1. Kinh doanh

Nhiều ông lớn rút lui trong im lặng, cuộc đua 'đốt tiền' chờ đối thủ hụt hơi

Nhiều "ông lớn" phải rời cuộc đua

Với hơn 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dùng Internet khoảng 79,1% tổng dân số, khoảng 73,3% sử dụng mạng xã hội, mức độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhiều năm nhất nhì Đông Nam Á, trung bình từ 20-30%/năm, Việt Nam được coi là thị trường béo bở cho các “ông lớn”.

Bản chất cuộc đua TMĐT là “đốt tiền” để giành thị phần. Người chiến thắng phải có tiềm lực tài chính tốt và “sống” được đến thời điểm các công ty khác “hụt hơi, hết sức”.

“Nhiều ông lớn phải rời bỏ thị trường như Lotte.vn (của tập đoàn Lotte Hàn Quốc), Deca.vn (của 24h), Adayroi.com (của Vingroup)... Tiki, Sendo dù đang hoạt động nhưng tốc độ tăng trưởng âm trong nhiều quý gần đây và thị phần co lại chưa đến 1%. Nếu Tiki, Sendo không có chiến lược gì đột phá hoặc mua bán sáp nhập, để tồn tại và phát triển lâu dài trong thời gian tới vẫn còn là một câu hỏi”, ông Bùi Quang Cường - CEO Công ty Giải pháp Phát triển Doanh nghiệp iViet (iViet Solution) chia sẻ với VietNamNet.

Ông Bùi Quang Cường - CEO iViet Solution. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo ông Cường, từng giai đoạn lại xuất hiện tên tuổi mới đe dọa vị thế của doanh nghiệp dẫn dắt thị trường.

Khi vào thị trường Việt, Lazada nhanh chóng vượt mặt các sàn trong nước. Nhưng sau đó, vị trí số 1 của Lazada đã bị Shopee chiếm mất.

Shopee thống trị vị trí top 1 suốt thời gian dài, gồng lỗ nhiều nghìn tỷ, đến lúc thị phần đủ lớn và tưởng rằng có thể “hái quả” khi báo lãi quý đầu tiên vào quý IV/2022 thì Tiktok Shop xuất hiện. Cả năm 2023 Shopee báo lãi, tuy nhiên quý IV/2023 lỗ trở lại. Năm 2024, lợi nhuận của Shopee tiếp tục lao dốc, do phải tiếp tục “đốt tiền” cạnh tranh với nhân tố mới.

Theo YouNet ECI, tới quý II/2024, chỉ còn Shopee (khoảng 71,4% thị phần), Tiktok Shop (khoảng 22%) tăng trưởng dương và chiếm tổng hơn 93% tổng thị phần. Nhiều người nghĩ rằng chỉ còn “cuộc đua song mã” giữa hai “ông lớn”, nhưng gần đây có thêm tên tuổi mới như Temu, Shein, Taobao, 1688... Đặc biệt, Temu được cho là có chính sách giá siêu rẻ từ nhà sản xuất Trung Quốc cùng hàng loạt chương trình khuyến mãi, tiếp thị liên kết đang làm “dậy sóng”.

Ông Cường phân tích, các bên vẫn tiếp tục phải “đốt tiền” để cạnh tranh, rồi thêm nhiều “ông lớn” nước ngoài vào Việt Nam làm cho cuộc chiến tiếp tục nóng. Nếu tân binh Temu giải quyết được một số lùm xùm liên quan tới pháp lý và chất lượng hàng hóa, thời gian tới, bảng xếp hạng có thể thay đổi.

Ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022, Temu đang bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ và nhanh chóng lọt top đầu về sàn TMĐT tại nhiều nước. Nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt con số 18 tỷ USD năm 2023. Temu đã thay thế eBay trở thành trang website TMĐT truy cập nhiều thứ hai trên thế giới.

Cuộc chiến giành giật thị trường của các sàn TMĐT có vẻ chưa đến hồi kết khi gần đây có thêm nhiều tên tuổi mới xuất hiện. Ảnh: Thạch Thảo

Làm gì để sàn TMĐT Việt bớt “lép vế”

Hưởng lợi nhất là người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, giá rẻ giảm do các bên cạnh tranh, cắt bớt khâu trung gian và khuyến mãi. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, lừa đảo TMĐT cũng xuất hiện, mặc dù các sàn và các cơ quan quản lý luôn tìm cách để ngăn chặn nhưng chưa thể triệt để.

Đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất là các doanh nghiệp, nhà bán hàng trong nước. Ngày càng bị cạnh tranh gay gắt, nhiều doanh nghiệp đã phải giải thể, nhiều nhà bán hàng phải bỏ “sân” TMĐT. Ngành sản xuất trong nước bị đe dọa khi các sàn nước ngoài trở thành “bàn đạp” đưa trực tiếp hàng hóa ngoại đến tay người tiêu dùng Việt mà không qua các khâu trung gian.

“Năm 2023, hơn 110.000 nhà bán hàng rời Shopee, Tiki, Lazada, Sendo. Dù có thêm 95.000 nhà bán hàng mới trên Tiktok Shop, nhưng tổng số nhà bán hàng giảm khoảng 10.000”, ông Cường dẫn số liệu.

Theo ông Cường, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, TMĐT giờ chỉ là cuộc đua của các “ông lớn” nước ngoài, doanh nghiệp Việt “không có cửa” do không nhiều tiền để “đốt”.

Hai sàn Việt, gồm Sendo (của FPT) và Vỏ sò (của Viettel) từng nhen lên niềm hy vọng khi có sự hậu thuẫn của các “ông lớn” công nghệ Việt. Thực tế, Sendo tăng trưởng âm nhiều năm trở lại đây. Vỏ sò chưa có thông tin chính thức rời bỏ cuộc đua nhưng website không còn truy cập được. Ông Cường cho rằng, các “ông lớn” Việt cũng khó có thể “chống lưng” cho các sàn TMĐT này.

CEO iViet Solution khuyến nghị doanh nghiệp có thể đi từ thị trường ngách, tập trung vào những sản phẩm thực sự là thế mạnh của Việt Nam. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực logistics. "Hiện nhiều khi vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam còn nhanh và rẻ hơn cả trong nước, chúng ta khó cạnh tranh thật”, ông nói.

Theo đơn vị Metric, 9 tháng đầu năm 2024, thị trường TMĐT Việt Nam ghi nhận tổng doanh số đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023; sản lượng đạt 2,43 triệu sản phẩm, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2023; số shop đang hoạt động là 580,3 nghìn, giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình Minh

Tin khác