1. Kinh doanh

Những nỗ lực trở thành Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024

Không giấu được niềm vui và tự hào khi vinh dự là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024, anh Phạm Thành Lợi (sinh năm 1987), Giám đốc HTX nông nghiệp, chăn nuôi và đồ gỗ mỹ nghệ Hòa Phong khẳng định: Việc thành lập HTX là quyết định đúng đắn và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho tất cả các thành viên.

Anh Lợi cho biết: Hòa Phong từ lâu đã nổi tiếng với nghề mộc và sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ. Toàn xã có trên 100 xưởng mộc lớn nhỏ, trong đó tập trung nhiều ở các thôn: Vân Dương, Thuần Mỹ, Phúc Miếu và Hòa Lạc. Mỗi thôn phát triển nghề mộc theo thế mạnh riêng, có thôn phát triển nghề mộc dân dụng, thôn chuyên chạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ tinh xảo… Các hộ sản xuất trên địa bàn cơ bản mang tính chất cá thể, manh mún, mức độ nhận diện thương hiệu và hiệu quả kinh tế mang lại không cao... Năm 2018, được sự định hướng, hỗ trợ từ ngành chuyên môn và địa phương, tôi và một số người dân trong xã cùng chung ngành nghề, chí hướng bàn bạc và quyết định thành lập HTX nông nghiệp, chăn nuôi và đồ gỗ mỹ nghệ Hòa Phong. HTX có 7 thành viên, mục đích để mọi người cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giúp đỡ phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập và nâng cao đời sống…

Các sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ của HTX nông nghiệp, chăn nuôi và đồ gỗ mỹ nghệ Hòa Phong có độ tinh xảo cao

Ngoài việc hoạt động theo Luật HTX, các thành viên thống nhất xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng chung; đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú, tổ chức các buổi tham quan học tập mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh… Thông qua đó giúp mọi người có dịp chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, cùng tìm kiếm thị trường, hợp tác đầu tư sản xuất, tăng thu nhập...

Anh Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Tham gia HTX, tôi có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận vốn vay ưu đãi, được các thành viên hỗ trợ về dụng cụ, máy, thiết bị và đầu ra cho sản phẩm. So với việc sản xuất mang tính chất cá thể trước đây, tham gia HTX đã giúp tôi cũng như các thành viên thuận lợi hơn trong xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường. Nhờ vậy, doanh thu bình quân mỗi năm của cơ sở đạt trên 1 tỷ đồng.

Bên cạnh thu hút lao động có tay nghề, HTX chú trọng đầu tư máy, công nghệ trong sản xuất. Nếu như trước đây, hầu hết các thành viên trong HTX đều sản xuất thủ công, sử dụng công cụ thô sơ khiến năng suất lao động thấp, chi phí nhân lực cao thì đến nay hầu hết đã đầu tư thiết bị hiện đại. Qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Hiện nay, HTX có 2 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3 sao, là: Cóc tài lộc và tượng Di Lặc.

Xác định sản xuất bền vững, các thành viên HTX đều tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, như: làm vách che chắn xưởng gỗ, sử dụng máy hút bụi và phân khu sản xuất, hoàn thiện sản phẩm theo từng khu vực phù hợp để hạn chế bụi bẩn, mùi khó chịu...

Song song với phát triển nghề mộc truyền thống, HTX có 3 thành viên duy trì chăn nuôi gia cầm. Anh Lê Văn Toàn, thôn Phúc Miếu cho biết: Hiện nay, gia đình tôi nuôi khoảng 2 vạn con gà Ai Cập. Để mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả cao, gia đình tôi áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng đệm lót sinh học, giữ môi trường chăn nuôi sạch sẽ… Nhờ đó, đàn gà phát triển ổn định, thu nhập hàng năm đạt trung bình khoảng 200 triệu đồng.

Khai thác lợi thế của thời đại công nghiệp 4.0, HTX đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ trên sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội. Từ đó, sản phẩm ngày càng được khách hàng biết tới, các đơn hàng có giá trị lớn được xuất bán tăng. Nhờ vậy, doanh thu của HTX tăng đều từng năm. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt trên 4 tỷ đồng. Năm 2024, ước tính đạt 15 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất mang lại lợi nhuận khoảng 2,5 tỷ đồng cho các thành viên. Ngoài ra, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động địa phương với thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Vũ Đức Tuy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: Trong quá trình hoạt động, HTX nông nghiệp, chăn nuôi và đồ gỗ mỹ nghệ Hòa Phong đã trở thành nơi quy tụ, kết nối những nông dân làm kinh tế giỏi trong xã, tạo diễn đàn để mọi người giao lưu, trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Hoạt động hiệu quả của HTX góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khẳng định thương hiệu nghề mộc Hòa Phong.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, các thành viên HTX nông nghiệp, chăn nuôi và đồ gỗ mỹ nghệ Hòa Phong đều mong muốn đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm mộc mỹ nghệ; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường; chú trọng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; hướng tới phát triển sản xuất gắn với du lịch làng nghề… nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

Dương Miền

Tin khác