Những 'doanh nhân dân tộc' trên bảng xếp hạng Forbes tính đến Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10
Tính đến Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, 6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng của Forbes hiện đang nắm giữ hơn 344.000 tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD.
Các tỷ phú này hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như: bất động sản, hàng không, hóa chất, sản xuất, công nghệ, bán lẻ...
Đứng đầu danh sách không ai khác, chính là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Theo tạp chí Forbes, khối tài sản ròng của ông Vượng được thống kê tới ngày 12/10 là 4,4 tỷ USD. Như vậy, ông Phạm Nhật Vượng hiện đang nắm giữ khối tải sản khoảng 110.000 tỷ đồng. Hiện doanh nhân này đang đứng vị trí thứ 712 trên bảng xếp hạng của Forbes.
Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam và đã liên tục đứng đầu danh sách tỷ phú trong nhiều năm qua. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của Vingroup, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 684 tỷ đồng, tăng 71% so với quý 2/2023. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản Vingroup đạt 722.259 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,2% so với 31/12/2023, trong đó tài sản dài hạn ở mức 381.135 tỷ đồng.
Hiện Vingroup đang tiếp tục thực hiện khát vọng sản xuất xe điện mang thương hiệu Vinfast mặc dù gặp không ít khó khăn.
Đứng sau ông Vượng trên bảng xếp hạng của Forbes là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo là Chủ tịch của CTCP Hàng không VIETJET (VJC); Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB),... Trên bảng xếp hạng của Forbes, nữ doanh nhân này đang nắm giữ khối tài sản lên tới 2,8 tỷ USD, tương đương với gần 70.000 tỷ đồng theo tỷ giá ngày 13/10. Với khối tài sản này, bà Thảo đứng vị trí 1187 trên bảng xếp hạng của Forbes.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam nhiều năm liền nằm trong danh sách các tỷ phú USD được Forbes ghi danh. Lĩnh vực bà Thảo kinh doanh gồm: hàng không, ngân hàng, và một số lĩnh vực khác. Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là một trong 3 doanh nhân Việt Nam góp mặt trong danh sách 100 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vị trí thứ ba trong số các tỷ phú giàu nhất Việt Nam là ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát (HPG) với tổng tài sản 2,6 tỷ USD, gần 65.000 tỷ đồng. Doanh nhân Trần Đình Long đứng vị trí 1286 trên bảng xếp hạng của Forbes.
Ông Long nổi lên với lĩnh vực sản xuất thép. Doanh nhân Trần Đình Long hiện đang đứng vị trí 1286 trên bảng xếp hạng của Forbes. Mới đây, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, vua thép Trần Đình Long cho biết ngành thép Việt Nam hiện đang dẫn đầu Đông Nam Á và xếp thứ 12 thế giới về sản lượng. Hòa Phát cũng là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á và Top 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới. Trong kế hoạch sắp tới, ông bày tỏ sự quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 70 tỷ USD và cho rằng đây là công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn Hòa Phát tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này, khẳng định tập đoàn hoàn toàn đủ năng lực kỹ thuật để sản xuất thép cho đường ray của các dự án đường sắt tốc độ cao.
Đứng thứ 4 là tỷ phú Hồ Hùng Anh với khối tài sản 1,7 tỷ USD tương đương 43.000 tỷ đồng. Doanh nhân này hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và ngân hàng, hiện ông là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), đồng thời ông là một trong các thành viên sáng lập tập đoàn Masan.
Chủ tịch Techcombank có phong thái lãnh đạo quyết đoán và sâu sát trong công việc. Ông kín tiếng trước các phương tiện truyền thông, nhưng có tư tưởng hội nhập và quản trị hiện đại. Ông có bằng kỹ sư Điện kỹ thuật tại trường đại học Bách khoa Kiev (Ukraine) và thạc sĩ Quản trị nguồn nhân lực đại học Giao thông đường bộ Moskva (MADI).
Tiếp sau ông Hồ Hùng Anh là doanh nhân Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan với khối tài sản 1,2 tỷ USD, tương đương gần 30.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang (sinh 1963, tại Quảng Trị) tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Viện Hàn lâm khoa học Belarus. Học xong, ông ở lại Nga và khởi nghiệp từ những năm 1990 thông qua việc bán mỳ gói cho những người Việt sinh sống tại đây, rồi đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt. Năm 2002, ông Quang về nước và phát triển các sản phẩm như nước tương Chinsu, tương ớt Chinsu, nước mắm Nam Ngư, mỳ Omachi, xúc xích Ponnie, cà phê Vinacafe... Masan Group là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong mảng tiêu dùng và bán lẻ, sau khi mua lại chuỗi Vinmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và đổi tên thành Winmart.
Vị trí thứ 6 trong danh sách tỷ phú Việt Nam của Forbes thuộc về doanh nhân Trần Bá Dương và gia đình. Hiện nay tài sản của ông Dương và gia đình ngang bằng với ông Nguyễn Đăng Quang, ở mức 1,2 tỷ USD. Tỷ phú Trần Bá Dương hiện làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco).
Thaco được thành lập từ năm 1997, do ông Trần Bá Dương sáng lập đồng thời làm Chủ tịch HĐQT. Từ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe cũ, cung cấp phụ tùng sửa chữa ô tô, Thaco đã phát triển đa ngành gồm 6 tập đoàn thành viên, ở các mảng khác nhau như ô tô; cơ khí và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp; đầu tư, xây dựng; thương mại và dịch vụ; logistics.
Ngoài danh sách của Forbes, còn có những doanh nhân với khối tài sản khổng lồ như: Doanh nhân Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT với hơn 12.400 tỉ đồng, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Hóa chất Đức Giang với hơn 8.200 tỉ đồng, hay ông Hồ Xuân Năng- Chủ tịch Vicostone với hơn 8.000 tỉ đồng, ông Đặng Thành Tâm, người sở hữu hai công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cùng Công ty CP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC); ông Đoàn Nguyên Đức (hay còn gọi là bầu Đức) của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty CP Thủy sản Minh Phú; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP cơ điện lạnh (REE); Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kinh Đô...
Việt Nam hiện có tốc độ tăng số triệu phú (người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên) nhanh nhất thế giới, tới 98% trong 10 năm từ 2013 - 2023. Đây là số liệu được nêu ra trong báo cáo gần đây của công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth (Nam Phi) và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners (Thụy Sĩ).
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong hai năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% của năm 2023. Mức dự báo này cao hơn báo cáo trước đó của chính WB khi đưa ra mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 5,5% và 6% vào năm 2025. Về cơ hội, WB cho rằng trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi (sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8), nhu cầu trong nước sẽ vững lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện. Cùng với đó, cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư nhỏ, đồng thời Chính phủ đang quay lại củng cố cân đối ngân sách, còn lạm phát dự báo sẽ giảm từ 4,5% năm 2024 xuống còn 3,5% năm 2026.
Minh Thành