Nhà sáng lập chuỗi Phở 24 chia sẻ 'độc chiêu' kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam
Khác biệt để thành công - Độc chiêu kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam là cuốn sách thứ 10 của doanh nhân Lý Quí Trung, Nhà sáng lập chuỗi Phở 24, vừa ra mắt bạn đọc. Được chia theo 5 chủ đề: Quản trị nhân sự - Trải nghiệm khách hàng xuất sắc - Marketing - Chiến lược kinh doanh - Tư duy, quan điểm kinh doanh, mỗi phần của cuốn sách, thay vì những lý thuyết khô cứng, tác giả đưa vào những câu chuyện mà ông đã thu lượm được từ trải nghiệm và từ những gì ông đã đọc, quan sát, tích lũy nhiều năm qua, đi kèm với đó là lời phân tích và nhận xét thiết thực.
Cách trình bày này khiến cuốn sách trở nên dễ tiếp cận hơn đối với những người làm quản lý các cấp, hoặc những người làm kinh doanh mà không xuất phát từ nền tảng được đào tạo bài bản về kinh doanh. Có những câu chuyện hoặc cách làm mà có thể người đọc đã nghe ở đâu đó, nhưng cảm thấy xa lạ với hoàn cảnh Việt Nam, qua phân tích của Lý Quí Trung, thì sẽ nhận ra những khía cạnh khác của câu chuyện, gợi mở hướng ứng dụng vào doanh nghiệp mình dù đang kinh doanh ở lĩnh vực nào hay quy mô nào.
Bìa cuốn sách Khác biệt để thành công - Độc chiêu kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: NXB Trẻ
Trải nghiệm phong phú của tác giả Lý Quí Trung trong kinh doanh thực tế và việc giảng dạy đã khiến những câu chuyện đưa vào cuốn sách này phong phú và hấp dẫn: Từ doanh nghiệp Việt Nam như Vinamit, Trung Nguyên, Hòa Phát… cho đến những tập đoàn như Nike, Netflix, Alibaba…
Theo ông Lý Quí Trung, tiêu chí lựa chọn của ông đối với những chiến lược, chiến thuật đưa vào tập sách này chính là, chiến thuật đó khiến ông thấy “hay và ấn tượng. Trong đó nhiều trường hợp ‘độc chiêu’ không có nghĩa là độc nhất vô nhị chưa ai làm, mà là ít nhiều đã góp phần làm nên một sự thành công nào đó” (trích từ sách). Trên hết, ông luôn luôn nhấn mạnh việc kinh doanh luôn luôn biến đổi không ngừng, tùy vào hoàn cảnh thị trường và nhu cầu của khách hàng: Những “chiêu” tạo ấn tượng hay giữ chân khách hàng hiệu quả khi trước, có khi chỉ một thời gian sau đã không còn tác dụng vì đã trở thành tiêu chuẩn chung của cả ngành. Vậy cuốn sách này, với sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu, là lời nhắc nhở thiết thực đối với doanh nghiệp Việt Nam: Cần luôn để ý xem đối thủ đang ở đâu và những ông lớn cũng đã từng “vấp ngã” vì những điều gì.
Thực tế mới là điều quyết định hành động
Một điểm đặc biệt của cuốn sách chính là sự “bất quy tắc”, có nghĩa rằng thực tế mới là điều quyết định hành động, chứ không phải lý thuyết, dù được đúc kết bởi những bậc thầy. Ngay từ lời nói đầu, tác giả cuốn sách đã kể một câu chuyện về cách quản trị nhân sự rất độc đáo của chính mẹ mình: Khi đó bà là chủ nhà hàng, một lần nọ, bà mời người phụ bếp lên văn phòng gặp riêng. Cô phụ bếp lo lắng không biết mình làm sai việc gì, để rồi bất ngờ và vui sướng vì “cô Ba”, tức là bà chủ khi đó, chỉ vài món trang sức vàng, nói tặng cô phụ bếp một món để khích lệ tinh thần. Mãi đến sau này, khi người phụ bếp đã trở thành bếp trưởng thành công, chị vẫn nhớ mãi cảm giác bất ngờ và vui sướng khi đó.
Ông Lý Quí Trung chia sẻ khi đó ông mới đi du học Úc về, vì vậy có phần “dị ứng” trước lối ứng xử và khen thưởng đậm tính cá nhân và riêng tư này của mẹ mình, vì nó đi ngược lại với những gì ông đã học tại trường đại học. Theo ông khen thưởng phải đâu ra đó, càng công khai càng tốt; cần tiêu chuẩn hóa, quy định hóa và tiêu chí và chế độ khen thưởng để mọi nhân viên trong tổ chức biết rõ ràng mà phấn đấu và không ghen tị nhau vì sự khen thưởng không công bằng.
Nhưng rồi ông bất ngờ khi thấy rằng cách khen thưởng của mẹ ông lại chứng minh rất hiệu quả trong trường hợp cụ thể đó: món nữ trang không đắt nhưng khi đi kèm với tình cảm riêng tư của người tặng thì giá trị bỗng nhân lên nhiều lần, và giữa người chủ - người nhân viên chợt có thêm mối ân tình. Chính lời kể của người bếp trưởng - cô phụ bếp khi xưa - đã gợi cảm hứng cho ông Lý Quí Trung viết cuốn sách này.
Một số bài viết “đi ngược quy tắc” nổi bật mà tác giả nêu ra trong cuốn sách này: Nhân viên cũ có tài năng và là quản lý cấp cao: nên “trải thảm đỏ” chào đón nếu họ quay về thay vì cắt đứt quan hệ; Quản lý nhà quản lý: Cái khó của người sếp cấp cao là “hạ mình xuống” để chiêu mộ nhân tài. Quản lý nhà quản lý không thể áp dụng chế độ báo cáo cứng nhắc như với nhân viên bình thường; Work-life balance (cân bằng công việc và cuộc sống) không thể đạt được, vậy nên chăng thay bằng work-life integration? Trong thời gian làm việc có những phút vui tươi thư giãn, cảm thấy đáng sống; Dứt khoát chia tay nhân sự giỏi nhưng không hợp với văn hóa công ty; “Lấy khách hàng làm trung tâm” là một câu nói dễ hơn làm; Làm sao để nhượng quyền giá …0 đồng?
Những tiêu đề bài viết, đúng như ý định ban đầu của tác giả, mang tính khơi gợi hơn là kết luận. Các doanh chủ, quản lý cấp trung hoặc những người khởi nghiệp có thể từ đó cân nhắc: Tôi có thể vận dụng được khía cạnh nào trong bối cảnh doanh nghiệp của mình, cho bộ phận của mình. “Luôn luôn bám sát thực tế, thấu hiểu khách hàng và nhân viên” là điều mà tác giả luôn luôn nhấn mạnh trong nhiều trang sách, bởi lẽ lý thuyết chỉ chung chung, còn người kinh doanh, với tri thức, kinh nghiệm của mình, sẽ ra quyết định dựa trên thực tế luôn biến đổi: “Độc chiêu” kinh doanh xuất hiện chính từ những khoảnh khắc “bừng tỉnh trước sự thật” như vậy.
Cuốn sách cũng đề cập đến những vấn đề “gai góc” mà doanh nghiệp thường có khuynh hướng né tránh, như là “kế hoạch EXIT” - tức là kế hoạch “lối ra” khi buộc phản bán công ty, chuyển nhượng, rời bỏ lĩnh vực kinh doanh đã từng thành công… Hoặc vấn đề đối xử với các “công thần” đi theo nhà sáng lập ngay từ đầu, một khi doanh nghiệp nhỏ đã vươn lên một tầm vóc cao hơn và cần những con người với năng lực và phẩm chất khác hơn.
Kinh nghiệm thành công là điều không thể sao chép
Tác giả Lý Quí Trung đưa ra rất nhiều câu chuyện minh họa cho “độc chiêu” hiệu quả, nhưng thông điệp mới là điều mà ông muốn gửi gắm, vì kinh nghiệm thành công là điều không thể lặp lại máy móc ở các doanh nghiệp khác.
Một công ty chưa có văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, tài chính dồi dào và uy tín để thu hút nhân tài thì khó lòng áp dụng cách quản lý đi kèm đãi ngộ khủng như Netflix, Google, Microsoft… Ngược lại, người quản lý cũng có thể tự đặt câu hỏi: Vì sao người chủ khách sạn Marriott bận rộn như vậy mà vẫn dành thời gian để tiếp xúc với khách hàng, nhân viên… và suốt nhiều năm duy trì được dịch vụ đem lại trải nghiệm khách hàng xuất sắc? Vì sao áp dụng cách quản lý theo chương trình học quản trị kinh doanh, mà không giữ chân được người tài?
Doanh nhân Lý Quí Trung cũng cho rằng tất cả đều phải bắt đầu từ người lãnh đạo cao nhất của tổ chức, vì chỉ có họ mới có đủ sức truyền cảm hứng và lôi kéo cả một guồng máy đi tìm sự khác biệt, đột phá. “Độc chiêu kinh doanh” suy cho cùng chính là tư duy kinh doanh dám khác biệt, được cụ thể hóa qua các chính sách, đường lối của công ty. Điều này càng chính xác với doanh nghiệp Việt Nam vốn đa số có quy mô vừa và nhỏ, người sáng lập thường cũng là giám đốc, và có sức ảnh hưởng vô cùng lớn với văn hóa công ty, đội ngũ, đường hướng kinh doanh.
Trà My