Nhà bán lẻ Việt đưa robot, máy nấu mì tự động...vào phục vụ để đấu với Temu
Thời gian qua, kênh mua sắm online nổi lên đã thách thức mô hình siêu thị, cửa hàng hiện hữu. Đặc biệt, mua sắm online xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688...với hàng hóa giá rẻ, tốc độ giao hàng nhanh khiến thị trường bán lẻ tại Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt. Điều này buộc các nhà bán lẻ trực tiếp liên tục phải thay đổi để thích nghi và đấu với bán lẻ online.
Mỗi kênh mua sắm đều có lợi thế riêng
Bà Hà Huy Thiên Thư, Trưởng phòng Marketing cấp cao, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, cho biết mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến nhờ sự tiện lợi, đa dạng sản phẩm và dịch vụ nhưng không đồng nghĩa với việc kênh bán hàng offline (giao dịch mua bán hàng hóa trực tiếp) sẽ bị mai một.
Thực tế, người tiêu dùng hiện đại thường mua sắm đa kênh (gồm offline và online). Theo đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, một số kênh offline vẫn có nhiều dư địa để phát triển.
Dữ liệu của Kantar chỉ ra kênh siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi vẫn đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là ở khu vực thành thị.
"Qua đó, cho thấy các kênh bán hàng truyền thống vẫn có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày của khách hàng", bà Thư đúc kết.
Ông Nguyễn Văn Phượng, chuyên gia Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết, tùy vào nhóm hàng như thực phẩm tươi sống, tiêu dùng nhanh, sản phẩm lâu bền... các hình thức mua qua online hay mua sắm ngay cửa hàng tiện ích, siêu thị, sạp chợ, mỗi kênh bán hàng sẽ có lợi thế riêng.
"Nhìn chung, kênh mua sắm offline vẫn chiếm ưu thế hơn so với kênh online" - ông Phượng nói.
Chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ Đào Xuân Khương phân tích, kênh bán lẻ online và kinh doanh cửa hàng là hai hình thức bổ sung cho nhau. Xét về hành vi mua sắm, kênh online sẽ tập trung cung cấp thông tin, tạo nhu cầu cho khách hàng.
Mua sắm tại siêu thị, cửa hàng, chợ, đặc biệt là hàng tươi sống, hàng hóa cần tư vấn thì online không thể thay thế. Vì vậy, kinh doanh tại địa điểm, người bán cần lựa chọn sản phẩm đúng để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng.
Bên cạnh đó, kinh doanh online, người bán chỉ bán được các sản phẩm giá trị nhỏ, thiên về hàng khô, chất lượng được chuẩn hóa. Song song đó, trên online, người tiêu dùng cũng chủ yếu mua những ngành hàng này.
Theo TS Khương, kinh doanh online cũng chỉ phục vụ một nhóm khách hàng nào đó quan trọng về giá cả hơn chất lượng. "Hiện nay, các nhà bán lẻ Việt Nam phát triển những mô hình mới, ứng dụng công nghệ cũng nhằm khẳng định vị thế kênh bán hàng offline, đó là về chất lượng sản phẩm, trải nghiệm cá nhân hóa mà mua sắm online khó có thể làm được" - TS Khương nói.
Chiến lược mới của đầu tư đại siêu thị, trung tâm thương mại
Thực tế cho thấy, những ông lớn bán lẻ Việt Nam như Saigon Co.op, Satra... bên cạnh không ngừng phát triển đa dạng các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại còn triển khai mô hình bán lẻ đa kênh. Đặc biệt các ông lớn này ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, đầu tư dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu, xu hướng mới của khách hàng.
Đơn cử tại khu đô thị Vinhomes Grand Park, thành phố Thủ Đức, đại siêu thị Co.opXtra Long Bình với vốn đầu tư gần 100 tỉ đồng vừa đi vào hoạt động mang đến những trải nghiệm độc đáo cho người dân khu vực này.
Theo đó, trong khu tự chọn của đại siêu thị, robot AI với tên gọi thân mật là Xtrabot mang dáng dấp một nhân viên tiếp thị chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp quảng bá những chương trình khuyến mãi sinh động. Không chỉ vậy, Xtrabot còn mang đến tận tay người tiêu dùng dùng thử trà, café, bánh kẹo... một cách ân cần.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đại siêu thị Co.opXtra Long Bình là điểm bán đầu tiên mà đơn vị bắt tay cùng Vincom- có phân khúc khách hàng khác biệt so với các đại siêu thị khác. Vì vậy, với sự đầu tư nghiêm túc, nghiên cứu hành vi tiêu dùng... đại siêu thị Co.opXtra Long Bình là điểm bán đầu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến của ngành bán lẻ hiện đại.
Bên cạnh những trải nghiệm mới với công nghệ AI, nơi đây còn được đầu tư đa tiện ích nhằm đảm bảo thuận lợi hóa cho người tiêu dùng tại khu vực này.
Chẳng hạn, tại đây có trang bị máy nấu mì tự động để khách hàng thưởng thức tại chỗ. Song song đó, với quầy ẩm thực chế biến nấu chín, giới trẻ sẽ khám phá đa dạng các món vùng miền của Việt Nam đến ẩm thực thế giới như sushi, sashimi, spaghetti...
"Sắp tới, mô hình này sẽ là hình mẫu để phát triển ở các địa phương khác nơi có Vincom hiện hữu" - ông Đức nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho rằng, với hình thức đa dạng mô hình bán lẻ từ cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại thì Satra Võ Văn Kiệt (quận 6) là trung tâm thương mại thứ ba được đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay của đơn vị.
Theo ông Tuấn, bên cạnh mang đến những trải nghiệm mua sắm tiện ích, giải trí... mới mẻ, điểm khác biệt của trung tâm thương mại này là chúng tôi đẩy mạnh các dịch vụ về sức khỏe như tiêm ngừa, trung tâm giáo dục vừa học vừa chơi...
"Đặc biệt, chúng tôi tiến hành ký kết hợp tác chiến lược với hơn 20 đối tác lớn ở đa dạng lĩnh vực thương mại, giáo dục, giải trí, sức khỏe... hứa hẹn phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí cho nhóm các bạn trẻ Gen Z và gia đình khu vực quận 8, quận 5, quận 11, huyện Bình Chánh...
Nằm trên tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây, với 30.000m2, quy mô sáu tầng nổi, không chỉ giúp trung tâm thu hút lượng lớn khách hàng từ các khu vực lân cận mà còn tạo nên điểm nhấn quan trọng trên bản đồ thương mại của TP.HCM" - ông Tuấn nói.
Doanh nghiệp bán lẻ cần xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh
Bà Hà Huy Thiên Thư nhận xét, các doanh nghiệp bán lẻ Việt đã có những bước đi chiến lược để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường, bối cảnh kinh doanh và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp bán lẻ đang tìm kiếm những lợi thế cạnh tranh mới. Việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, giúp các nhà kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm và tạo ra những giá trị gia tăng cho khách hàng.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa dịch vụ như kết hợp với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giúp các siêu thị, trung tâm thương mại trở thành điểm đến hấp dẫn hơn, tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, việc thành công không chỉ phụ thuộc vào việc áp dụng công nghệ và đa dạng hóa dịch vụ.
"Do đó, các nhà kinh doanh phải có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường, nhu cầu của người mua sắm để đáp ứng những mong đợi của họ. Đồng thời, xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh để tạo ra trải nghiệm mua sắm liền mạch và thuận tiện" - bà Thư nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phượng cho rằng các đơn vị bán lẻ đều có kênh bán hàng online nhưng thời gian giao hàng là điểm nghẽn, trừ những người ở gần khu vực siêu thị đó thì có thể được giao ngay buổi sáng hoặc trong ngày.
"Thường, khách hàng mua thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh thì yêu cầu về nhanh, tiện lợi rất quan trọng nhưng dường như một số siêu thị vẫn chưa liên kết tốt đơn vị giao hàng. Vì vậy, vấn đề logistics vẫn là một yếu tố mà nhà bán lẻ Việt Nam cần cải thiện" - ông Phượng nói.
Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 230 chợ truyền thống, 267 chợ, 49 trung tâm thương mại, 3.000 cửa hàng tiện lợi.
TÚ UYÊN