1. Kinh doanh

Những cựu chiến binh gương mẫu trong phát triển kinh tế

Đánh thức miền đất khó

Với mong muốn làm giàu cho mảnh đất quê hương Nguyên Bình, anh Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Kolia, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) doanh nghiệp, doanh nhân CCB, Cựu quân nhân tỉnh dành nhiều tâm sức để gây dựng một trung tâm sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái trên đỉnh Phja Đén.

Để xây dựng mô hình du lịch với vòng tròn sinh thái khép kín từ lưu trú đến trồng trọt, chăn nuôi, ẩm thực, vui chơi..., anh Ngọc sang các tỉnh lân cận và nước ngoài để học tập kinh nghiệm, đầu tư thiết bị, máy móc nhằm phát triển hệ thống nhà xưởng với quy trình tự động hóa cao, chất lượng đúng tiêu chuẩn. Nhờ đó, sản lượng chè tăng mạnh, đa dạng về chủng loại, như: trà xanh thơm, trà ô long, thanh trà, bạch trà, hồng trà, phổ nhĩ. Đặc biệt, lục trà và hồng trà của Công ty đạt OCOP 3 sao và được xuất khẩu đi một số nước như: Nhật Bản, Đài Loan, Australia. Cùng với đó, kết hợp xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa ôn đới an toàn, chất lượng cao như bắp cải, đậu Hà Lan, súp lơ… an toàn theo tiêu chuẩn, quy mô đạt hơn 20 ha mỗi vụ.

Doanh nhân, cựu chiến binh Hoàng Mạnh Ngọc nghiên cứu và phát triển mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo.

Thành công từ làm du lịch, trồng cây chè và rau, hoa ôn đới, anh Ngọc tiếp tục nghiên cứu và phát triển thành công mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo với giá trị dinh dưỡng rất cao. Công ty phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng phát triển trồng các loại cây dược liệu bản địa như các dòng sâm thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến, nấm linh chi tự nhiên cùng một số dược liệu khác như: cây tam thất, sâm đương quy, sâm ngọc linh, cây cát cánh… Từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hằng năm Công ty đạt doanh thu trên 2 tỷ 250 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và gần 80 lao động thời vụ địa phương với thu nhập bình quân khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo việc làm ổn định cho hội viên, con em CCB, những năm qua, anh Ngọc tận tâm, tận lực với công tác từ thiện, giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Hằng năm, bên cạnh việc ủng hộ kinh phí từ 30 - 50 triệu đồng cho hội CCB, hội chữ thập đỏ, các quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học của địa phương, anh Ngọc tổ chức thăm, tặng quà nhân dân, trẻ em, học sinh nghèo nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Tết Nguyên đán trị giá trên 500 triệu đồng. Trong đại dịch Covid-19, gia đình anh Ngọc ủng hộ 50 triệu đồng Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.

Với những thành tích đạt được, anh Ngọc được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen có thành tích trong chấp hành tốt các quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch năm 2018, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019 và tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019 - 2020; được Hội CCB tỉnh đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu” giai đoạn 2019 - 2024.

Làm giàu từ nuôi vịt

Năm 1979, chị Đàm Thị Nga (sinh năm 1963), xóm Hòa Mục, xã Trường Hà (Hà Quảng) viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi phục viên trở về địa phương, là thương binh hạng 3/4 phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, mưu sinh bằng nhiều nghề. Không cam chịu đói nghèo, chị Nga quyết tâm nỗ lực phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Cựu chiến binh Đàm Thị Nga đầu tư chăn nuôi vịt thương phẩm.

Năm 2015, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội CCB các cấp, gia đình chị Nga vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, mạnh dạn chuyển đổi đất vườn, cấy lúa kém hiệu quả để đào ao thả cá và dồn đổi đất của các hộ dân liền kề có tổng diện tích khoảng 3.000 m2 để phát triển mô hình nuôi vịt. Sau nhiều năm kiên trì, tìm tòi học hỏi ở nhiều nơi, đúc rút được kinh nghiệm, đến nay mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Nga cho thu nhập ổn định.

Hiện, gia đình chị Nga duy trì tổng đàn trên 1.000 con vịt đẻ trứng và thương phẩm. Cùng với đó, chị Nga đầu tư thêm 4 lò ấp trứng công nghệ mới, hằng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện từ 8 - 9 vạn vịt con và khoảng 1 tấn vịt thương phẩm. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu về trên 350 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương là hội viên CCB và người dân với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Thoát nghèo từ trồng rừng

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, CCB Hoàng Văn Huy (sinh năm 1985), Chi hội phó Chi hội CCB xóm Khuổi Rì, xã Bình Dương (Hòa An) vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ mô hình phát triển kinh tế rừng.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Huy chăm sóc diện tích rừng của gia đình.

Đến nay, diện tích rừng trồng của gia đình anh Huy có khoảng 40 - 50 ha, trong đó có khoảng 30 ha cây keo, còn lại là cây bạch đàn. Bên cạnh đó, tận dụng đất ruộng, mỗi năm gia đình anh Huy trồng khoảng 4.500 m2 thuốc lá; kinh doanh thêm ngành vận tải vừa phục vụ gia đình vừa chở hàng thuê cho bà con trong xóm. Bình quân mỗi năm gia đình anh Huy thu nhập trên 450 triệu đồng sau khi trừ chi phí; tạo việc làm cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ, mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Huy mang lại nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ.

Nông Hậu

Tin khác