Nhóm học sinh Hà Nội vô địch cuộc thi giả lập doanh nghiệp lớn nhất châu Á
Vận dụng kiến thức kinh doanh đã học để làm việc nhóm
Cuộc thi giả lập doanh nghiệp ABS được tổ chức thường niên tại khu vực châu Á từ năm 2011 dành cho học sinh lứa tuổi lớp 6-12.
Định dạng mô phỏng doanh nghiệp với các hoạt động kinh doanh được trò chơi hóa nhằm mang đến trải nghiệm học tập mới mẻ về khởi nghiệp, cung cấp cho học sinh nền tảng vững chắc để khai phá tiềm năng kinh doanh, trở thành những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong lương lai.
Vòng khu vực Việt Nam của cuộc thi giả lập doanh nghiệp ABS được tổ chức lần đầu vào 2 ngày 12-13/10/2024 với sự tham gia của 151 thí sinh đến từ hơn 80 trường phổ thông trên toàn quốc, chia thành 20 đội thi.
Đội giành ngôi vị quán quân là The Visionaries, gồm Lê Anh Thư, Đặng Chí Hiếu, Nguyễn Thế Quang, Lã Nam Anh, Hoàng Bảo Ngân, Hoàng Lê Hải Đăng (Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) và Nguyễn Trần Phước Dũng (Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên). Cả 7 học sinh đều đang học lớp 10.
Lê Anh Thư đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc điều hành, các thành viên còn lại mỗi người phụ trách một mảng gồm nhân sự, tài chính, công nghệ, sản xuất, marketing, bán hàng. Toàn bộ hoạt động quản lý, sản xuất, vận hành doanh nghiệp được thực hiện trên một thị trường ảo do ban tổ chức điều phối.
Đề tài của cuộc thi kỳ này là kinh doanh sản phẩm kính mắt thông minh.
Cuộc thi diễn ra căng thẳng và đầy áp lực trong 2 ngày liên tục. Ngày thứ nhất, các đội thi tham gia vòng đấu giá, vòng gọi vốn và 2 phiên thuộc vòng vận hành. Ngày thứ 2, thử thách được nâng cao với vòng đấu trường kinh doanh và 3 phiên thuộc vòng vận hành.
Qua 4 vòng thi, đội The Visionaries vận dụng kiến thức kinh doanh đã học để làm việc nhóm hiệu quả. Điểm nổi bật của nhóm so với các đội thi khác là ý tưởng công nghệ tốt, việc ra quyết định nhanh nhạy, hợp lý và sự phối hợp ăn ý.
Ý chí quyết tâm và khả năng làm việc với cường độ cao là những yếu tố giúp nhóm vượt lên ở chặng cuối và về đích thành công.
Đặng Chí Hiếu tiết lộ đối thủ của các em trong cuộc thi này rất mạnh, đặc biệt là các thí sinh đến từ trường quốc tế và song ngữ.
“Mỗi nhân tố tham gia cuộc thi giả lập này đều có những tài năng đặc sắc. Em thực sự nể phục kĩ năng diễn thuyết của các bạn và những ứng phó tức thời của họ trong vòng đấu trường. Điều này cho thấy họ hiểu về sản phẩm của mình như thế nào.
Các đối thủ cũng cho chúng em thấy được năng lực tư duy và tính toán sắc bén của các nhà kinh doanh tương lai thực thụ”, Đặng Chí Hiếu nói.
Phát huy thế mạnh của từng thành viên
Ở vai trò trưởng nhóm, Lê Anh Thư chia sẻ, thách thức lớn nhất với em là điều hòa các quan điểm khác nhau trong một đội tập trung những cá nhân xuất sắc và có cá tính riêng.
“Trong mỗi vòng thi, chúng em thảo luận và tranh cãi khá nhiều. Ai cũng muốn bảo vệ quan điểm của mình. Như vòng vận hành, chúng em chia thành hai hướng đi, một bên muốn tập trung phát triển công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, một bên muốn nghiên cứu đối thủ để tìm ra lợi thế kinh doanh. Số vốn được cấp hạn chế, giải pháp chỉ có một, phải chọn giải pháp nào thực sự là quyết định khó khăn”, Anh Thư tâm sự.
Với chiến thắng chung cuộc, nữ đội trưởng khẳng định đó là kết quả của việc phát huy thế mạnh, sở trường của mỗi thành viên trong đội. Nam Anh quản lý tài chính, Bảo Ngân quản lý nhân sự, Hải Đăng trong vai trò truyền thông - marketing, Phước Dũng phụ trách bán hàng, Thế Quang nghiên cứu công nghệ và Chí Hiếu phụ trách khâu sản xuất.
Vừa trải qua kì thi hấp dẫn, sôi động và có tính tương tác cao, theo Lã Nam Anh, làm kinh doanh cũng không hẳn quá khó, nhưng nếu trong quá trình vận hành, mình đưa ra quyết định chậm trễ, hoặc không chuẩn xác là sẽ dẫn đến kết quả không tốt.
Còn theo Nguyễn Thế Quang: “Cuối ngày thi thứ nhất, đề bài của vòng đấu trường mới được ban tổ chức đưa ra. Chúng em vừa ăn cơm tối xong là bắt tay vào triển khai ý tưởng.
Chúng em đã thức nhiều đêm trước đó để chuẩn bị cho kỳ thi, khi đó tiếp tục làm xuyên đêm đến hơn 2h sáng để hoàn thành slide, sẵn sàng bước vào vòng đấu trường trong sáng ngày thi thứ 2, thuyết trình và bảo vệ dự án dưới hình thức tranh biện.”
Chia sẻ về những bài học rút ra sau cuộc thi, Hoàng Bảo Ngân cho hay, bản thân đã học thêm những kiến thức, kĩ năng về kinh doanh cũng như cách quản lí nguồn tiền hợp lí. Khi làm việc nhóm, cần phải có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Cho rằng mình đã “được khai sáng hơn” về con đường đầy khó khăn nhưng cũng chan chứa niềm vui của việc kinh doanh Hoàng Lê Hải Đăng tâm sự, em hiểu hơn về các kĩ năng cần thiết như quản lí tài chính, đưa ra quyết định sắc bén, phân tích thị trường và khả năng chống chịu áp lực.
Còn Nguyễn Trần Phước Dũng thì khẳng định, qua cuộc thi này, em đã phần nào tìm thấy được những điểm mạnh và điểm yếu của mình không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh.
"Bản thân em đã hình dung rõ hơn về mục tiêu, ngành nghề sắp tới và định hướng của bản thân trong tương lai", Nguyễn Trần Phước Dũng nói.
7 thành viên sẽ lên đường sang Trung Quốc tham dự vòng Chung kết toàn cầu cuộc thi giả lập doanh nghiệp ABS trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thanh niên Thế giới (WYEF) vào năm 2025.
PV