Những 'bông hồng thép' quyền lực trong giới doanh nhân Việt
Những người phụ nữ cầm quyền ở một doanh nghiệp, không chỉ chèo lái giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, mà còn là những “bông hồng thép” trên thương trường.
“Nữ tướng” Mai Kiều Liên
Trong giới doanh nhân Việt, hẳn đã không còn xa lạ với bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Trong 45 năm gắn bó với Vinamilk, bà Liên để lại dấu ấn mạnh mẽ với cương vị một nữ lãnh đạo tài ba và truyền cảm hứng.
Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Paris (Pháp). Năm 1957, gia đình bà trở về Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp cấp III, bà Mai Kiều Liên sang Liên Xô (cũ) học khoa chế biến sữa và thịt tại Moskva. Về nước, bà Mai Kiều Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi.
Từ ngày tại vị, bà đã xuất sắc đưa thương hiệu sữa Vinamilk đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và 23 quốc gia khác nhau.
“Nữ tướng” Mai Kiều Liên được công nhận là một trong những CEO xuất sắc nhất châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư. Bà cũng là phụ nữ Việt Nam đầu tiên được xếp vào danh sách “50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á”. Bên cạnh đó, năm 2019, bà Liên còn được tạp chí Forbes vinh danh trong top 50 người có ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Bà là người đã đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2010.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ
Một cái tên khá quen thuộc khác là bà Cao Thị Ngọc Dung (sinh năm 1957), hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Người phụ nữ sinh năm 1957 này, được biết đến là một nữ doanh nhân "thép" trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý. Bà là cổ đông sáng lập (đại diện của PNJ) và là chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank) giai đoạn 1992 - 1997.
Năm 1979 bà Dung thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tới năm 1982 bà tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp, sau đó chính thức bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại Công ty Thương nghiệp tổng hợp Phú Nhuận.
Dưới sự lãnh đạo của bà Dung, thương hiệu PNJ đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trên thị trường trong và ngoài nước. Năm 2023, bà Cao Thị Ngọc Dung là người Việt Nam duy nhất được vinh danh là một trong 40 biểu tượng xuẩt sắc nhất ngành kim hoàn thế giới.
Trước đó, năm 2016, bà Dung góp mặt trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Tạp chí Forbes.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo- Chủ tịch HĐQT Vietjet
Trong số các “nữ tướng” có tên tuổi tại Việt Nam, không thể không kể đến bà Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1970), hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet.
Bà Thảo sinh ra trong gia đình gốc Hà Nội. Năm 18 tuổi, bà có cơ hội được du học tại Liên Xô (cũ) chuyên ngành kinh tế tài chính. Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại đây, không chỉ tốt nghiệp hai trường đại học với chuyên ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng và kinh tế, bà Thảo còn đạt được bằng tiến sỹ kinh tế khi mới 27 tuổi.
Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB.
Bà Thảo đã xây dựng VietJet Air với mong muốn vừa mang Việt Nam ra thế giới, vừa kéo thế giới lại gần hơn với Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên của hãng cất cánh vào ngày 24/12/2011, từ TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội. Đến nay, Vietjet Air nắm giữ thị phần lớn trong vận chuyển hàng không nội địa và đang phát triển mạnh mạng bay quốc tế.
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh- Chủ tịch HĐQT REE
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (sinh năm 1952), hiện là Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) đồng thời được ví von là bông hồng thép của ngành cơ điện Việt Nam.
Là người chèo lái "con tàu" REE từ những ngày đầu tiên cho tới khi trở thành một tập đoàn tiếng tăm như hiện nay, bà Nguyễn Thị Mai Thanh được biết tới là một trong những nữ doanh nhân tiêu biểu nhất của thời kỳ đổi mới.
Năm 2014, doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh đã được vinh danh bởi Tạp chí Forbes, bà đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) và là một trong 80 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Gần 40 năm qua, dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, REE từ một xí nghiệp nhỏ đã trở thành một doanh nghiệp đa ngành với giá trị vốn hóa cao nhất thị trường (tại thời điểm 31/12/2019, giá trị vốn hóa của REE là 11.255 tỷ đồng). Đây cũng là 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2000.
Nữ doanh nhân làm kinh tế giỏi
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bà Nguyễn Nam Phương, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lan Anh được nhiều người biết đến không chỉ là nữ doanh nhân làm kinh tế giỏi, mà còn đóng góp nhiều cho xã hội.
Công ty TNHH Lan Anh do bà Nguyễn Nam Phương sáng lập từ năm 2006, là công ty 100% vốn tư nhân. Trải qua 17 năm hoạt động, công ty đã từng bước phát triển và khẳng định được uy tín, năng lực hoạt động trong các lĩnh vực: bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng gạch Terrazzo; dịch vụ nhà hàng; sản xuất nông nghiệp theo mô hình VAC; sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai Safety…, là doanh nghiệp thuộc top đầu về đóng góp ngân sách tỉnh nhiều năm liên tục.
Trên chặng đường phát triển, Công ty TNHH Lan Anh luôn đồng hành cùng chính quyền sở tại, người dân xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Không những làm kinh tế giỏi, bà Nguyễn Nam Phương luôn trăn trở và đau đáu trong tâm ý thức về những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nhờ thành công trong hoạt động kinh doanh, bà đã tích cực tham gia và vận động thực hiện các hoạt động thiện nguyện.
Mới đây, bà cũng vừa được Hội người cao tuổi Việt Nam vinh danh “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”. Trước đó, nữ doanh nhân từng được nhận các danh hiệu cao quý khác, đặc biệt là Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2022.
Phong Sương