1. Kinh doanh

Nhớ về người thầy đầu tiên của doanh nhân Việt Nam

Các nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại ghi nhận, Lương Văn Can - một nhà giáo yêu nước và lãnh tụ phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, là nhân vật có uy tín thu hút các phái yêu nước đương thời, từ Đông Du, Duy Tân đến Việt Nam Quang Phục Hội và Tâm Tâm Xã. Vừa đóng vai trò hậu thuẫn, cụ vừa tự mình khởi nghiệp, tổ chức doanh nghiệp gia đình và kinh doanh xuyên biên giới ngay cả khi bị lưu đày. Trở về nước, cụ tiếp tục sự nghiệp giáo dục, mở trường dạy học để truyền thụ tri thức và khơi dậy ý thức đổi mới kinh doanh.

Khởi đi từ tư tưởng duy tân của Đông Kinh Nghĩa Thục, Lương Văn Can kết hợp lý thuyết kinh doanh với tri thức thực nghiệp, chịu ảnh hưởng từ các bài cổ động chấn hưng thực nghiệp của Đông Dương Tạp Chí và Thực Nghiệp Dân Báo. Tư tưởng này được kết tinh trong hai cuốn sách nổi tiếng: Kim cổ cách ngôn (1925) và Thương học phương châm (1928), những tác phẩm đã góp phần định hình tư duy doanh nhân Việt Nam, đưa cụ lên tầm vóc người thầy đầu tiên.

Kim cổ cách ngôn: Giá trị của đạo đức làm ngườiđạo đức kinh doanh

Kim cổ cách ngôn là một cuốn sách dày 128 trang, tập hợp 185 “cách ngôn của thánh hiền Âu, Á, Mỹ, dịch làm quốc văn, trước biên chữ nho, sau biên chữ quốc ngữ, lại biên chữ một ở dưới, rồi mới dịch hết đại ý để cho người ta ai cũng hiểu được” (lời Tựa của Lương Văn Can). Mỗi cách ngôn có thể chỉ một câu, nhưng cũng có thể là một đoạn văn dài. Hai chủ đề chính yếu của tác phẩm này là giáo dục đạo đức làm người, và giáo dục đạo đức kinh doanh.

Trong chủ đề giáo dục đạo đức làm người, Lương Văn Can cung cấp những cách ngôn chỉ dẫn các phép tắc ứng xử với bản thân, các phép tắc ứng xử với tha nhân, và các phép tắc giáo dục gia đình. Điều đáng chú ý là những nội dung giáo dục đạo đức làm người này hầu như đều không có dấu vết của những tư tưởng giáo dục “đạo” và “đức” của Nho giáo ngày xưa. Đa số những lời khuyên về đạo đức làm người đều có liên quan đến đạo đức kinh doanh, với chữ “kinh doanh” hiểu theo nghĩa rộng.

Quả vậy, trong cuốn sách, giáo dục đạo đức kinh doanh, Lương Văn Can cảnh báo doanh nhân không nên dùng thủ đoạn gian xảo, lừa lọc vì lợi ích cá nhân, làm tổn hại đến người khác và cả giới doanh nhân. Những lời khuyên mang tính răn đe những kẻ kinh doanh vô lương tâm và định hướng những người mới bước chân vào thương trường, khuyến khích họ kinh doanh với lương tri và trách nhiệm.

Theo cụ, cho dù thương trường luôn có những kẻ gian tham, người kinh doanh cần phải có “bình tâm công đạo” 平心公道. Tức là cái “tâm” của người kinh doanh phải cái là tâm “bình” 平: công bằng, công chính, không thiên lệch. Và cái “đạo” của người kinh doanh phải là cái đạo “công” 公: công bằng, không nghiêng về một bên, không tư túi. Chung quy, “bình tâm công đạo” là kinh doanh lương thiện, cân bằng giữa lợi ích của cá nhân với lợi ích của khách hàng, của đối tác, của cộng đồng.

Có “bình tâm công đạo” thì có lợi ích gì? Kinh doanh với “bình tâm công đạo” sẽ giữ cho nguồn tiền của người kinh doanh trong sạch. Nguồn tiền của người kinh doanh có trong sạch, thì việc quản trị dòng tiền mới hanh thông. Bình tâm công đạo” như vậy là nền tảng bền vững của kinh doanh.

Theo Lương Văn Can, kinh doanh không hề mâu thuẫn với đạo đức; người kinh doanh có thể thành công mà vẫn giữ được sự trung thực và đạo đức. Từ kinh nghiệm của mình, Cụ khẳng định: “Bí quyết thành công của nhà kinh doanh nằm ở sự trung thực. Nguồn lợi phải đến từ lẽ tự nhiên, không nên vì lòng tham mà làm điều sai trái hay liều lĩnh. Nếu ai tích trữ gạo, vải và mong mất mùa để trục lợi thì đó là tâm địa ích kỷ, độc ác. Kẻ buôn bán gian dối, làm hàng giả cũng chỉ vì lòng tham không đáy. Thực ra, giàu hay nghèo phụ thuộc vào tâm đức, sự ngay thẳng và khoan hậu. Đây chính là phép thuật của kinh doanh.

Thương học phương châm: Giá trị của “thương học”, “thương đức”, “thương tài”

Thương học phương châm là một cuốn sách mỏng, dài 42 trang, chia thành 18 đề mục, giới thiệu những tri thức sơ giản về kinh doanh, thương mại: Tư bản, Tổ chức sự buôn, Tính toán, Sổ sách, Thơ từ, Mua hàng, Thương hiệu (đương thời hiểu là tên cửa hiệu, tên công ty), Thương tiêu (từ dùng đương thời để chỉ biển hiệu, nhãn hiệu, logo), Thương địa (từ dùng đương thời để chỉ mặt bằng kinh doanh), Thương điếm (từ dùng đương thời để chỉ địa điểm kinh doanh), Bầy hàn, Bán hàng, Quảng cáo, Giao tế tiếp dẫn (từ dùng đương thời để chỉ giao tế, tiếp tân), Điều lệ nhà băng, Thiếp hiện (từ dùng đương thời để chỉ trái phiếu), Hối đoái, Sự buôn bán nước ta.

Trong số đó, Lương Văn Can đã dụng công nhiều nhất cho hai đề mục là “Giao tế tiếp dẫn” và “Sự buôn bán nước ta”. Trong mục “Giao tế tiếp dẫn”, Lương Văn Can đã dành đến 15 trang để cung cấp những tri thức, kỹ năng và cả nghệ thuật về giao tế, tiếp tân, đối đãi, mà người kinh doanh cần biết và vận dụng. Đó là những tri thức, kỹ năng và nghệ thuật về giao tiếp, đối đãi với khách mua hàng, với đồng nghiệp, với đối tác làm ăn, và với nhân công. Và không phải chỉ “đâm ngang” học hỏi về giao tế, tiếp tân, mà người kinh doanh còn phải học được một nghề, kinh doanh phải có nghề. Và trong khi kinh doanh, phải tiếp tục học hỏi, cầu tiến để có kỹ năng giao tiếp tốt, lại phải tạo được lòng tín nhiệm nơi người khác.

Trong mục “Sự buôn bán nước ta”, Lương Văn Can đã dành 6 trang để dẫn lại một bài đăng trên Thực Nghiệp Dân Báo số ra ngày mùng 2 tháng 2 năm Bính Dần (15/3/1926), chỉ ra 10 nguyên nhân khiến cho nghề thương mãi của người Việt đương thời chưa mở mang phát đạt. Tiếp theo, cụ nhấn mạnh vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế đất nước, và về hướng khắc phục tình trạng thương mại yếu kém ở nước ta.

Theo cụ, “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ buôn bán càng thịnh đạt”, và “các đại-quốc do thông thương mà làm được phú-cường, các nhà đại tư-bản do kinh thương mà phú gia địch quốc”. Trong khi đó, ở nước ta nghề buôn bán vẫn chưa được mở mang mà nguyên nhân là vì nước ta chưa có thương phẩm, thương hội, thương học; và người nước ta ít có chí làm “thực nghiệp”, lại thiếu những đức tính và năng lực cần thiết để có thể tiến xa trên “trường thương chiến”.

Để khắc phục tình trạng đó, mọi người cần chú trọng đến “thực nghiệp”, đồng thời phải “chấn hưng thương nghiệp”, và lưu tâm nghiên cứu “thương học” (tri thức kinh doanh). Vì “thương học” bao gồm đủ cả “thương đức” (đạo đức kinh doanh), “thương tài” (tài năng kinh doanh). Như vậy thì mới có thể phát triển nghề buôn. Và nghề buôn phát triển thì sẽ góp phần làm cho dân giàu nước mạnh.

Tính tiên phong trong lịch sử kinh doanh hiện đại

Từ hai tác phẩm Kim cổ cách ngônThương học phương châm, tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can có thể được đúc kết qua hai khía cạnh: nhận thức và hành động. Theo cụ, người kinh doanh phải hiểu tầm quan trọng của thực nghiệp và tri thức kinh doanh, để trân trọng nghề nghiệp và học hỏi không ngừng.

Về hành động, Lương Văn Can nhấn mạnh rằng người kinh doanh cần giữ vững đạo đức, tiếp thu kiến thức và lấy sự thành công để đóng góp cho xã hội. Cụ đề ra ba nguyên tắc cốt lõi: “thương học” (tri thức), “thương đức” (đạo đức), và “thương tài” (tài năng). “Thương học” bao gồm hiểu biết về thực nghiệp và các kỹ năng kinh doanh; “thương đức” xoay quanh trung thực, công bằng và trọng chữ tín; “thương tài” là tài năng được trui rèn qua thực tiễn.

Tư tưởng này giúp định hướng nền kinh tế đầu thế kỷ XX của Việt Nam. Đồng thời, mang tính tiên phong, khi kinh doanh có trách nhiệm và đạo đức còn chưa phổ biến ngay cả ở phương Tây. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, có thể khẳng định rằng, tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can chính là cột mốc khởi nguồn trong lịch sử kinh doanh hiện đại của Việt Nam. Bởi vì, trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, ngoài hai cuốn sách của Lương Văn Can, chẳng có mấy cuốn sách biên khảo về kinh tế, kinh doanh của người Việt Nam được chào đời để cải thiện doanh trí, doanh đức và doanh tài cho người Việt Nam ta.

Có thể nói, bên cạnh các sách dạy kinh doanh, “dạy làm giàu” của nước ngoài, những người Việt Nam muốn học kinh doanh hay khởi nghiệp kinh doanh cũng nên biết rằng, Việt Nam ta không thiếu những doanh nhân xuất chúng, đã tạo ra những viên đá nền cho sự thịnh vượng của nước nhà, và trao truyền những phương châm kinh doanh quý báu mà chúng ta cần học hỏi, để dấn bước kinh doanh trong tâm thế đồng hành cùng xã hội và dân tộc.

(*) Giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc Gia TP.HCM

TS. Lý Tùng Hiếu (*)

Tin khác