự. Chúng tôi cũng có quyền bình đẳng như nam giới”, bà Devi cho biết.
Anjali Makhija, giám đốc điều hành Quỹ S.M. Sehgal - tổ chức phi lợi nhuận đã thành lập đài Alfaz-e-Mewat vào năm 2012 với khoảng 18.000 USD tiền tài trợ của chính phủ, cho biết, mục tiêu ban đầu là đưa ra các biện pháp bảo tồn nước và canh tác nông nghiệp tốt hơn vào chương trình phát thanh để hỗ trợ cộng đồng nông nghiệp này. Nhưng vì hầu hết công việc canh tác đều do phụ nữ đảm nhiệm, nên nhóm biết rằng để đạt được mục tiêu, trước tiên phải trao quyền cho phụ nữ, giúp họ có thể đưa ra quyết định tốt hơn về cuộc sống của chính mình. Nhưng chỉ 1/3 phụ nữ trong khu vực này biết chữ và có đến 90% trong số họ bỏ học trước khi lên 10 tuổi. Vì vậy, Quỹ S.M.Sehgal đã quyết định tặng phụ nữ trong vùng mỗi người một chiếc radio và sau đó thông báo rộng rãi việc tuyển dụng người dân địa phương làm phóng viên. Và những người như bà Devi đã rất hào hứng tham gia vì ở đây, họ vừa đóng vai trò người nghe; vừa làm nhiệm vụ tìm hiểu, tư vấn và phát hiện đề tài mới phù hợp với nhu cầu của nữ giới trong vùng.
Và làn sóng đài phát thanh toàn phụ nữ
Trong khi đó, tại Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu ở phía Nam Ấn Độ, Anna FM cũng đã trao tiếng nói cho những người không có tiếng nói, giáo dục và trao quyền cho phụ nữ nơi đây. Phát sóng ở tần số 90,4 MHz, Anna FM là một sáng kiến xã hội do Trung tâm nghiên cứu giáo dục và đa phương tiện (EMRC) của Đại học Anna thực hiện từ năm 2004. Đài phát thanh cộng đồng này là đứa con tinh thần của trưởng khoa Khoa học Truyền thông lúc bấy giờ, Tiến sĩ R. Sreedhar. Với máy phát công suất 50W và ăng-ten cao 30m, Anna FM có thể phủ sóng trong phạm vi bán kính 15km, tiếp cận được khoảng 4.000 - 5.000 người trong khu vực. Anna FM hiện nằm trong danh sách 24 đài phát thanh cộng đồng hàng đầu trong tổng số 364 đài phát thanh cộng đồng ở Ấn Độ.
Malliga Kaliappan, người đã làm tại Anna FM từ những ngày đầu cho hay, Anna FM là một trong 6 đài phát thanh ở Chennai. Khi cô đăng ký tham gia, Trung tâm nghiên cứu giáo dục và đa phương tiện của Đại học Anna đã cử các sinh viên đến đào tạo, giúp cô và những người khác thực hiện các chương trình. "Tôi đã được dạy cách nói chuyện với khán giả và phỏng vấn các chuyên gia, cách tránh tiếng ồn xung quanh và nhiều kỹ thuật khác nữa”, Malliga kể lại thời gian đào tạo của mình. Cũng theo Malliga, ban đầu, chương trình phát sóng của Anna FM chỉ kéo dài bốn giờ, nhưng đến nay đã tăng lên thành 12 giờ, từ 9h đến 21h hằng ngày. Ngoài các chương trình thường bằng tiếng Tamil để có thể phục vụ cho cộng đồng địa phương, đài còn có các chương trình hướng dẫn và giáo dục dành cho trẻ em bằng tiếng Anh. Một số lĩnh vực trọng tâm chính của các chương trình bao gồm trao quyền cho phụ nữ, các vấn đề xã hội, sức khỏe, môi trường, nhận thức khoa học và giáo dục cũng như phát triển nhân cách.
Người dân ở Chennai rất hài lòng với các chương trình của Anna FM. S Selvakumari, một nhân viên hành chính từ Velachery kể: “Nếu không có Anna FM, những người phụ nữ như tôi sẽ không bao giờ ra khỏi khu phố của mình. Năm 2007, tôi đã tham gia đài phát thanh mà không có sự cho phép của gia đình. Tôi thường lo sợ ai đó nhận ra mình mỗi khi vào và ra khỏi Đại học Anna”.
Thống kê cho thấy, radio là thiết bị điện tử tiết kiệm nhất để phá vỡ rào cản của nạn mù chữ, sự cô lập và trở thành phương tiện truyền thông được ưa chuộng đối với người dân tại các vùng nông thôn nghèo, vùng sâu vùng xa ở Ấn Độ. Trong phát thanh, radio cộng đồng là một tầng thứ ba quan trọng khác với radio thương mại và dịch vụ công cộng. Vì thế, ở bang Telangana, phía Trung Nam Ấn Độ, làn sóng đài phát thanh toàn phụ nữ ngày càng phát triển. Như đài phát thanh Sangam hiện phủ sóng gần 150 ngôi làng trong Sangareddy, bang Telangana. Với các chương trình chứa đầy thông điệp xã hội, bài hát dân gian, mẹo về nông nghiệp và sức khỏe, tiểu phẩm và thông tin về các lễ hội cũng hội chợ địa phương, đài phát thanh Sangam thường phát 2 tiếng mỗi ngày (19h-21h) và được hình thành, thực hiện bởi các thành viên của các nhóm phụ nữ.
H Narsamma và Algole Narsamma đảm nhiệm nhiều vai trò như phóng viên, nhà sản xuất, phát thanh viên và quản lý đài. Hành trình của họ thật gian nan. Nhưng may nhờ có sự giúp đỡ của tổ chức phi chính phủ địa phương Deccan Development Society (DDS), chương trình phát sóng của đài Sangnam tại đây mới được thực hiện.
Huyền Chi