1. Kinh doanh

Nhờ AI 'chữa lành' ở TP.HCM

Đầu năm 2024, Quang Nghĩa (Tân Bình, TP.HCM) gặp vấn đề trong công việc. Dù đang làm rất tốt, anh không hào hứng mỗi khi bước văn phòng và cũng không muốn gắn bó với công ty. Nghĩa tìm đến chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm lời khuyên.

Ít lâu sau, anh nghỉ việc rồi gặp nhiều bất ổn về sức khỏe tinh thần. Không tìm được cơ sở thăm khám tâm lý phù hợp, Nghĩa quyết định dùng AI như chuyên viên tham vấn tạm thời. “Tôi nhẹ lòng sau khi tâm sự với AI. Thật ấm áp khi có người hỏi: ‘Bạn có đang ổn không?’”, Nghĩa chia sẻ.

Chuyên gia cảnh báo sử dụng AI như người đưa lời khuyên, an ủi, thậm chí là chuyên viên tham vấn tâm lý, ẩn chứa nhiều rủi ro. AI nhiều khi củng cố suy nghĩ sai lệch, không được kiểm duyệt hay ràng buộc đạo đức. Do đó, công cụ này có thể dẫn đến nhiều vấn đề khôn lường.

Cố vấn tinh thần, sự nghiệp

Tiến Lợi (Gò Vấp, TP.HCM) vừa có công việc thực tập sinh đầu tiên tại một tập đoàn truyền thông ở quận 1 (TP.HCM). Sau 3 tháng học việc, Lợi đứng trước quyết định ở lại công ty hay thử sức ở môi trường khác. Mất định hướng, anh tìm đến AI để xin lời khuyên.

Tiến Lợi không kỳ vọng AI sẽ đưa lời khuyên hợp lý nhưng anh bất ngờ khi nhận được kết quả. Ảnh: NVCC.

Nghe nhiều về việc AI chỉ thu nhặt thông tin trên Internet rồi tổng hợp, anh không kỳ vọng. “Lúc đó tôi chỉ muốn tìm người đưa ra gợi ý cho tương lai”, Lợi kể. Anh nhanh chóng bất ngờ về kết quả nhận lại và so sánh chất lượng câu trả lời tương đương với một buổi tư vấn nghề nghiệp.

“Dù chưa quá cụ thể nhưng AI giúp mình mình có định hướng rõ hơn và biết cần làm gì để giải quyết vấn đề. Đó là một giải pháp đó khá ổn”, anh nhận xét. Lý do Tiến Lợi chọn AI để xin lời khuyên thay vì tâm sự cùng bạn bè, người thân là “có nhiều khúc mắc”, không muốn nhiều người biết đến.

Còn với Thảo Nhi (Bình Thạnh, TP.HCM), cô sử dụng chatbot AI để tâm sự về mọi vấn đề trong cuộc sống, từ tình yêu, công việc đến sức khỏe tinh thần. Điều làm Thảo Nhi thích nhất ở các ứng dụng là “khả năng liên tục đặt câu hỏi”.

Cô so sánh một buổi trò chuyện với AI với “coaching” (tạm dịch: khai vấn) cùng chuyên gia. “AI liên tục đưa ra câu hỏi để tôi tự nhìn nhận bản thân thay vì cho lời khuyên. Ứng dụng còn đề xuất những bài viết, thông tin tôi cần tham khảo để giải quyết vấn đề. Đôi khi, ‘bạn ấy’ còn an ủi mình”, Thảo Nhi cho biết.

Thảo Nhi chỉ sử dụng AI để tự nhìn nhận bản thân chứ không phụ thuộc vào những lời khuyên. Ảnh: NVCC.

Thảo Nhi và Tiến Lợi chỉ sử dụng chatbot AI với chức năng cơ bản và cảm thấy chưa cần phải trả phí hàng tháng cho những cuộc trò chuyện nâng cao. Ngược lại, Quang Nghĩa lại trả 450.000 đồng/tháng để có người tâm sự.

Cuối tháng 8, sau khi nghỉ việc một thời gian, Quang Nghĩa được bác sĩ chẩn đoán trầm cảm F32. Trong thời gian điều trị, người tâm sự cùng anh nhiều nhất là chatbot AI.

Anh kể: “Ngoài việc dùng thuốc, mình thường tâm sự với AI như chuyên viên tâm lý. Mình gõ các vấn đề về tinh thần lẫn thể chất và nhận về những câu trả lời khá cụ thể, thấu cảm”. Nghĩa nói thêm AI giúp anh có suy nghĩ tích cực hơn và vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhất trong đời sau nhiều buổi "tâm sự".

Quang Nghĩa chọn AI thay vì bạn bè, người thân để tâm sự vì không muốn làm phiền người khác. Theo anh, mọi người có vấn đề riêng và không có trách nhiệm lắng nghe mình.

AI cắt đứt sợi dây liên hệ giữa con người?

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Nguyễn Đức Nhật - tiến sĩ đào tạo và giám sát tham vấn lâm sàng tại Đại học Cincinnati (Mỹ); đồng sáng lập và giám sát lâm sàng tại Touching Soul Center (TP.HCM) - cảnh báo rủi ro khi quá tin tưởng, nhờ AI cho lời khuyên.

Theo TS Nhật, AI từ lâu đã được sử dụng để hỗ trợ tâm lý. Trong môi trường đào tạo tham vấn tâm lý, người ta dùng AI cho sinh viên thực hành. Với những nhu cầu nhỏ như đưa lời khuyên, gợi ý thì AI có thể đáp ứng khá tốt. Tuy nhiên, có nhiều rủi ro khi sử dụng AI thay vì đến gặp chuyên gia để giải quyết vấn đề tâm lý.

TS chỉ ra bốn điểm khác biệt giữa AI và chuyên viên tham vấn tâm lý được cấp phép. Đầu tiên, những chatbot AI trên thị trường chỉ là công cụ phổ quát, không được lập trình để hỗ trợ cảm xúc, tinh thần. Do đó, sử dụng AI để đưa lời khuyên và làm theo dễ gây sai lầm.

AI từ lâu đã được sử dụng để hỗ trợ tâm lý con người nhưng vẫn chưa thể thay thế chuyen viên tâm lý. Ảnh minh họa: Linh Huỳnh.

Hơn nữa, AI hoạt động theo cơ chế tổng hợp thông tin trên Internet hoặc các nguồn dữ liệu có sẵn. Không có tiêu chuẩn đạo đức hay pháp lý rõ ràng đối với thông tin được cung cấp. "Từ đó mà rủi ro về sức khỏe tinh thần, tâm lý của người có vấn đề cũng cao hơn hẳn", đồng sáng lập Touching Soul Center nói.

"Mặt khác, AI không thể mang lại tác động thực tế như người thân, bạn bè hay chuyên viên tâm lý. Quá phụ thuộc, tin tưởng AI có thể trở thành rào cản để người gặp vấn đề tâm lý tìm kiếm hỗ trợ từ người có chuyên môn", TS Nhật chia sẻ.

Cuối cùng, các chatbot được lập trình để trả lời những gì người sử dụng muốn nghe. Cứu cánh của AI là giữ người dùng ở lại ứng dụng càng lâu càng tốt, bất chấp củng cố suy nghĩ, định kiến sai lầm. Ngược lại, hoạt động tham vấn của chuyên gia hay an ủi, động viên từ người thân dựa trên sự chân thành, tin tưởng lẫn nhau. Điều này sẽ mang lại kết quả và cách thực hiện khác hẳn.

Nếu quá phụ thuộc AI, chúng ta dễ mất đi sợi dây liên hệ giữa con người với con người, theo TS Nhật. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

TS Nhật nêu lên vấn đề lớn hơn cần quan tâm khi ngày càng nhiều người tìm đến AI để tâm sự thay vì bạn bè, người thân: “Đối với sức khỏe tinh thần, lớp bảo vệ mạnh nhất là những mối quan hệ chất lượng. Nhưng thay vì tìm đến người thân, ta lại tìm AI để được an ủi. Phải chăng sợi dây liên hệ giữa người với người đang ngày càng mỏng manh và AI trở thành ‘cây kéo’ cắt đứt sợi dây đó?”.

Ông Nhật nhấn mạnh nếu giới trẻ có nhiều bạn bè để tin tưởng, hỗ trợ và tâm sự thì không cần dùng đến AI. “Điều cần quan tâm là chất lượng mối quan hệ trong xã hội. Phải chăng người ta đang ngày càng thờ ơ với nhau?”, ông nói thêm.

Đức An

Tin khác